CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:18/10/2024

Nhiều quy định được đưa ra nhằm ngăn ngừa dịch bệnh Corona

Trong Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 (ký ngày 25/2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần 'chống dịch như chống giặc', đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch. Trước hết, mỗi người có thể “đánh giặc dịch” bằng cách cơ bản mà thiết thực nhất là tự bảo vệ mình, người thân và những người sống xung quanh – giữ gìn vệ sinh để không lây bệnh từ người khác và khi mình nghi bị mắc bệnh thì tránh hết sức để không lây cho người khác bằng cách thực hiện nghiêm túc việc tự cách ly và cách ly, theo dõi y tế, chấp hành đúng các yêu cầu của các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch.

Ngày 9/3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 báo cáo tình hình và các biện pháp chống dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Ngăn chặn có hiệu quả các nguồn có nguy cơ lây nhiễm đã vào nước ta và sẽ vào nước ta, hạn chế lan rộng. Chúng ta cần có biện pháp mạnh mẽ, chủ động và quyết liệt để chống dịch COVID-19”. Theo Thủ tướng, cần phải xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý theo đúng pháp luật, cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh.

Thưc hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Tư pháp đề nghị tăng mức phạt tiền, bổ sung các hình thức xử phạt cùng các biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp để đảm bảo răn đe các hành vi vi phạm.

Theo quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 29 của Bộ Y tế, dịch Covid-19 thuộc nhóm A, nhóm bệnh đặc biệt nguy hiểm và có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao.

Điều 8 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định 7 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, có 3 hành vi có liên quan đến việc khai báo lịch sử dịch tễ. Cụ thể, quy định các hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật, cố ý khai báo thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm, không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Người có những hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm sẽ tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hành vi không khai báo y tế, khai báo sai sự thật, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bị nghiêm cấm. Nếu điều này làm lây lan dịch bệnh và gây nguy hiểm cho cộng đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 240 của Bộ Luật hình sự.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết: Đối với Covid-19, đây là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm và có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Do đó, trong trường hợp mà phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc gây chết người, ở đây chỉ cần chết một người, thì sẽ thuộc trường hợp tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự, quy định tại khoản 2 của Điều luật này, với mức hình phạt là từ 5-10 tù. Nếu như phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc phạm tội dẫn đến làm chết hai người trở lên thì hình phạt tù từ 10 năm cho đến 12 năm.

Nghị định 67 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới cũng quy định rõ trách nhiệm của người nhập cảnh, xuất cảnh, người quá cảnh, chủ phương tiện và chủ hàng phải chủ động khai báo về tình trạng sức khỏe bất thường đối với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới. Nếu cơ quan chức năng xác định rõ là các đương sự có hành vi từ chối hoặc trốn tránh khai báo y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam thì hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, mức xử phạt vi phạm hành chính hiện quy định rất thấp. Hành vi không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định chỉ là từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng. Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định, rà soát, nghiên cứu và tăng mức phạt tiền, bổ sung các hình thức xử phạt cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp để đảm bảo răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Trước đó ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Covid-19 gây ra nên các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Mặt khác, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đây là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh./.

                                                                                                                                    Văn Tuấn

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất