CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:23/11/2024

BÁC HỒ DẠY: “PHẢI CÓ TÌNH ĐỒNG CHÍ THƯƠNG YÊU LẪN NHAU”

          Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969 là một văn kiện lịch sử vô giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trong bản Di chúc thiêng liêng này, sau đoạn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, có câu: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".

Ảnh: Trang đầu bản Di chúc năm 1965 có dòng Bác viết thêm: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" vào năm 1966.         

          Vì sao Bác Hồ kính yêu đặt ra yêu cầu này đối với Đảng ta? Chuyện rằng, năm 1965, cảm thấy sức khỏe giảm sút hơn nhiều năm trước, Bác Hồ kính yêu bắt đầu viết Di chúc. Bản Di chúc gồm 3 trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15.5. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ. Năm 1966, khi đọc lại bản Di chúc này, Bác viết thêm: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" ngay sau đoạn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Đồng chí Vũ Kỳ- Thư ký riêng của Người cho biết: "Cán bộ, đảng viên chúng ta từ Trung ương đến các chi bộ chắc sẽ xúc động biết chừng nào khi biết rằng, sau một năm trời, Bác Hồ chỉ dặn thêm chúng ta một câu như thế". Vì sao Bác lại canh cánh nỗi lo như vậy trước lúc đi xa?

          Để lý giải điều này, theo chúng tôi, trước hết, phải hiểu rằng, tình thương yêu đồng chí mà Bác đề cập bắt nguồn từ tình thương yêu con người- vốn là đạo lý, là nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam ta. Còn nhớ, trong buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng về việc làm và xuất bản loại sách "người tốt, việc tốt" vào đầu tháng 6.1968, Người hỏi: "Các chú có biết nhân dân ta sống với nhau như thế nào không?". Một đồng chí trả lời: "Thưa Bác, nhân dân ta có câu: "Tối lửa tắt đèn có nhau". Bác nhận xét: "Đúng là như vậy! Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có nghĩa có tình như thế. Từ khi có Đảng lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa 5 châu  bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin là sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được!". Trong đời thường, chính Bác của chúng ta là tấm gương cao cả nhất về lòng thương người, thương dân đẹp như huyền thoại. Theo Giáo sư Trần Văn Giàu: "Như phần lớn các nhà hiền triết cổ kim, đông tây, thương người là một đức lớn của Cụ Hồ- được thể hiện qua từng lời nói, từng việc làm của Cụ suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi…Ngay cả khi đi chiến dịch Biên giới, Người không chịu cưỡi ngựa mà cùng đi bộ với 7 cán bộ, chiến sĩ, để ngựa thồ hành lý đỡ cho anh em. Đoàn được chia chiến lợi phẩm một chai rượu Tây, Cụ bảo mọi người uống xong đừng vứt bỏ chai mà rửa sạch rồi đem cho dân đựng hạt giống. Khi thăm trại tù binh về, Cụ không còn áo khoác vì Người đã cho tên quan ba thầy thuốc bị rét cóng. Hiếm có một lãnh tụ như vậy".

          Tình thương yêu đồng chí còn xuất phát từ yêu cầu của công tác cách mạng. Trong cuốn "Sửa đổi lối làm việc" viết năm 1947, Bác nhấn mạnh: "Không phải vài 3 tháng, hoặc vài 3 năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đảng phải thương yêu cán bộ". Tuy nhiên, Người nhắc nhở: "Thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc" và chỉ rõ: "Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn… Thương yêu là luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa  ngay, để vun trồng cái thói cả gan phụ trách, cả gan làm việc của họ. Làm thế không phải là làm cho họ kiêu căng mà cốt làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí cho họ, để đi đến chỗ "bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu"…". Bằng kinh nghiệm từ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của mình, Bác căn dặn rất chân tình rằng: "Đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ  tác hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Tóm lại, phải phê bình cho đúng. Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng lên".  

          Xin nhắc lại một câu chuyện đầy ý nghĩa do đồng chí Vũ Kỳ kể: "…Bữa ăn hôm ấy có thêm món tráng miệng. Vừa ăn, Bác vừa hỏi tôi:

          - Chú thấy bánh gatô có ngon không?

           - Thưa Bác, ngon lắm ạ!

         - Thế Bác mời chú ăn cơm, không nói cho chú biết là sẽ có bánh gatô tráng miệng, cứ để chú ăn no căng bụng, thì lúc ăn bánh gatô còn ngon nữa không?
           - Thưa Bác lúc đó thì bớt ngon ạ!

         Tôi đang cố suy nghĩ xem Bác nói chuyện này để nhằm giáo dục vấn đề gì đây, thì Bác lại tiếp tục hỏi:

          - Bớt ngon mà Bác cứ bắt chú ăn, liệu chú có khó chịu không?

          -  Thưa Bác khó chịu ạ!

          Bác cứ dẫn dắt như thế và Bác kết luận:

          - Bánh gatô ngon nhưng ăn không đúng lúc cũng không ngon, ăn không đúng cách lại càng không ngon. Tự phê bình và phê bình cũng vậy, phải đúng lúc và đúng cách. Và điều quan trọng là phải biết tôn trọng lẫn nhau".

          Đồng chí Vũ Kỳ rút ra kết luận: "Nếu không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì dù có “tự phê bình và phê bình” đến mấy, dù được gọi là “có tinh thần đấu tranh thẳng thắn” đến mấy, hiệu quả cũng chẳng được là bao. Phải chăng, Bác muốn căn dặn chúng ta: “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” là điều quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, trong vấn đề bảo đảm đoàn kết và bao trùm lên tất cả là trong mối quan hệ giữa người với người. Nếu không xuất phát từ điều đó, không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, sẽ chẳng còn điều gì ý nghĩa cả". Đã tròn nửa thế kỷ từ ngày Bác đi xa, song lời dặn dò thấm đượm tính nhân văn trong Di chúc của Người vẫn còn tươi mới trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày nay!

Vân Trình

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất