-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:23/11/2024
Đại Lộc đã và đang thực hiện cải cách hành chính (CCHC), hướng tới nền hành chính phục vụ, làm hài lòng người dân và các đơn vị, doanh nghiệp. Chủ trương đưa Trung tâm hành chính công cấp huyện vào phục vụ đầu năm 2018 là nỗ lực và quyết tâm của huyện.
Ngành tư pháp huyện Đại Lộc tuyên truyền pháp luật tới tận khu dân cư. Ảnh: H.L |
Còn nhiều vướng mắc
Thời gian qua, Đại Lộc đã có những nỗ lực trong CCHC với 6 nhiệm vụ trọng tâm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách bộ máy hành chính; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Ông Đào Duy Bình - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Đại Lộc cho biết, 9 tháng đầu năm nay, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính huyện đã nhận, giải quyết và trả kết quả 530 TTHC. Trong đó có 524 hồ sơ trả đúng hẹn, 6 hồ sơ trả chậm, nguyên do là cơ quan chuyên môn thẩm định hồ sơ nhận thấy sai sót về số liệu, thông tin, chủ đầu tư chưa bổ sung, chỉnh sửa kịp thời thông tin yêu cầu về hồ sơ. Riêng TTHC thuộc phạm vi giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện trực tiếp giải quyết là 3.749 hồ sơ, chủ yếu thuộc lĩnh vực tư pháp (3.054); lĩnh vực kinh tế - hạ tầng (134), giáo dục - đào tạo (58). Cũng theo ông Bình, cơ sở vật chất, phòng làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện được xây dựng có diện tích 71m2, có trang bị bàn ghế, mỗi công chức được trang bị 1 máy vi tính và máy in kết nối internet phục vụ công việc. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được duy trì tốt ở cấp huyện; ở cấp xã, hệ thống “một cửa” ngày càng được nâng cao về chất lượng giải quyết hồ sơ, hạn chế hồ sơ trễ hẹn và tồn đọng.
Cơ chế “một cửa liên thông” được triển khai mạnh ở lĩnh vực tư pháp - hộ tịch. Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, Đại Lộc thực hiện liên thông đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) với 209 trường hợp; liên thông đăng ký khai sinh - thường trú - cấp thẻ BHYT với 936 trường hợp; liên thông khai tử - xóa đăng ký thường trú với 469 trường hợp. Hiện Phòng Tư pháp và UBND các xã, thị trấn đã tiến hành trao trả hồ sơ tại nhà cho 120 trường hợp công dân bệnh tật, người già neo đơn… Huyện bố trí 7 cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa liên thông” của huyện, trong đó có một trưởng phòng phụ trách. Cán bộ chuyên trách của các ban ngành được bố trí tiếp công dân theo định kỳ. Bộ phận này giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trên 12 lĩnh vực với 191 TTHC. UBND huyện đã và đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 nhằm cải tiến về quy trình và lề lối làm việc ngày càng khoa học, giúp lãnh đạo UBND và các ngành kiểm soát được công việc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cũng như khó khăn trong nền cải cách hành chính huyện cần tháo gỡ. Đó là tỉnh, huyện cần có cơ chế ưu tiên bố trí kinh phí nâng cấp phần mềm “một cửa điện tử”, bổ sung thêm nhân sự chuyên môn ngành tư pháp trong kiểm soát TTHC, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cho bộ phận này như máy tính xách tay, máy in, máy photocopy…
Nền hành chính phục vụ
Ngành tư pháp huyện Đại Lộc là “điểm sáng” trong CCHC với nỗ lực trả kết quả giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực Tư pháp - hộ tịch (giấy chứng sinh, giấy chứng tử, thủ tục hộ tịch...) cho đối tượng bảo trợ xã hội, người già yếu neo đơn, phụ nữ nghèo có con nhỏ, người tàn tật. Ngay từ đầu năm, Phòng Tư pháp huyện đã triển khai thí điểm chi trả kết quả giải quyết TTHC cho công dân thuộc lĩnh vực Tư pháp - hộ tịch tại nhà đối với những trường hợp nêu trên. Kết quả thí điểm đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của chính quyền và nhân dân. Từ nền tảng đó, 9.1.2017, Đề án trả hồ sơ tại nhà của Phòng Tư pháp đã được UBND huyện phê duyệt có hiệu lực, triển khai trên diện rộng. Ông Võ Ngọc Tốt - Trưởng phòng Tư pháp huyện Đại Lộc cho biết, qua 9 tháng triển khai thí điểm trả hồ sơ cho công dân tại nhà, ngành tư pháp huyện đã đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai ở cấp cơ sở. “Đề án đã được duyệt, song để chủ trương này đi vào thực tế, phải lồng ghép công tác thi đua, khen thưởng, chuyển từ nền hành chính công quyền sang nền hành chính phục vụ, đem lại sự hài lòng cho người dân. Cán bộ, công chức tư pháp huyện nêu cao ý thức, phục vụ nhân dân, nếu có trường hợp trễ hẹn, phải công khai xin lỗi công dân, hoặc phải trả chi phí đi lại cho dân” - ông Tốt nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ, bên cạnh kết quả đạt được, Đại Lộc cần đẩy mạnh triển khai các văn bản chỉ đạo CCHC liên quan đến lĩnh vực đất đai; cải cách TTHC, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư. CCHC cần tập trung vào 4 lĩnh vực: Đó là tinh gọn, cải thiện bộ máy hành chính, xây dựng đội ngũ theo hướng chuyên nghiệp và chuyên môn hóa; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phục vụ tốt doanh nghiệp (tháo gỡ khó khăn, đối thoại, cà phê doanh nhân…); thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính và đạo đức công vụ, xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu (văn hóa công sở, chống tiêu cực…). “Việc thành lập Trung tâm hành chính công của huyện trong năm 2018 là nỗ lực lớn của huyện. Có thể xem đây là công trình tiêu biểu, địa chỉ hợp lý của huyện, là dấu ấn nhiệm kỳ” - ông Sáng nói.
HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)