CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:17/05/2024

Mộ Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển được xếp hạng Di tích quốc gia

     Ngày 12/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 608/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích quốc gia đối với mộ Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển, xã Đại Cường, huyện Đại lộc, tỉnh Quảng Nam.

     Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển sinh ngày 14/5/1856 tại làng Ô Gia, nay thuộc xã Đại Cường. Ông còn có tên khác là Đăng Các, hiệu Hy Đào, biệt hiệu Tuý Am. Nổi tiếng là người viết chữ đẹp, giỏi thi phú nhưng Đỗ Đăng Tuyển lại lận đận trong thi cử. Mặc dù chỉ đỗ Tú tài nhưng ông vẫn được vời ra kinh đô Huế giữ một chức quan nhỏ, rồi thăng Chủ sự - Chánh lục sự ở nội các chuyên viết các bằng sắc, dụ. Khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuống dụ Cần Vương, Đỗ Đăng Tuyển đã có mặt ngay trong hàng ngũ sĩ phu Quảng Nam, tham gia thành lập Nghĩa hội, mà Hội chủ là Tiến sĩ Trần Văn Dư. Ông giữ chức Đội biện quân lương, công việc chủ yếu là lo vận động tài chính, thu góp quân lương cho Nghĩa hội. Cuối năm 1887, sau 3 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và ngụy triều Đồng Khánh, Nghĩa hội Quảng Nam thất bại. Tuân theo mệnh lệnh cuối cùng của Hội chủ, Tán tương Đỗ Đăng Tuyển cùng các nghĩa quân vùng Vu Gia trở về quê sống đời dân dã, thu mình và giấu chí chờ thời cơ. Thượng tuần tháng tư năm Giáp Thìn (1904), Đỗ Đăng Tuyển tham gia cuộc họp sáng lập nên Hội Duy Tân - một tổ chức cách mạng đầu tiên có quy mô cả nước vào đầu thế kỷ 20. Trải qua các phong trào yêu nước, từ Nghĩa hội Quảng Nam cuối thế kỷ 19 đến phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du đầu thế kỷ 20, Đỗ Đăng Tuyển luôn là nhân vật trọng yếu.

Sau khi phong trào chống sưu cao, thuế nặng năm 1908 ở Trung Kỳ thất bại, nhiều văn thân, sĩ phu bị bắt và xử tử. Năm 1910, chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển bị bắt và bị kết tội: ám thông tin tức, xuất của quyên trợ, đồng mưu phản nghịch và bị kết án khổ sai mười năm, tịch thu sắc bằng, áo mũ và gia sản. Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn để lấy lời khai, mua chuộc song Đỗ Đăng Tuyển vẫn không khai nửa lời, nhiều lần tìm cách tuẫn tiết. Về sau, kẻ thù đưa ông ra Nghệ An để đối chất với đồng chí của mình, sau đó giải ông về giam cầm tại nhà lao Lao Bảo (Quảng Trị). Tại đây, ông đã tuyệt thực hơn 1 tuần và hy sinh vào ngày 4.4 năm Tân Hợi (tức 2.5.1911), khi mới 55 tuổi. Sinh thời, nhà cách mạng Phan Bội Châu từng đánh giá rất cao về vai trò của chí sĩ đất Quảng Đỗ Đăng Tuyển: "Bội Châu không bác e vô sự".

     Việc mộ Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển được xếp hạng Di tích quốc gia là sự trân trọng và tôn vinh xứng đáng những cống hiến quan trọng của cụ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là niềm tự hào lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc, xã Đại Cường và gia tộc.

                                                                                                             Vân Trình

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất