CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:17/05/2024

Cầu Ông Nỡ và "địa đạo giữa lòng dân"

Họa sỹ Giang Nguyên Thái đã từng sống và chiến đấu ở vùng B H.Đại Lộc (Quảng Nam) trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là họa sỹ - chiến sỹ, ông có rất nhiều ký họa bút sắt và màu nước, là những tư liệu quý về chiến tranh, vùng đất và con người trên chiến trường Trung Trung bộ nói chung, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà nói riêng. Trong những bức ký họa ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với bức "Cầu Ông Nỡ".

Bức ký họa hình ảnh một cây cầu nhỏ như "cầu khỉ" bắt qua lạch nước, chân cầu là những cọc tre đóng chéo vào nhau, gác hai thanh gỗ làm thân cầu để đi. Bức ký họa sẽ không có gì đặc biệt nếu như họa sỹ không cẩn thận chú thêm những thông tin: "Cầu Ông Nỡ, vùng B Đại Lộc, nơi quân và dân ta tiêu diệt đại đội Mỹ trong trận đánh vào tháng 11 năm 1967". Bên dưới là hai câu thơ: "Lấy xác Mỹ xây cầu Ông Nỡ/ Cho Long An nối lại Phú Bình". Những địa danh như cầu Ông Nỡ và những tên đất tên làng như Phú An, Phú Xuân, Phú Bình, Phú Long... trong câu thơ ấy thuộc xã Đại Thắng, H. Đại Lộc. Hôm nay, nếu có dịp đến xã Đại Thắng, theo hướng từ Đại Minh vào thì sẽ thấy bên tay phải có một tượng đài ôm bóng đồng lúa xanh rờn. Đó là tượng đài Chiến thắng cầu Ông Nỡ.

Cầu Ông Nỡ hiện nay dài hơn 10 mét, được làm bê-tông khá vững chắc. Chiếc cầu vắt ngang qua làng Phú Bình và làng Phú An. Gọi là "cầu" nhưng thực ra nó là một cái cống thoát nước ngang qua đường. Ông Trần Hoàng Tám, du kích thôn Phú An những năm 1964 - 1975, cho biết: Trong kháng chiến, cầu Ông Nỡ có địa thế vô cùng hiểm trở, là nơi che chắn cho lực lượng của ta và là mồ chôn giặc Mỹ xâm lược. Giữa hai làng là một lạch nước rộng, hai bên là hai sống đất cao với những lũy tre ken dày. Mọi ngả đường qua lại các thôn trong xã Đại Thắng hoặc lên xã Đại Thạnh đều phải qua quãng đường này. Chính địa thế ấy nên khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh đặc biệt, đổ quân ồ ạt xuống miền Nam Việt Nam, quân và dân xã Đại Thắng, vùng B Đại Lộc đã biến nơi đây thành "lũy thép", tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân làm thất bại nhiều đợt càn quét của địch.

Minh chứng hùng hồn và sinh động về quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của người dân nơi đây là địa đạo Phú Xuân - Phú An lịch sử trên đất Đại Thắng anh hùng. Nơi đây, các đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy V; Chu Huy Mân, Phó Bí thư, Tư lệnh Quân khu V; Đoàn Khuê, Phó Chính ủy khu V; Nguyễn Chánh, Tư lệnh Mặt trận 44 Quảng Đà; Giáp Văn Cương, Thường vụ Đặc khu ủy, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 44; cùng nhiều vị lãnh đạo, tướng lĩnh... sống chiến đấu, công tác trên chiến trường Quảng Đà, đã có mặt trên mảnh đất Phú An - Phú Xuân của xã Đại Thắng. Địa đạo Phú An-Phú Xuân được tiến hành xây dựng từ năm 1965 đến năm 1966, dưới sự chỉ đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà.

Chiều dài của địa đạo hơn 850 mét. Đó là chưa kể các hầm ngách và các dãy giao thông hào thông ra các hướng. Tham gia đào địa đạo có những mẹ, những chị, những bác nông dân, các cháu thiếu nhi cùng du kích địa phương. Họ vừa làm vừa xóa dấu vết. Sau nhiều đêm miệt mài len lỏi vào những ngách, những hầm đào bới trong lòng đất, địa đạo được hình thành... Nhờ địa thế hiểm yếu của khu vực cầu Ông Nỡ và hệ thống địa đạo vững chắc nên du kích địa phương và bộ đội chủ lực đã tổ chức nhiều trận đánh khiến quân thù khiếp vía...

Tượng đài Chiến thắng cầu Ông Nỡ được xây dựng và di tích lịch sử quốc gia địa đạo Phú An - Phú Xuân được trùng tu, tôn tạo làm thỏa lòng mong ước của người dân. "Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh thắng giặc Mỹ, cực chừ, sướng sau!". Vùng đất Phú An - Phú Xuân nay đã có nhiều đổi thay. Tượng đài Chiến thắng cầu Ông Nỡ và "địa đạo giữa lòng dân" là địa chỉ đỏ và giáo dục truyền thống cho các lớp con cháu về một thời quyết tâm đánh giặc giữ làng giữ nước của cha ông trên mảnh đất Đại Thắng anh hùng.

Thạch Hà

 

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất