CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:02/05/2024

Hấp dẫn món bánh tráng Đại Lộc

 

Đại Lộc là một huyện được biến đến với vị thế nằm bên dòng Vu Gia xanh mát hiền hòa, đa phần đời sống người dân gắn liền với nông nghiệp. Bên cạnh trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát... nghề truyền thống tráng bánh đã được người dân lưu giữ từ nhiều đời và góp phần làm nên cái hồn cho văn hóa ẩm thực của địa phương. Cũng chính vì thiên nhiên ưu ái ban tặng nên dù cũng được tráng từ gạo như những nơi khác nhưng chiếc bánh tráng Đại Lộc mang một nét đặc biệt riêng và chính vì sự khác biệt đó đã làm xao lòng bao du khách gần xa, nhất là những người con Đại Lộc xa quê…

1. Đậm đà thương hiệu bánh tráng Đại Lộc

 Theo lời những người làm bánh lâu đời tại Đại Lộc, để làm nên một tấm bánh tráng ngon đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo trong việc pha chế nguyên liệu cũng như thao tác tráng bánh trên bếp lò. Gạo phải là gạo mùa, lúa mới phải đảm bảo ba yếu tố thơm, ngon, dẻo. Gạo sau khi được vo sạch, ngâm kỹ và thay nước liên tục trong hai ngày, sau đó đem xay nhuyễn. Tiếp đến là thao tác pha bột . Bột phải trộn thật đều tay để nhuyễn, lượng nước vừa đủ để hỗn hợp bột không được quá lỏng hay quá đặc, ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Bột nước còn được lọc qua lược để loại bỏ vỏ trấu lấm tấm, giúp bột bánh trắng mịn hơn.  Khi tráng bánh thì người tráng phải nhanh tay quay đều, chậm một tí sẽ chỗ dày chỗ mỏng. Chiếc bánh sau khi được úp lên trành thì được đem ra phơi nắng, sau khi bánh đủ nắng thì xếp bỏ vào trong bao, lót lá chuối, lúc bán mới xếp ra ràng, luôn bọc trong bao nhựa để giữ bánh luôn mềm

. 

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng của tấm bánh là thời tiết. Từ xưa đến nay, người Đại Lộc vẫn tranh thủ những ngày trời nắng to để tráng bánh. Một tấm bánh được phơi khô giòn sau khi tráng sẽ dẻo và có hương vị hấp dẫn hơn. Nếu trời mưa mới dùng lò để sấy bằng than hầm, nhưng cách làm này tốn chi phí mua than trong khi bánh không được ngon.

2. Đặc sản " bánh tráng cuốn thịt heo"

Cũng chính từ những chiếc bánh to tròn, trắng mịn màng được làm từ bột thuần gạo đã tạo nên một món ăn  mang hương vị rất riêng, đặc trưng và hấp dẫn bất kỳ ai được thưởng thức đó là món bánh tráng cuốn thịt heo.  Để có một bữa bánh tráng cuốn đúng vị thì yếu tố đầu tiên đó là đĩa rau sống phải thật sự bắt mắt với các loại rau như diếp cá, tía tô, lá hành, húng, quế, ngò tàu, cải cay, bắp chuối, khế và thêm những lát chuối chát xắt dài, giá sống...

Thịt heo phải chọn những thớ thịt ba chỉ còn tươi nguyên, sau đó rửa sạch và khi luộc thịt phải canh lửa sao cho thịt không được chín quá, khi luộc thịt thì nên cho vào ít muối và bột ngọt sẽ tạo thêm thịt một mùi thơm và vị ngọt hơn. Thịt chín thì để nguội và thái từng lát mỏng. Sau yếu tố rau và thịt thì yếu tố góp phần quan trọng tạo nên nét đậm đà cho món ăn đó là chén mắm chấm, mắm ở đây là mắm cái được muối từ những con cá cơm nhỏ và phải là cá cơm đánh bắt từ bãi ngang biển Hội An, Điện Bàn. Mắm chỉ lấy nước, bỏ xác, thêm chút nước đường, bột ngọt, ớt tỏi đặc biệt phải nêm thật cay...

Để cuốn, người ăn phải nhúng bánh cho ướt  sau đó quấn cùng với rau sống, thịt heo và chấm với nước mắm, điều đặc biệt của bánh tráng Đại Lộc là dù nhúng vào nước rất ướt nhưng bánh vẫn mang một độ trong, độ dai và độ dẻo cần thiết, không giống nhiều loại bánh gặp nước là nhão và rách.

Vì vậy, thật là khó cưỡng lại với sự hấp dẫn của món ăn này nên nhiều du khách đến Đại Lộc cứ nhớ món bánh tráng cuốn và mua để đem về làm quà tặng người thân. Còn những người con xa quê thì tranh thủ tết ghé về đặt mua thật nhiều để đem về dự trữ. Từ bao giờ trong tiềm thức của người dân Đại Lộc chúng tôi, món bánh tráng đã trở thành thông lệ, cứ thèm đâu ăn đó, nhiều lúc ăn thay cơm vì tính đơn giản, thông dụng và đặc biệt của nó.

 

 

 

 

 

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất