CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:17/05/2024

KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM 9/7. Đại Lộc- Vùng đất giàu tiềm năng và khả năng về phát triển du lịch

          Là vùng đất vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi, lại có hai dòng sông lớn của đất Quảng là Thu Bồn và Vu Gia chảy qua; điều kiện tự nhiên từ lâu đã dành cho Đại Lộc những lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Nhiều tài nguyên thiên nhiên nơi đây còn mang tính hoang sơ với những cảnh vật độc đáo trải dài theo hệ Vu Gia – Thu Bồn, hấp dẫn được nhiều du khách như: Khe Lim – Bằng Am, Suối Mơ, Suối Thơ, Vũng Thùng, Sông Cùng, Đá Bàn, Thái Sơn, Khe Tân, Trà Cân… Đến nay, các điểm du lịch: Thắng cảnh Khe Lim, hồ Khe Tân và Suối Mơ đã nằm trong danh mục khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Ảnh: Nơi giao nhau giữ hai dòng sông Thu Bồn và Vu Gia

          Đại Lộc là nơi tiếp biến và lưu giữ nhiều giá trị của các nền văn hóa nổi tiếng: Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt với nhiều di chỉ, di tích văn hóa – lịch sử thể hiện bề dày của vùng đất từng được mệnh danh là “phên dậu của Đại Việt”. Đồng thời, là nơi đương đầu với nhiều thế lực cường quyền phong kiến và ngoại xâm hung hãn mà dấu ấn mãi lưu danh trong sử sách như chùa Cổ Lâm, động Hà Sống, cồn Văn Thánh, đình làng Phiếm Ái, miếu Thừa Bình, Chiến thắng Thượng Đức, địa đạo Phú An – Phú Xuân… Toàn huyện có 4 di tích lịch sử cấp quốc gia và có 25 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, những loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như: hát Tuồng, dân ca, hò đối đáp, hò chèo thuyền, múa tứ linh, Bài chòi… vẫn còn lưu giữ cùng với sinh hoạt lễ hội dân gian truyền thống Lễ hội Bà Phường Chào, Lễ hội Bà Chúa Ngọc, Lễ vía Ngũ hành Tiên nương, hội đua thuyền truyền thống… diễn ra hàng năm. Đại Lộc còn có những làng quê, làng nghề nổi tiếng như: làng trống Lâm Yên, làng hương Phú Lộc, làng hồ Khánh Vân, làng chè xanh An Bằng, bánh tráng Ái Nghĩa, rau Bàu Tròn…, cùng những tập quán sinh hoạt phong phú, sự mến khách của cư dân địa phương. Các yếu tố bản sắc văn hóa trên sẽ góp phần đắc lực cho phát triển loại hình du lịch văn hóa – lịch sử, tâm linh.

          Bên cạnh những tiềm năng, Đại Lộc “sở hữu” vị trí địa lý khá quan trọng để phát triển du lịch: cửa ngõ đi vào thành phố Đà Nẵng về phía Tây Nam; nằm trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây, nối các tỉnh Tây Nguyên, cửa khẩu quốc tế Bờ Y – Kon Tum, Đắc Tà Oóc – Nam Giang về Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung; gần Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc và hai di sản văn hóa thế giới: khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn, phố cổ Hội An. Những năm qua, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch ở Đại Lộc được đầu tư ngày càng đồng bộ hơn, nhất là đã nâng cấp một số tuyến đường, cầu quan trọng như: quốc lộ 14B; đường ĐT609; cầu Ái Nghĩa; cầu Giao Thủy, cầu Quan Âm… và một số tuyến đường ĐH của huyện. Đây là điều kiện khá thuận lợi để du khách đến với các điểm du lịch sinh thái như Khe Lim, Suối Mơ, Khe Tân, Bằng Am… Đáng chú ý là, từ khi cầu Giao Thủy hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2017 càng thúc đẩy gắn kết phát triển kinh tế giữa Đại Lộc với Duy Xuyên, Nông Sơn và vùng lân cận, tạo điều kiện cho du lịch Đại Lộc phát triển. Hệ thống các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện phát triển nhanh. Đã có một số cơ sở ăn uống đã được du khách gần xa tìm đến với các món ăn mang đậm hương vị Đại Lộc: bánh tráng – thịt heo ở quán: Liên Gia, Vu Gia (thị trấn Ái Nghĩa); thịt nghé ở quán Thủy Lợi (thị trấn Ái Nghĩa); các món cá sông – suối ở nhà hàng Hoa Lực…

          Du lịch của huyện Đại Lộc hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách. Sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng vào phát triển du lịch chưa nhiều. Đại Lộc chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư để phát triển du lịch với quy mô lớn, có tính khả thi và chưa có sự kết nối với du lịch của các địa phương lân cận: Đà Nẵng, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An để có sự bổ trợ sản phẩm du lịch cho nhau. Thực trạng trên đòi hỏi trước hết phải tập trungphát triển các loại hình du lịch Đại Lộc một cách căn cơ, đồng bộ và bền vững theo định hướng sau:

          Đối với du lịch sinh thái, cần tập trung đầu tư củng cố toàn diện ba điểm du lịch sinh thái: thắng cảnh Khe Lim, hồ Khe Tân và Suối Mơ, làm điểm nhấn cho du lịch Đại Lộc phát triển với các dịch vụ tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng. Khuyến khích các chủ cơ sở du lịch bố trí xây dựng các bungalow. Trồng thêm cây xanh hợp lý, tôn tạo các điểm tắm ở điểm du lịch nhưng không làm phá vỡ cảnh quan du lịch vốn có. Quy hoạch tuyến leo núi, trượt thác… phục vụ các hoạt động trải nghiệm của du khách. Tiếp tục đôn đốc thực hiện dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái Bằng Am. Thu hút đầu tư để xây dựng các điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng: Trà Cân, Suối Thơ, suối mát Vũng Thùng, sông Cùng. Đối với du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch tâm linh, tiếp tục tăng cường bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện kết hợp với việc khai thác, phục vụ du khách nội địa và quốc tế nhằm giới thiệu bề dày truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, bản sắc của đất và người Đại Lộc trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đồng thời phục vụ nhu cầu tìm hiểu, thăm lại chiến trường xưa, nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh. Chú trọng đầu tư tôn tạo và phát huy các di tích văn hóa – lịch sử, tâm linh. Bên cạnh đó, cần khôi phục và tổ chức tốt các lễ hội, hoạt động văn hóa hằng năm để phục vụ du khách: Lễ hội Bà Phường Chào, Lễ hội đua thuyền, Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương; Lễ viếng Ngũ hành tiên nương, Bà Chúa Ngọc; hô hát Bài chòi; ca xuân sắc bùa, Tuồng cổ…  Trong đó, xác định Lễ hội Bà Phường Chào (xã Đại Cường) là lễ hội đặc trưng của Đại Lộc.

Ảnh: Rước kiệu bà Phường Chào

          Đối với du lịch làng nghề truyền thống – làng quê, yêu cầu đặt ra là tiếp tục khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, làng nghề mới gắn với du lịch: làng trống Lâm Yên (Đại Minh), làng hương Phú Lộc (Đại An), làng rau sạch Bàu Tròn (Đại An), làng chè xanh An Bằng (Đại Thạnh), làng nghề bánh tráng Đại Lộc (thị trấn Ái Nghĩa), trong đó làng nghề bánh tráng Đại Lộc là làng nghề đặc trưng của Đại Lộc để hình thành các tour du lịch tham quan các làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch làng quê ở Đại Lộc. Xây dựng nhà trưng bày, bán hàng lưu niệm tại các điểm du lịch này để giới thiệu, quảng bá du lịch. Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng. Nghiên cứu phát triển loại hình du lịch lưu trú trong dân (homestay)Với loại hình này, du khách không chỉ lưu trú trong nhà dân mà còn được trải nghiệm thú vị về cuộc sống làng nghề, tìm hiểu nét độc đáo của văn hóa ẩm thực, sinh hoạt văn hóa của người dân bản địa.

Làm bánh tráng tại Ái Nghĩa

          Cùng với định hướng phát triển các loại hình du lịch, nhất thiết phải chăm lo xây dựng môi trường du lịch lành mạnh. Đảm bảo an ninh trong các hoạt động kinh doanh du lịch. Xây dựng các tuyến, điểm, khu du lịch an toàn cho du khách. Chú trọng tuyên truyền việc bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị văn hóa phi vật thể, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Ở những điểm du lịch sinh thái, cần quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho các hoạt động du lịch. Xây dựng quy chế hoạt động tại các khu du lịch sinh thái, khu di tích lịch sử – văn hóa, du lịch làng nghề.

          Đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch cũng là một yếu tố không thể thiếu trong phát triển du lịch Đại Lộc những năm đến. Theo đó, cần tranh thủ các chương trình mục tiêu, lồng ghép các dự án để đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng du lịch, nhất là đường giao thông, điện, nước, hạ tầng thông tin liên lạc, công trình vệ sinh công cộng. Xây dựng và hình thành các dịch vụ (bãi đỗ, ăn uống, giải khát, bán các sản phẩm lưu niệm…) dọc theo các tuyến đường bộ đến các điểm du lịch với khoảng cách hợp lý. Phát triển các công trình vui chơi, giải trí có tính hấp dẫn để giữ được khách lưu trú dài ngày và tăng mức chi tiêu của du khách. Kết hợp phát triển hệ thống các cơ sở lưu trú hiện đại (khách sạn, nhà nghỉ) với cơ sở lưu trú trong dân (homestay) để thu hút khách, nhất là khách quốc tế.

          Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch phải thường xuyên được xem trọng đúng mức. Đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá hình ảnh du lịch Đại Lộc trên các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, của tỉnh…Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch huyện, thiết kế sản phẩm, tổ chức các sự kiện văn hóa – du lịch; khảo sát, tổng hợp ý kiến đánh giá về mức độ hài lòng của du khách…Thiết lập mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ sở kinh doanh du lịch Đại Lộc với các trung tâm du lịch, các hãng lữ hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để du khách quốc tế và trong nước tìm hiểu và tiêu thụ các sản phẩm du lịch của huyện. Nghiên cứu hướng kết nối du lịch Đại Lộc với du lịch Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đà Nẵng.

          Với việc thực hiện đồng bộ những giải pháp trên, trong những năm đến, tin rằng du lịch Đại Lộc sẽ phát triển theo hướng ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, tạo việc làm cho người dân, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo vệ và khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, lịch sử và văn hóa; thúc đẩy tăng nhanh tỷ trọng thương mại, dịch vụ và du lịch trong cơ cấu kinh tế của huyện, góp phần mở rộng không gian phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam.

Vân Trình  

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất