CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:23/11/2024

Mắt thơm và đời người

Hai giờ rưỡi sáng, trâu rống lên từng hồi. Ngày mới của người đi thu hoạch thơm (dứa) bắt đầu.

Thu hoạch thơm. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Thu hoạch thơm. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Xuyên đêm

Khoảnh đất rộng khoảng vài chục mét vuông, dưới mấy gốc thầu đâu, những chú trâu ngoan ngoãn để chủ gắn khúc gỗ ngắn ngang vai; 2 đầu khúc gỗ này lại gắn với 2 đoạn gỗ dài khoảng 2m chạy dọc hai bên thân trâu, ăn liền với chiếc xe chất đầy thơm. Chiếc xe trâu được chế dài khoảng 2m, cao 70cm, rộng 50cm, chở khoảng 300 trái thơm. Họ bắt đầu hành trình. Ông Trần Văn Bảy (57 tuổi, xã Đại Hồng, Đại Lộc) cho biết, một đêm như vậy, ở khu vực nơi ông trồng có khoảng chục người đánh trâu kéo thơm ra. Nhưng chia làm vài tốp, thường là 3 người. Còn nếu tính cả Đại Lộc và Nam Giang, phải có đến hàng trăm chuyến như thế.

Cây thơm được trồng chủ yếu ở các địa phương miền núi như Đại Lộc, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Hiệp Đức, Phước Sơn, Tiên Phước… với tổng diện tích khoảng 8.000ha. Riêng tại Đại Lộc, có đến 1.500ha thơm, số diện tích và người trồng nhiều nhất là ở xã Đại Hồng với khoảng 55 hộ, mang lại nguồn thu nhập cao từ vài chục đến cả trăm triệu đồng một năm. Điển hình có nhiều hộ vươn lên làm giàu từ loại cây trồng này như các ông , bà Ngô Bảy, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Dưỡng (cùng thôn Lập Thuận).  Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng - ông Phạm Ích Khiêm cho biết: “Trong những năm lại đây, cây thơm mang lại giá trị kinh tế cao, gấp 4 - 5 lần so với cây trồng trên đất màu và chiếm đến 60% thu nhập trên lĩnh vực nông nghiệp của địa phương”.

Nhận lệnh chủ, trâu ì ạch từng bước chân, bánh xe nặng trĩu ăn sâu vào đất cằn kêu cót két. Để ý, mới thấy toàn bộ xe chở thơm chỉ có bánh sau. “Vì khi lên dốc, độ nghiêng giúp trâu nâng phần trước của xe lên và đi bình thường. Nhưng lúc xuống dốc, do không có bánh xe, phần gỗ phía dưới đáy sẽ làm nhiệm vụ hãm tốc”- anh Hữu, người vừa nhập tốp cho hay. Nhìn xuống những phần gỗ này, đã bị ăn mòn đến dẹt đầu. “Nhưng còn đoạn dây cột phía trên sau xe?”- chúng tôi hỏi. Ông Bảy đáp: “Trong trường hợp quá dốc, đoạn dây này sẽ buộc vào một thanh sắt cạnh bánh xe, nó góp phần phanh xe lại”.

Rồi ông Bảy cho hay, hơn 3km ra đến quốc lộ, có ít nhất 2 dốc cần đến sự “trợ giúp” của đoạn dây trên. Nhưng vào những ngày mưa, hay đêm nhiều sương, đường bị ướt và quá trơn trượt thì sẽ sử dụng đoạn dây này nhiều. Quá nửa hành trình, chúng tôi phải đi trong những con đường nhỏ hẹp, có đoạn tựa như trong hầm khi đường bị lún hơn cả mét, mà trên đầu là vòm cây cỏ che kín. Nhiều con dốc, đường trâu kéo xe song hành với rãnh nứt chạy dài, có khi rộng và sâu đến nửa mét. Qua con suối duy nhất, hành trình “áp tải” thơm kết thúc khi ai nấy cũng đều thấm mệt, mồ hôi ướt áo. Mặt đường vẫn chưa sáng tỏ.

Đời thơm

Năm nay được mùa thơm nên ai cũng rạng rỡ. Chị Hà Thị Mỹ Dung (42 tuổi, Đại Hồng), cho biết mình trồng 40 nghìn gốc thơm, đã bẻ được 20 nghìn gốc và bán được 70 triệu đồng, số còn lại sẽ bẻ xong trong tháng 5 này. Ở đây người ta bán thơm theo chục, mỗi chục 12 trái, tùy lớn nhỏ mà có giá 80 - 100 nghìn đồng.

Giữa trưa, nắng như đổ lửa. Xe cộ vẫn miệt mài xuôi ngược chở thơm. Quốc lộ 14 như vào hội. Ông Hứa Văn Bính, 50 tuổi, một thương lái hồ hởi: “Thơm trúng mùa được giá nên chúng tôi cũng sướng lây cùng nông dân. Từ sau tết đến giờ, mỗi ngày chúng tôi mua 5 - 10 tấn, rồi chuyển đi các thị trường như Huế, Quảng Ngãi, Bình Định…”. Trong khi người mua, kẻ bán vui mừng thì những người làm thuê - bốc thơm lên xe, cũng mừng vui không kém, mặc dù công việc của họ khá vất vả. Phần lớn những người bốc thơm là phụ nữ, độ tuổi trung niên. Họ là những thợ “đụng”, ai kêu gì làm nấy, nên mùa thu hoạch thơm kéo dài nửa năm là nguồn thu không nhỏ đối với họ.

Trâu kéo thơm ra khỏi núi khi trời nhá nhem tối.
Trâu kéo thơm ra khỏi núi khi trời nhá nhem tối.

Có khoảng chục phụ nữ làm việc này, họ tự gắn đời mình với thơm, vì bốc vác thơm là nguồn thu chủ yếu cho gia đình. Trong “đội” này, lớn tuổi nhất là bà Nguyễn Thị Bảng, 60 tuổi ở xã Đại Hồng. Ngày của họ bắt đầu khi những xe trâu kéo thơm ra khỏi núi. Từ sáng đến trưa, rồi trưa đến tối, phải cật lực bà mới kiếm được 100 - 200 nghìn đồng.

Hôm gặp ở đồi C1, ông Phan Trúc (57 tuổi, xã Đại Hồng), nói đã là ngày thứ 21 ông chưa ra khỏi núi. Ông gắn chặt đời mình với thơm hơn 15 năm, thăng trầm cùng 60 nghìn gốc thơm. Vợ ông, bà Trần Thị Dũng, cũng 57 tuổi, thì đều đặn ra vào núi. Ở đây, ông Trúc khá “nổi tiếng” tuy mất một tay nhưng ông lao động lại rất giỏi.

Ở đồi thơm này, trâu với người quấn lấy nhau như bạn. Vừa buộc trâu xong, ông Bảy liền đi cắt cỏ, rồi cho trâu ăn xong, ông còn hòa nước muối để rửa mắt cho chúng. Ông bảo, hồi làm ruộng không đủ ăn, bỏ vào núi, trâu theo cùng. Nên để trâu bớt nhọc nhằn, ông và những người ở đây đều trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn cho trâu. Trong khi ông Bảy chăm sóc trâu, bà Nhựt lui cui lo cơm nước. Núi, đêm đến rất nhanh. Bữa cơm vì thế mà thêm đạm bạc.

Sương xuống dày, ông Bảy bảo rằng, đời người như thơm, dễ thích nghi mà cũng chẳng chịu “động đậy” khi gục xuống. Mười lăm năm theo nghề này, vợ chồng ông Bảy, ông Trúc, bà Dung… đi qua cơn bĩ cực của tháng năm ở ruộng. Thơm giúp họ dần ổn định cuộc sống, có tiền lo con cái đi học đến nơi đến chốn. Và họ chưa bao giờ nghĩ sẽ quay lưng lại với những đồi thơm có mùa no trái, có mùa thất bát, dù trong số họ nhiều người đã có của ăn của để. Những người có tuổi, nhất là đã tích cóp được ít nhiều, họ còn cần mẫn chăm bón từng cây keo thay thế rẫy thơm già cỗi. “Vì đất núi này vốn dĩ xanh tươi. Giờ đã đến lúc chúng tôi gầy lại màu xanh của núi rừng, như hồi rừng che cách mạng” - ông Bảy trầm ngâm. Sự chung thủy như  đã ngấm vào máu. Ở đó, chính họ đã làm cho mảnh đất khô cằn này hồi sinh.

XUÂN KHÁNH - VĂN HÀO

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất