-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:22/11/2024
(QNO) - Triển lãm thành tựu công - nông nghiệp ở Đại Lộc là ngày hội quy tụ sản phẩm đặc hữu trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp của Đại Lộc, những lâm đặc sản vùng miền, tinh hoa của nghệ nhân các làng nghề. Đây cũng là ngày hội lan tỏa ý nghĩa từ cuộc vận động sản xuất sạch, tiêu dùng thông thái…
Các mặt hàng tinh bột nghệ, dầu phụng sạch xã Đại Minh. Ảnh: B.L |
Sôi nổi, đa dạng hoạt động
Trong suốt 3 ngày (9-11.8), triển lãm thành tựu công - nông nghiệp ở Đại Lộc diễn ra với không khí sôi nổi với hàng loạt sự kiện, hoạt động. Triển lãm thu hút 45 gian hàng của 18 xã/thị trấn, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia trưng bày, cũng là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, hợp tác, chuyển giao kỹ thuật giữa các tổ chức, cá nhân.
Suốt 3 ngày liền, một lượng lớn khách trong và ngoài huyện đã tham quan, mua sắm, chụp ảnh lưu niệm. Nhìn chung, các gian hàng tại triển lãm chủ yếu tập trung vào các nhóm sản phẩm nông sản, lâm sản, đặc sản của địa phương (chè, mật ong rừng, ớt rừng…); thực phẩm, thủy hải sản, đồ uống (rượu, bia, nước giải khát, nước trái cây các loại...), gia vị.
Nhiều sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống cũng góp mặt tại triển lãm với nhiều gian hàng chế tác kim hoàn, vàng bạc, đá quý, đất nung, tre nứa, gỗ, lá, đay, cói, dừa, vải lụa, giấy, sản phẩm mây tre đan, trống Lâm Yên và các vật dụng gia đình; bánh tráng Đại Lộc, bánh tráng sắn… Một lượng nhỏ các gian hàng cũng trưng bày các sản phẩm máy móc công nghiệp, công cụ, phương tiện phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản; phương tiện vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch; đồ gia dụng, hàng dệt may, phụ kiện thời trang và vật liệu xây dựng, đồ trang trí nội ngoại thất…
Gian hàng trái cây an toàn, sạch bệnh của thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng. Ảnh: B.L |
Tại triển lãm, khách tham quan còn được hòa mình vào không gian của hô hát bài chòi do các nghệ nhân dân gian đến từ Câu lạc bộ Bài chòi Đại Lộc và thưởng thức phần thi văn nghệ giữa các đơn vị, địa phương. Hội thi gói bánh chưng, bánh tét giữa các đơn vị đến từ 18 xã/thị trấn cũng tạo không gian náo nhiệt cho ngày hội, gắn kết cộng đồng.
Ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc chia sẻ, nét mới của triển lãm lần này là có thêm nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan, trầm hương, đặc sản núi rừng đến từ đơn vị huyện Thăng Bình, Nam Giang, Nông Sơn và Quế Sơn, bên cạnh các gian trưng bày sản phẩm công - nông đặc hữu của vùng Đại Lộc. Đặc biệt, diễn đàn tìm hiểu “Nhà quản lý - nhà sản xuất - nhà nông” cũng là dịp để các nhà có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại về các vấn đề, cơ chế, chính sách trong phát triển nông nghiệp, trong liên kết sản xuất. Qua đó, nhà nông huyện nhà cũng có dịp học hỏi, trao đổi những thắc mắc, ý kiến đóng góp vào sự phát triển chung của nền nông nghiệp huyện nhà trước xu hướng của cuộc cách mạng nông nghiệp...
Điểm nhấn từ gian hàng sạch
Điểm nhấn tại triển lãm là có rất nhiều những gian hàng nông sản, lâm sản được thiết kế bắt mắt trưng bày các lâm đặc sản vùng miền, sản phẩm rau sạch của Tổ hợp tác Quảng Yên (đơn vị Đại An), các sản phẩm dầu mè, dầu phụng, tinh bột nghệ và dầu phụng sạch (Đại Minh), bánh tráng Đại Lộc, rau củ quả an toàn của làng quê Thái Sơn (Đại Hưng), Phương Trung (Đại Quang), các gian hàng trưng bày nấm rơm, nấm sò, nấm tuyết của xã Đại Nghĩa và thị trấn Ái Nghĩa…
Sản phẩm dầu phụng, dầu mè tinh khiết của Công ty TNHH Noom Bình Giang tại khu trưng bày xã Đại Thắng. Ảnh: B.L |
Được biết, dù ra đời chưa lâu nhưng Tổ hợp tác rau an toàn Quảng Yên (xã Đại An) cũng đã từng bước tạo dựng được thương hiệu rau an toàn trên thị trường với nhiều loại rau củ quả được canh tác an toàn trong nhà lưới, nhà kính, không phun thuốc bảo vệ thực vật, chỉ bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học. Theo ông Trịnh Công Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại An, các mặt hàng rau củ quả như dền, bí đao, rau cải xanh, muống, mồng tơi… của tổ hợp tác xuất bán đi đều trải qua các bước kiểm tra về chất lượng, độ an toàn trước khi sơ chế, đóng gói, gắn nhãn mác và sản phẩm bước đầu cũng được đưa vào tiêu thụ bước đầu tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn.
Nhiều chuỗi sản phẩm sạch khác cũng được đánh giá cao tại hội chợ như rượu gạo lứt Đại Lộc, bánh tráng sạch của Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa. Đơn vị xã Đại Hưng cũng tạo điểm nhấn với gian trưng bày toàn bộ các loại trái cây đặc hữu của thôn Thái Sơn, địa phương đang được định hướng phát triển vùng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái của huyện Đại Lộc.
Ông Tăng Tấn Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, thôn Thái Sơn hiện có 25 hộ trồng cây ăn quả trên diện tích 10ha. Năm 2017, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục hỗ trợ thêm giống cây ăn quả dừa xiêm dây, bưởi, cam… trồng trên diện tích hơn 5ha. Tính đến nay, tổng diện tích đã hơn 20ha, người dân trồng chuyên canh, quy trình sản xuất an toàn, sạch bệnh nên người tiêu dùng rất tin tưởng. Vì thế, sản phẩm cũng có sức hút rất lớn tại triển lãm lần này.
Điểm nhấn khác tại một góc triển lãm là chuỗi sản phẩm dầu mè, dầu phụng sạch được đóng chai thủy tinh đẹp, bắt mắt, gắn logo, nhãn mác thương hiệu của Công ty TNHH Noom Bình Giang (Thăng Bình). Đây là sản phẩm của chuỗi liên kết giữa nông dân thôn Xuân Nam (Đại Thắng) với Công ty Noom Bình Giang nhằm tạo nguồn nguyên liệu sạch, có truy xuất nguồn gốc. Anh Nguyễn Thanh Hải - một người trực tại gian hàng chia sẻ, 15 hộ dân thôn Xuân Nam rất phấn khởi khi được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm đậu phụng sạch và mè sạch với giá cao hơn rất nhiều so với thị trường. Còn bà Bùi Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty TNHH Noom chia sẻ: “Ngoài 5ha đang liên kết sản xuất, chúng tôi muốn tiếp tục mở rộng thêm 3ha nữa để tạo chuỗi sản phẩm sạch, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm của công ty đã có mặt tại hầu hết các shop nông sản sạch và người tiêu dùng có thể xem được quy trình canh tác nguyên liệu cho tới sản xuất, chế biến thành phẩm từ dữ liệu hệ thống camera giám sát” - bà Thu nói.
Nguồn BÍCH LIÊN (Báo Quảng Nam)