CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:24/11/2024

Đòn bẩy công nghiệp

Từ một huyện thuần nông, Đại Lộc đã có sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN)...

Người lao động tại Công ty Prime Đại Lộc có mức thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/tháng.
Người lao động tại Công ty Prime Đại Lộc có mức thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/tháng.

Thay đổi tư duy

Theo ông Lê Tấn Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Đại Lộc, quá trình “thai nghén” và tiến tới hoạt động sôi nổi của ngành CN-TTCN ở huyện là một câu chuyện dài. Sau ngày quê hương giải phóng đến trước những năm 2000, Đại Lộc là huyện thuần nông dẫu mảnh đất này được trời phú nhiều loại tài nguyên khoáng sản phục vụ ngành CN chế biến như đá tràng thạch, đá xây dựng, than đá, đá vôi, cao lanh, đất sét... Địa hình Đại Lộc thì nhiều đồi núi và sông suối, thường xuyên bị thiên tai tàn phá, nhất là mùa mưa lũ gây ngập lụt sâu nên làm sao xoay xở để bố trí quỹ đất cho sản xuất CN là vấn đề khó… Những năm 1995 - 2004, Đại Lộc có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân chỉ đạt 9%/năm, tỷ trọng nông nghiệp (NN) chiếm đến khoảng 43%, CN chuyển động ì ạch. Ông Ngọc nói: “May mà hạ tầng giao thông, điện, nước, thủy lợi, bưu chính viễn thông, vận tải trên địa bàn huyện ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh. Đặc biệt, lực lượng lao động trẻ có trình độ học vấn khá, cộng thêm tính cần cù, chịu khó trong sản xuất hứa hẹn là nguồn nhân lực quan trọng để địa phương phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa”.

Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Đại Lộc đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 12 - 13%/năm, phấn đấu thành huyện nông thôn mới. Muốn vậy, tốc độ tăng trưởng của CN-TTCN và xây dựng cần đạt 13 - 14%/năm (CN địa phương 14 - 15%/năm). Để đạt mục tiêu, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN tập trung tại các cụm CN và CN phân tán ở các địa phương có điều kiện. Theo đó, Đại Lộc ưu tiên thu hút dự án có giá trị đầu tư lớn, giải quyết nhiều lao động, sử dụng công nghệ sạch gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ vào các cụm CN.

Sau nhiều lần cân nhắc, một cột mốc đáng nhớ khi Huyện ủy Đại Lộc xây dựng đề án Phát triển Đại Lộc đến năm 2010 cơ bản thành huyện CN vào năm 2003, nêu quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và đưa ra các mục tiêu phấn đấu chủ yếu. Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Văn Trúc cho hay, khoảng thời gian này, UBND tỉnh ban hành cơ chế phân cấp cho các huyện triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý và kêu gọi đầu tư vào các cụm CN. Cùng với đó, quốc lộ (QL) 14B nâng cấp, điều chuyển thành trục đường xuyên Á, Trung ương và tỉnh ban hành các cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng là điều kiện thuận lợi để Đại Lộc tập trung tạo ra bước đột phá tăng nhanh tỷ trọng CN-TTCN, phấn đấu cơ bản thành huyện CN giai đoạn 2010 - 2015. Các mục tiêu phát triển kinh tế đều được điều chỉnh cao hơn so với đề án năm 2003.

Thúc đẩy phát triển

Có được phương hướng phát triển, Đại Lộc đã tận dụng tối đa thuận lợi về hạ tầng giao thông đối ngoại khi nằm trong vùng vành đai TP.Đà Nẵng (giáp với xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), trên trục hành lang kinh tế Đông Tây - QL14B đi qua, gần sân bay và cảng biển để sớm quy hoạch chuỗi các cụm CN, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư. “Bất kể thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ lễ, chúng tôi sẵn sàng bố trí thời gian gặp gỡ doanh nghiệp trao đổi, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đại Lộc luôn xem lợi ích của nhà đầu tư chính là lợi ích của người dân mình. Nếu “trắng” doanh nghiệp vào đầu tư thì không có CN; mà không có CN thì chẳng thể có nhà máy giải quyết lao động, tăng thu nhập” - ông Nguyễn Văn Trúc bày tỏ. Chưa tròn 10 năm, Đại Lộc đã tiến hành quy hoạch 305,5ha đất CN tập trung với 24 cụm CN vừa và nhỏ; chắt chiu gần 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để chi phát triển hạ tầng các cụm CN, thu hút 35 dự án vào đầu tư có tổng vốn đăng ký 4.197 tỷ đồng. CN phân tán cũng có 11 dự án đã đi vào sản xuất, giải quyết việc làm ổn định cho gần 1 nghìn lao động địa phương. Sự phát triển tổng lực của ngành CN - TTCN tạo nên tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 41,42%; thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh hơn dự kiến, CN - TTCN - xây dựng đã chiếm 66,48%.

Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, trong những năm gần đây, nền sản xuất CN-TTCN ở Đại Lộc gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự linh hoạt và năng động tìm hướng tháo gỡ, giai đoạn 2010 - 2015, địa phương nỗ lực phát triển đồng thời CN tập trung và CN phân tán. Theo ông Đoàn Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Đại Lộc, với CN tập trung, huyện phát triển 2 cụm CN có quy mô lớn là Đại Hiệp và Đại Đồng; tiến hành quy hoạch chi tiết thêm 2 cụm CN Đông Phú và Tích Phú (xã Đại Hiệp). Qua đó, địa phương tiếp nhận 24 dự án vào đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.629,7 tỷ đồng. Về CN phân tán, Đại Lộc cũng đã thu hút 5 dự án; đồng thời tiếp tục phục hồi và phát triển các làng nghề, nhân cấy ngành nghề mới, góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nhân dân nông thôn. Cạnh đó, hơn 1.969 cơ sở kinh doanh cá thể sản xuất TTCN “bồi bổ” đáng kể vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Giai đoạn 2010 - 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN - xây dựng ở Đại Lộc hàng năm đều tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,62%; trong đó CN phần huyện quản lý tăng bình quân 19,29%.

CÔNG TÚ

Tin mới đăng