-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Đại Lộc với phong trào “Hiến máu tình nguyện”
Vân Trình
Máu là loại thuốc đặc biệt và máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những trái tim nhân ái, với tình cảm và trách nhiệm cao cả của những người khỏe mạnh, tình nguyện và hiến máu thường xuyên. Chỉ là một hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa hết sức lớn lao, đó là giúp những người cần máu có thêm một cơ hội được cứu sống. Với nhận thức đúng đắn ấy, hơn 20 năm qua, hưởng ứng Ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện" 7/4, “Hiến máu tình nguyện” trên địa bàn huyện Đại Lộc ngày càng trở thành nhu cầu không thể thiếu được của những người sống có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Đại Cường là một địa phương tiêu biểu về hiến máu tình nguyện của huyện Đại Lộc. Đây là một xã nằm ở vùng thấp trũng. Một bên là sông Quảng Huế, một bên là sông Thu Bồn, ở giữa là những ngôi làng người dân sinh sống. Vào mùa mưa lũ, Đại Cường bị biển nước bao vây, làng mạc biến thành sông, nhà cửa ngập gần hết. Người dân Đại Cường bao đời nay sống bằng nghề nông là chủ yếu, cuộc sống chưa phải đã đủ đầy. Thế nhưng, những người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ấy lại có chung một tấm lòng nhân hậu mà không phải nơi nào cũng có được, đó là "hiến máu cứu người". Hơn 10 năm nay, xã Đại Cường trở thành ngân hàng máu sống cho nhiều bệnh nhân. Mỗi năm có hơn 100 người dân tham gia hiến máu nhân đạo, có người đã hiến máu gần 30 lần như ông Trần Rê, thôn Quảng Đại. Không chỉ bản thân đi cho máu, ông Rê còn kêu gọi người thân trong gia đình tham gia. Như bà Nguyễn Thị Gọn (vợ ông Rê) đến nay đã hiến máu 11 lần; ba người con của ông bà mỗi người hiến trên 10 lần. Đáng ghi nhận là mỗi lần hiến máu, Đại Cường luôn dẫn đầu huyện, có hôm người dân đến tham gia vượt quá chỉ tiêu, trong lúc thiết bị lấy máu không đủ đành quay về. Được biết, nhiều năm nay Hội Chữ thập đỏ Đại Cường đã duy trì mô hình Câu lạc bộ hiến máu 25 người. Bất cứ giờ nào nhận điện thoại cần máu thì Câu lạc bộ sẽ thông báo cho các thành viên đến cho máu ngay. Có lần, được tin một bệnh nhân ở bệnh viện Đà Nẵng cần rất nhiều máu để cứu chữa, Câu lạc bộ đã thuê một chiếc xe ô tô chở hơn 10 người đến cho máu, nhờ vậy bệnh nhân này đã được cứu sống.
Cũng xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, ba năm trước đây, Chi hội phụ nữ thôn Hòa Hữu Tây, xã Đại Hồng đã thành lập Câu lạc bộ mang cái tên rất ấn tượng là “Giọt hồng yêu thương”. Nhờ làm tốt công tác vận động hội viên, mỗi năm, Câu lạc bộ “Giọt hồng yêu thương” của thôn Hòa Hữu Tây đều có từ 25 đến 30 người tham gia hiến máu tình nguyện. Đây là thôn có tỷ lệ người tham gia hiến máu tình nguyện khá cao so với các thôn khác trên địa bàn xã Đại Hồng mặc dù đời sống kinh tế của bà con nhân dân nơi đây chưa phải đã khấm khá lắm. Một trong những người tích cực vận động chị em tham gia hiến máu tình nguyện và là hội viên tiêu biểu của Câu lạc bộ “Giọt hồng yêu thương” là chị Võ Thị Lệ. Mỗi năm chị tham gia hiến máu từ 2 đến 3 lần. Nhà chị có 4 người thì có 3 người thường xuyên hiến máu tình nguyện. Ở thôn Hòa Hữu Tây, còn có rất nhiều hội viên phụ nữ hành động giống như chị Lệ. Đó là là các chị: Nguyễn Thị Băng Châu, Phạm Thị Xuân, Nguyễn Thị Thơm, Phạm Thị Hồng Hà, Dương Thị Sương…. Dù cho công việc gia đình bận rộn song mỗi lần có thông báo hiến máu, các chị đều thu xếp công việc tham gia nhiệt tình. Có những lúc phải chạy xe máy hai mươi cây số mới tới địa điểm hiến máu song các chị không bỏ lần nào. Động lực để các chị hành động không gì khác ngoài ước muốn “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, mong được góp sức cùng cộng đồng mang lại sự sống, mang đến niềm tin cho những hoàn cảnh, những số phận không may mắn. Và hơn thế nữa sẽ góp sức lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia trong cộng đồng, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Chiến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Lộc cho biết thêm: Không chỉ ở Đại Cường và Đại Hồng mà liên tục trong trong nhiều năm qua ở nhiều địa phương, nhiều ngành, “Hiến máu tình nguyện” đã trở thành phong trào lớn, có tính bền vững, sức lan tỏa và mang lại hiệu quả xã hội rất cao. Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện ngày một tăng, nhờ đó đã góp phầnđảm bảo nguồn máu hỗ trợ các bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh, đáp ứng công tác cứu chữa người bệnh,khắc phục tình trạng thiếu máu tại các cơ sở y tế. Năm 2020, trong bối cảnhdịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Đại Lộc đã tổ chức4 đợt tổ chức hiến máu tình nguyện, thu được 1.130 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu đề ra. Số máu này đã được phân bổ cho Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phục vụ cứu chữa bệnh nhân,
Có thể khẳng định, liên tục hơn 20 năm, hưởng ứng Ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện" 7/4, với các thông điệp: “Hiến giọt máu đào – trao đời sự sống”, “Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại”, phong trào hiến máu tình nguyện ở huyện Đại Lộc đã trở thành nét đẹp văn hóa, góp phần phát huy đạo lý tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Thực tế cho thấy phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển rộng khắp trên cả huyện với nhiều hoạt động phong phú, cụ thể, thiết thực và thu được những kết quả đáng khích lệ, giúp cho người bệnh kịp thời có máu để điều trị. Đây là nghĩa cử cao đẹp đầy lòng nhân ái, tính nhân văn sâu sắc của những người hiến máu tình nguyện; của các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác hiến máu tình nguyện và cũng thể hiện rõ trách nhiệm, tình cảm của mỗi người đối với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi, nhiều thời điểm ở các bệnh viện vẫn còn nhiều trường hợp người bệnh phải chờ máu hoặc không đủ máu và sản phẩm từ máu để truyền. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện phát triển hơn nữa. Mỗi người dân khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân!