Logo

CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Được viết ngày Thứ Sáu, 10 Tháng bẩy 2015 08:02
Lượt xem: 651

Thời chiến, ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; hòa bình, ông là cựu TNXP lao động hăng say, dựng xây gia đình hạnh phúc, nuôi con ăn học thành tài.

Đó là những dòng tóm tắt ngắn gọn về câu chuyện cuộc đời cựu TNXP Lê Ngọc Bảo (SN1954, thôn Đại Lợi, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) cũng là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Đại Nghĩa.

Ký ức Trường Sơn

Nằm trên đồi cao, căn nhà nhỏ của vợ chồng cựu TNXP Lê Ngọc Bảo được bao bọc bởi vườn cây ăn quả. Sau khu vườn là trang trại nuôi gà, nơi ông Bảo đang chăm lo cho đàn gà thịt hàng trăm con chuẩn bị xuất chuồng. Một khung cảnh yên bình và thể hiện sự no đủ. Ít ai biết rằng, hơn 20 năm trước, vùng đất này là nơi không một bóng người, đất đai khô cằn, chỉ có đồi trọc và mấy bụi tre mọc trơ trọi. Thế mà ông Bảo đã dắt vợ con lên đây dựng lều, xây dựng cuộc sống.

Ông Bảo vốn quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Năm 1971 lúc đó mới 16 tuổi đang học lớp 8 trường làng, nhưng với tinh thần vì miền Nam thương yêu, ông Bảo viết đơn tình nguyện đi TNXP. Tháng 3.1971, ông vào lực lượng TNXP đi mở đường Trường Sơn, thuộc đơn vị 392 Tổng đội TNXP 39, Ban 67 Bộ Tư lệnh 559, hoạt động chủ yếu ở Đường 18 Tây Trường Sơn (địa phận tỉnh Quảng Bình). Ông kể, Đường 18 vòng qua nước bạn Lào có đèo 900, còn gọi đèo “vượt cổng trời”, là một trong những địa điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhằm chia cắt sự tiếp viện của miền Bắc cho miền Nam. Cũng vì lẽ đó, đồng đội của ông đã có biết bao người vĩnh viễn nằm lại nơi núi rừng Trường Sơn. “Chập tối một ngày năm 1972, lúc tôi cùng anh em sửa chữa một xe vận tải của bộ đội ta bị hỏng thì B52 Mỹ ném bom. Sau trận bom, tỉnh dậy tôi thấy xung quanh mình đồng đội nằm la liệt. Chỉ mình tôi may mắn sống sót cùng với 2 thương binh khác. Ba người trong tổ TNXP của tôi cũng đã hy sinh” - ông Bảo nhớ lại. Đó là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời cựu TNXP Lê Ngọc Bảo. Nhớ về đồng đội không lúc nào ông cầm được nước mắt. Ước nguyện của ông là một ngày được trở lại trên chiến trường xưa, để thăm lại bà con Vân Kiều đã che chở ông những ngày chiến đấu và tìm lại hài cốt đồng đội. Ông nói: “Chúng tôi, những TNXP lúc bấy giờ đang tuổi mười sáu đôi mươi đã cống hiến cả tuổi xuân cho đất nước. Đồng đội tôi, nhiều người đã mãi mãi nằm lại nơi núi rừng Trường Sơn một thời khốc liệt”.

Cựu TNXP Lê Ngọc Bảo. Ảnh: VINH ANH
Cựu TNXP Lê Ngọc Bảo. Ảnh: VINH ANH

Khởi nghiệp từ 10 con gà

Đất nước thống nhất, năm 1976 cựu TNXP Lê Ngọc Bảo được điều động vào miền Trung công tác tại Công ty Giống thuộc Bộ Nông nghiệp (cũ), phụ trách từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa. Đến năm 1978, ông được điều động về công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc. Năm 1992, ông được nghỉ hưu sớm vì mất sức. Lúc này, ông Bảo đã có vợ (quê Đại Lộc) và 3 người con. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm khốn khó. Và với bản lĩnh rèn luyện được từ chiến trường một thời, ông quyết định chọn mảnh đất khô cằn ở thôn Đại Lợi - nơi vợ chồng ông đang sống - lập kế mưu sinh. Ông nhớ lại: “Lúc đó, nơi đây dân cư còn rất ít. Đất đai mênh mông nhưng khô cằn, nắng cháy, chỉ toàn đồi núi trọc. Nhờ sự giúp đỡ của bà con bên vợ cho ít cây tre, mấy tấm ván… vợ chồng tôi dựng căn nhà tạm để ở”. Ban đầu rất khó khăn, cái ăn cũng không đủ vì ruộng ít lại đông con. Quyết không bỏ cuộc, ông thử nuôi heo nái nhưng thất bại. Sau chuyển qua nuôi gà với vốn khởi nghiệp là đàn gà chỉ vỏn vẹn 10 chú gà con. Cần cù chăm bẵm, ông Bảo đã gầy dựng đàn gà lên 100 con lấy trứng. Nhưng lúc này, gạo người còn không đủ lấy đâu lúa nuôi gà. Ông lại nghĩ cách. Mỗi năm có 3 vụ lúa, ông tranh thủ những ngày mùa đi mót lúa dự trữ cho gà. Đàn gà cứ thế lớn nhanh. Ban đầu ông  nuôi gà đẻ trứng, sau chuyển nuôi thêm gà thịt. “Có thời điểm 50 quả trứng đổi được 50kg thóc nên gia đình tôi không lúc mô phải lo đói. Có đôi đồng dư, tôi đầu tư tiếp tục nuôi heo nái. Kinh tế dần ổn định, tôi cất được căn nhà cấp 4 đủ che mưa che nắng” - ông Bảo nói.

Đến nay, đàn gà của ông Bảo lúc nào cũng có khoảng 500 con với các lứa gối đầu nhau. Thực hiện mô hình khép kín (từ nuôi gà đẻ trứng, ấp trứng cho đến gà trưởng thành), trang trại gà của ông cho thu nhập khá ổn định. “Trung bình mỗi tháng tôi xuất chuồng 100 con gà thịt, thu về khoảng 15 triệu đồng, trừ chi phí lãi chừng hơn 5 triệu đồng. Và cứ trung bình 7 ngày lại có một lứa gà con được ấp nở, nên đàn gà lúc nào cũng giữ đúng số lượng, hết đàn này xuất chuồng lại đến đàn khác, không lúc nào thiếu nguồn cung cho khách hàng” - ông Bảo cho biết. Hiện nay, trang trại gà của ông Bảo là nguồn cung thường xuyên cho một nhà hàng khách sạn tại Đà Nẵng và người dân trong vùng.

Từ nguồn thu trang trại gà, ông Bảo có tiền nuôi 4 người con ăn học. Ba người con đầu học đại học ra trường đã có việc làm ổn định. Hiện còn người con trai út đang học cao đẳng tại TP.Đà Nẵng. Là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Đại Nghĩa, ông Bảo luôn tích cực vì công tác hội, hàng năm đều góp một phần tiền mua quà tặng hội viên nghèo, vận động trao tặng sổ tiết kiệm cho hội viên khó khăn.

 (VINH ANH)