Khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Đại Lộc gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự chung tay góp sức của cán bộ và nhân dân, chặng đường về đích NTM đã và đang được rút ngắn.
Thành quả bước đầu
Đại Lộc có 17 xã, thị trấn phát động xây dựng NTM; trong số đó có 9 xã miền núi nên việc xây dựng NTM gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, qua đánh giá thực trạng xây dựng NTM ở các địa phương cho thấy, nhiều nơi có xuất phát điểm rất thấp như Đại Sơn, Đại Hưng, Đại Chánh, Đại Tân… Tại các địa phương này, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, thu nhập bình quân đầu người còn ở mức khiêm tốn, tỷ lệ hộ nghèo cao… Thêm nữa, ở nhiều địa phương, năng lực cán bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành xây dựng NTM. Nhóm xã xây dựng NTM vào năm 2015 hầu như chưa tạo được nguồn vốn tại chỗ, khả năng góp vốn đối ứng cho xây dựng cơ sở hạ tầng còn khó khăn, trong khi ngân sách từ trung ương, từ tỉnh, huyện bố trí hằng năm còn ít, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung và chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.
Làng quê NTM Đại Lãnh. Ảnh: H.L |
Cũng theo ông Mẫn, trở lực không nhỏ trong công cuộc xây dựng NTM chính là việc triển khai các hạng mục xây dựng cơ bản còn chậm, nhiều địa phương lúng túng trong việc bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện. Công tác quy hoạch tại nhiều nơi gặp khó do thiếu quỹ đất. Tuy nhiên, điều đáng phấn khởi là qua 4 năm xây dựng NTM, đời sống của người dân Đại Lộc đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người tại nhiều địa phương ở mức khá như Đại Hiệp đạt 23 triệu đồng/năm, Đại Minh trên 22 triệu đồng/năm. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,09% (giảm 12,32% so với năm 2010). Toàn huyện có 8/17 xã, thị trấn đã đạt được tiêu chí về hộ nghèo, đó là bước chuyển biến nổi bật nhất. Ngoài ra, toàn huyện đã làm mới 18,93km đường xã, gần 50km đường trục thôn, 28,24km đường nội đồng, 10 trạm bơm điện phục vụ sản xuất, xây mới và sửa chữa 22 chợ trên địa bàn. 10 nhà văn hóa xã và 21 nhà văn hóa thôn cũng được xây mới, nâng cấp… Tại nhiều địa phương, các hạng mục điện - đường - trường - trạm - thông tin liên lạc được xây dựng, kết nối thông suốt, diện mạo NTM tại một số xã ngày càng thêm khởi sắc, trước hết là ở nhóm 6 xã điểm.
Nhìn chung, các tiêu chí NTM ở các xã trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể, bình quân đạt 11,71 tiêu chí/xã, tăng 5,95 tiêu chí so với năm 2010. Ngoài Đại Hiệp - xã về đích NTM, Đại Lộc hiện có 5 xã đạt 15 - 16 tiêu chí gồm Đại An, Đại Cường, Đại Minh, Đại Hồng, Đại Phong… Nhóm các xã miền núi của huyện đạt bình quân 9 tiêu chí/xã, trong khi các xã đồng bằng lại đạt 14,75 tiêu chí/xã. Các xã Đại Hiệp, Đại Cường, Đại An, Đại Minh, Đại Quang đều đạt cả 4 tiêu chí trong nhóm các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất (từ tiêu chí 10 -13)…
Kỳ vọng
Từ nay đến cuối năm 2015, Đại Lộc nỗ lực phấn đấu đưa 4 xã thuộc nhóm đạt 16 tiêu chí về đích NTM, gồm Đại Cường, Đại Hồng, Đại Minh và Đại An. Ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết: “Hiện 4 xã này chỉ còn 3 tiêu chí về giao thông, thủy lợi và cơ sở vật chất. Ban chỉ đạo huyện và các xã đã tính toán tất cả khối lượng công việc, lập thủ tục đầu tư, xác định nguồn vốn bố trí kịp thời để các xã về đích đúng tiến độ. Nguồn vốn tỉnh và trung ương cấp đáp ứng chỉ mới được 2/3 khối lượng công việc, 1/3 nguồn còn lại, huyện sẽ nhanh chóng bổ sung” - ông Mẫn nói.
“Qua 4 năm xây dựng NTM, Đại Lộc thuộc nhóm địa phương đạt nhiều thành quả đáng mừng. Hiện Đại Lộc đã có một xã đã được công nhận đạt chuẩn, 4 xã còn lại đạt 16 tiêu chí và về đích trong năm 2015. Để đạt được mục tiêu đề ra, đặt biệt hướng tới huyện NTM, Đại Lộc cần quyết tâm cao độ trong chỉ đạo, điều hành cùng sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị”. (Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT) |
Nhìn toàn cục, chặng đường xây dựng huyện NTM của Đại Lộc còn lắm gian nan, thách thức. Theo quy định, để đạt huyện NTM, 75% số xã của huyện phải đạt chuẩn, 25% số xã còn lại (6 xã) phải đạt từ 14 tiêu chí trở lên, song tiêu chí bắt buộc là 6 xã đó phải hoàn thành 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Đây là bài toán khó đối với Đại Lộc bởi những xã đặc biệt khó khăn như Đại Sơn, Đại Chánh, Đại Tân, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm hiện chỉ mới đạt 9,2 triệu đồng (Đại Sơn), 8,5 triệu đồng (Đại Thạnh)… Để các xã này đạt 2 tiêu chí trên với bình quân thu nhập đầu người 40 triệu đồng/năm vào năm 2020 không phải là chuyện đơn giản. Song, phân tích của ông Hồ Ngọc Mẫn, từ cái khó đã mở hướng đi, đem lại một tín hiệu lạc quan khi có sự tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị. Bài toán về phát triển kinh tế rừng, kinh tế trang trại ở những xã miền núi thuộc nhóm đặc biệt khó khăn được đưa ra. “Với nguồn lợi từ trồng keo lá tràm, trồng thơm cùng nguồn lợi từ mây rừng, từ nghề chổi đót, khai thác dầu rái… mức thu nhập khoảng 80 triệu đồng/ha rừng tại các xã Đại Sơn, Đại Chánh, Đại Hồng… không phải là khó. Phòng NN&PTNT đang xây dựng dự án phát triển kinh tế rừng giai đoạn 2016 - 2020, phát động trồng keo nuôi cấy mô nhằm tăng sinh khối gỗ, nâng cao thu nhập từ rừng. Cùng với đó, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi hộ gia đình…” - ông Mẫn nói.
Ông Trần Văn Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: “Những việc chưa làm được, thời gian tới, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện sẽ làm việc với các ban ngành, địa phương, xem vướng chỗ nào, tháo gỡ ngay chỗ ấy, mục tiêu là tạo điều kiện thông thoáng cho các địa phương về đích sớm. Trong tháng 6 tới, nhóm 4 xã này phải báo cáo cụ thể những tiêu chí đạt được để huyện kiểm tra, đề nghị công nhận. Ngoài vai trò của người dân - chủ thể NTM, trách nhiệm của ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện, cấp xã là hết sức to lớn. Các ban chỉ đạo cần tích cực duy trì chế độ họp hành, trực tiếp làm việc, sát sao với các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”. Cũng theo ông Mai, những vấn đề liên quan tới tỉnh, đặc biệt là vốn, đề nghị tỉnh có kế hoạch phân bổ sớm để huyện chủ động khâu điều phối, thực hiện.
HOÀNG LIÊN