Được viết ngày Thứ năm, 13 Tháng mười một 2014 06:03
Lượt xem: 1070
Hoa bìm bìm” - tên tập thơ haiku của Lưu Đức Trung, do NXB Hội Nhà văn ấn hành gồm 99 bài thơ như 99 đóa hoa gửi gắm ký ức, nỗi niềm của một ông giáo về hưu vẫn an nhiên sống vui sống khỏe.“Hoa bìm bìm”.
Đó là sắc hoa tím ngai ngái, bàng bạc trong nắng ban mai, là sắc hoa phi thời. Hoa bìm bìm, một loài hoa mọc hoang ở thôn quê không ngẫu nhiên lại là biểu tượng trong thế giới haiku của Lưu Đức Trung: “Bìm bìm/ leo trên bờ ao/ tay ai vớt bèo”. Nhà thơ tâm sự: “Bản chất của hoa bìm bìm giống như bản chất của thơ haiku vậy! Hoa bìm bìm đối với tôi là biểu tượng của tình quê, hồn quê, đất quê. Mỗi lần bất chợt gặp hoa bìm bìm lại gợi nhớ cho tôi nhiều cảm xúc về quê nhà, nhớ đến mùi vị, cảnh sắc của quê nhà…”.Bìm bìm trong sắc nắng nở đủ màu: trắng, vàng, tím, xanh; mỏng manh, non nớt nhưng có sức sống bền bỉ. “Triêu nhan/ quấn quanh bờ giậu/ sợ trăng tàn”.Triệu nhân, tức là bìm bìm. Triêu nhận là loài hoa mang nhan sắc ban mai bởi hoa chỉ nở vào buổi sáng sớm, rạng ngời đón lấy những tia nắng tinh khôi và dưới ánh chiều dần phai tàn. Đóa triêu nhan của Lưu Đức Trung khiến ta nhớ tới đóa triêu nhan của Chiyo (Nhật Bản): “A, hoa (asagao) triêu nhan/ chiếc gầu vương hoa bên giếng/ đành xin nước nhà bên”. Đóa bìm bìm, đóa asagao hay đóa triêu nhan nhỏ bé, lặng thầm mà đầy sức sống, lay động lòng người, là haiku. Thơ haiku - thể thơ 3 câu, 17 âm tiết với kết cấu 5 - 7 - 5 của Nhật có sức sống qua 400 năm, làm xao lòng người bởi một con ếch: “Ao cũ/ con ếch nhảy vào/ vang tiếng nước xao” hay bởi đóa nazuna dại bên hàng giậu: “Ôi đóa nazuna/ đôi mắt tôi nhìn kỹ/ bên hàng giậu nở hoa” (Basho, Nhật Chiêu dịch). Thơ haiku của Lưu Đức Trung đầy ắp tinh thần giao lưu văn hóa Việt - Nhật khi đứng trước chùa Cầu - Hội An, ông nhớ tới Lai Viễn kiều, liên tưởng đến đất Phù Tang, hay đứng trên đỉnh Sa Pa chứng kiến mùa tuyết rơi, ngắm anh đào nở, ông liên tưởng đến tuyết đỉnh Fuji (núi Phú Sĩ). Phố cổ Hội An/ chùa Cầu khách đến/ nhớ đất Phù Tang; Trên đỉnh Sa Pa/ tuyết núi Phú Sĩ/ anh đào nở hoa... Thơ haiku - thể thơ cực ngắn, được ví như những bông hoa dại xinh xắn, tinh khiết đang nở rộ trên đất Việt và CLB Thơ haiku Việt đầu tiên đã ra đời tại TP.Hồ Chí Minh do giáo sư Lưu Đức Trung sáng lập năm 2007. Nhà thơ tuổi đã 80 nhưng tâm hồn tươi trẻ nên Lưu Đức Trung đã làm “trẻ hóa” thơ haiku với những liên tưởng thú vị. Những vấn đề không mới mẻ được nhà thơ “tinh khôi hóa”, “lạ hóa”, trở nên có sinh lực và mang nhiều ý nghĩa. Con người với thế giới chung quanh được kết nối vô hình hay hữu hình, như làn hương trong thơ haiku, trong “Hoa bìm bìm”.Cảm nhận về “Hoa bìm bìm”, nhà Nhật Bản học Phan Nhật Chiêu chia sẻ: “Tuổi nhà thơ đã hiếm mà tinh thần chơi đùa an nhiên như thế còn hiếm hơn. Đáng cho chúng ta nghiêng mình. Và nâng chén trà thơm mà đọc những vần thơ haiku tiếng Việt mát lành, tươi tắn, như trái bưởi vừa mới mẻ, vừa thân thuộc như ca dao”. BÍCH LIÊN