-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:23/11/2024
Quảng Nam là địa phương nằm trong vùng có mật độ xuất hiện dông sét dày đặc vào mùa hè. Việc nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh cũng như áp dụng công nghệ phòng tránh dông sét hết sức quan trọng.
Kỹ năng phòng tránh
Theo thống kê sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn Lâm KH&CN), Quảng Nam và các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên mỗi năm hứng khoảng 0,7 triệu cú sét đánh. Trung bình mỗi năm, Quảng Nam có khoảng 80 ngày dông, dông sét thường hoạt động mạnh trên địa bàn trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến 10, các tháng 5, 6, 7 là thời điểm xuất hiện với tần suất dày đặc. Vì yếu tố mang tính ngẫu nhiên, bất ngờ của sét, cùng với đó là sự hiểu biết, kỹ năng phòng tránh dông sét của người dân trên địa bàn tỉnh còn thấp, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nên mỗi năm, dông sét đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Gần đây, dông sét đã đánh chết bà Ngô Thị Tùng (SN 1965, trú xã Tam An, Phú Ninh) trong lúc đi làm đồng. Tiếp đó, gia đình ông Phạm Bửu (44 tuổi, trú thôn Xuân Quý, xã Tam Thăng, Tam Kỳ) bị sét đánh trúng ngôi nhà, làm hư hại nhiều thiết bị điện, vật dụng và các đồ dùng sinh hoạt của gia đình song rất may không thiệt hại về người…
Phần lớn trạm viễn thông được trang bị hệ thống chống sét. Ảnh: Hoàng Liên |
Theo TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh sét tại nhà lẫn ngoài trời. Đối tượng ở ngoài đồng trống lúc xảy ra dông sét sẽ đối diện với nguy cơ sét đánh trúng cao nhất, vì vậy, TS.Anh khuyến cáo, người dân cần phải tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm vị trí cây thấp, ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ sao cho phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất, người đứng ở tư thế nhón chân, không được nằm xuống đất. Ra khỏi những nơi là bãi biển, ao hồ, mương, các đỉnh núi hay sườn núi nhô cao. Nếu ở trong rừng thì tìm những cây thấp và thưa hơn để tránh và không đứng thành nhóm người gần nhau. Nếu cảm thấy tóc bị dựng lên thì điều đó có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào, cần lập tức cúi người xuống, lấy tay che tai. Khi đi xe buýt, tàu hỏa, ô tô, không nhoài người ra ngoài, không chạm đến vỏ bọc xe… Với biện pháp tránh sét ở trong nhà, theo TS. Anh, khi trời dông sét, tốt nhất là nên ở trong nhà hoặc công sở có lắp đặt hệ thống chống sét. Nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp khẩn cấp. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông. Nên tránh xa các dây điện, vật dùng điện với khoảng cách an toàn để tránh sét đánh lan truyền. Vô tuyến nối với ăng ten ngoài trời cũng cần rút ra khi có dông...
Phức tạp về công nghệ
Cho tới nay, giải pháp chống sét cơ bản được áp dụng tại nhiều công trình cao tầng, nhà cửa, cơ quan… là làm cột thu lôi, tức gắn lên nóc nhà một thanh sắt có đầu nhọn hướng lên trời, ở phần dưới thanh sắt người ta hàn dây sắt làm dây nối đất, nối xuống chỗ đất ẩm và chôn sâu. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia thuộc Viện Vật lý địa cầu, nhà có cột thu lôi vẫn không có nghĩa là an toàn tuyệt đối, hiệu quả chống sét cũng không thể đạt 100%. Ngay cả khi sét đánh thẳng vào kim thu sét thì hiệu quả truyền xuống đất cũng chỉ đạt 80%, không thể phân tán toàn bộ lượng điện. Trường hợp hai kim thu sét phát xạ sớm được lắp đặt ở Tam Kỳ không hiệu quả là dẫn chứng. “Trên thực tế, hiện có rất nhiều quảng cáo từ các công ty là kim thu sét có thể bảo vệ ở vùng bán kính cả 100m khi được lắp đặt ở độ cao 15m, song trên thực tế, nó chỉ bảo vệ ở vùng rất nhỏ, từ 15 đến 18m. Rất nhiều trường hợp mua thiết bị với giá đắt nhưng thiếu hiệu quả là vậy” - TS. Nguyễn Xuân Anh nhận định. Theo TS. Anh, hệ thống chống sét phải đảm bảo 3 yếu tố: kim thu sét, hệ thống dây xuống đẳng thế và hệ thống tiếp đất. Tùy theo dạng công trình mà có thể sử dụng kim thu sét dạng đứng, dạng dây, hoặc lưới thu sét. Việc thiết kế kim thu sét sao cho giữa điểm sét đánh và đất dòng điện có thể chảy theo nhiều đường song song, đặt dây càng ngắn càng tốt nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất.
Giai đoạn 2011 - 2013, trong công trình “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phòng chống sét trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, ThS. Lê Việt Huy (Viện Vật lý địa cầu) và cộng sự đã nghiên cứu và triển khai 2 trạm định vị sét, 4 hệ thống cảnh báo sét sớm ở Tam Kỳ, Hội An, Thăng Bình và Đại Lộc. Theo lý thuyết, trường hợp có dông, thiết bị này phát ra âm thanh, cung cấp thông tin cảnh báo đến địa phương và người dân. Các nhà khoa học cũng lắp đặt mẫu 10 mô hình chống sét đánh thẳng tại các công trình lớn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công nghệ này đòi hỏi kinh phí lắp đặt mạng lưới và duy trì mạng lưới suốt thời gian dài. Tại nhiều địa phương, hệ thống hoạt động không mấy hiệu quả sau lắp đặt. Cụ thể như tại Đại Lộc, giai đoạn 2011-2013, các nhà khoa học đã lắp đặt hai hệ thống trạm cảnh báo sét tại Đại Chánh và Đại Quang, song chỉ hệ thống ở Đại Quang được chọn duy trì. Tuy nhiên, đến nay hệ thống này đã được các nhà khoa học tháo dỡ do “thiếu kinh phí duy trì thường xuyên”.
HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)