-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Mười năm qua, Đại Lộc là một trong số không nhiều địa phương đi đầu trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương trong nhà trường và đạt được những kết quả đáng mừng.
Dạy lịch sử ở các cấp học
Việc đưa lịch sử, văn hóa địa phương vào giảng dạy tại các trường học, góp phần giáo dục đạo đức, truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ, được Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện xây dựng đề án từ năm 2004 - 2005. Giáo viên giảng dạy lịch sử ở các bậc học trong huyện sử dụng tư liệu lịch sử đã được phát hành như Lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc giai đoạn 1930-1975 và 1975-2000, Địa chí Đại Lộc… để biên soạn giáo án dạy lịch sử địa phương và các giáo án này đều được Ban Tuyên giáo và Phòng GD-ĐT huyện thẩm định kỹ lưỡng trước khi ban hành, đưa vào giảng dạy chính thức.
Khánh thành cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa tại Trường THCS Mỹ Hòa. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Ông Đặng Văn Kỳ - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc cho hay, việc giảng dạy lịch sử, văn hóa địa phương đã được các trường học trên địa bàn chú trọng, góp phần rất lớn vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ. Đến nay, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã cấp phát 11 đầu sách lịch sử và văn hóa do huyện biên soạn, xuất bản cho các trường. Các xã, thị trấn cũng đã cấp 25 đầu sách làm giáo trình phục vụ việc dạy và học sử địa phương đến các trường. Kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương, Huyện ủy Đại Lộc cũng đã xuất bản 2 cuốn sách “Tĩnh Gia - Đại Lộc nghĩa nặng, tình sâu” và “Đại Lộc - 40 năm dấu ấn, trưởng thành” là nguồn tư liệu lịch sử quan trọng cho việc dạy và học sử địa phương.
Nhiều trường học tại Đại Lộc đã làm tốt công tác đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong nhà trường. Thầy Nguyễn Đắc Duân - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo cho biết: “Hầu hết các tiết ngoại khóa lịch sử địa phương của trường được giáo viên chuẩn bị công phu bằng giáo án điện tử cùng nhiều tư liệu, hình ảnh, tranh minh họa. Bên cạnh những tài liệu do Ban Tuyên giáo Huyện ủy cung cấp, thư viện nhà trường còn in ấn, bổ sung thêm nguồn tư liệu học tập cho các em. Để đánh giá mức độ tiếp thu, tinh thần, thái độ của học sinh nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả giảng dạy, nhà trường đã lồng ghép, đưa nội dung sử địa phương vào nội dung kiểm tra 15 phút, 1 tiết hoặc kiểm tra học kỳ với nhiều câu hỏi có tính gợi mở liên quan tới các nhân vật - sự kiện lịch sử, mảnh đất nơi học sinh đang sống, ví như phong trào chống sưu thuế xuất phát tại làng Phiếm Ái, Đại Lộc lan ra cả Trung kỳ (1908)… Thầy Huỳnh Ngọc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hòa tâm sự: “Với Đại Lộc, mảnh đất có truyền thống cách mạng và hiếu học, công tác dạy chữ - dạy người càng trở thành nhiệm vụ quan trọng. Để làm tốt công tác giáo dục truyền thống, nhà trường đã lồng ghép vừa dạy trên lớp, vừa tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sưu tầm lịch sử địa phương, tham quan bảo tàng, hoạt động về nguồn, tham quan và bảo vệ các di tích lịch sử, thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng”…
Đa dạng hóa chương trình
Tại nhiều trường học ở Đại Lộc, ngoài các tiết học lịch sử địa phương theo chương trình của Bộ GD-ĐT, nhiều trường còn chủ động tổ chức các hoạt động ngoại khóa với nội dung đa dạng, hấp dẫn. Điển hình như các trường THCS, THPT với cuộc thi “Theo dòng lịch sử”, “Rung chuông vàng”, “Đố vui để học”, cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”, “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” ở cấp THCS… Nhiều trường học còn phối hợp với đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh địa phương tổ chức nói chuyện truyền thống cách mạng dưới cờ, giao lưu với nhân chứng lịch sử nhân dịp các ngày lễ trọng đại của quê hương, đất nước, nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào về quê hương xứ sở. Mới đây, Trường THCS Mỹ Hòa (Đại An) đã khởi công xây dựng cột mốc Hoàng Sa - Trường Sa trong khuôn viên nhà trường, đây là bài học sinh động, sâu sắc về chủ quyền của đất nước đối với thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là học sinh, thế hệ tương lai của đất nước.
Ông Phan Thường Sỹ - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc cho hay, theo quy định, mỗi tuần, mỗi trường học đều tổ chức một buổi sinh hoạt ngoài giờ, trong đó có lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống quê hương, truyền thống đoàn đội, truyền thống ngành. Mỗi tháng cũng có một lần sinh hoạt chủ điểm vào những ngày lễ, sự kiện lớn của quê hương, đất nước, kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, những tấm gương anh hùng đã ngã xuống cho quê hương… “Năm 2015 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, ngày giải phóng quê hương và kỷ niệm 40 năm của ngành giáo dục huyện nhà. Hội trại “Giáo dục Đại Lộc - 40 năm một chặng đường” được tổ chức vào hạ tuần tháng 4 này, được xem là điểm nhấn về công tác giáo dục truyền thống của Đại Lộc. Tại hội trại, các đơn vị giáo dục sẽ tham gia triển lãm, trưng bày tranh ảnh, tư liệu, hiện vật, vidéo clip về thành tựu của ngành giáo dục qua 40 năm xây dựng và trưởng thành cũng như lịch sử đấu tranh cách mạng địa phương. Những tư liệu, tranh ảnh, hiện vật từ hội trại sau này sẽ được trưng bày tại phòng truyền thống của mỗi trường” - thầy Sỹ nói.
Trong công tác giáo dục truyền thống, không thể không nói đến vai trò của đoàn thanh niên. Mới đây, Huyện đoàn Đại Lộc và Hội Cựu chiến binh huyện đã ký kết kế hoạch liên tịch năm 2015 về công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Theo đó, tại các trường học, vào những ngày lễ trọng đại của đất nước sẽ tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống dưới cờ. Mỗi trường sẽ được tổ chức ít nhất 2 lần trong năm nhằm giáo dục đoàn viên thanh niên về truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường của Đại Lộc. Cùng với đó, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, viếng hương và chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ địa phương, về nguồn, thăm địa chỉ đỏ là địa đạo Phú An - Phú Xuân, khu tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức, chiến thắng Cầu Ông Nở… cũng được tổ chức.
HOÀNG LIÊN - NHẬT DUY