-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Giao Thủy - ngôi làng ven sông Thu Bồn thuộc địa phận xã Đại Hòa, Đại Lộc đang đối diện với nạn sạt lở nặng nề. Không chỉ mất cả trăm héc ta đất sản xuất màu mỡ ven sông là nguồn sinh kế, người dân Giao Thủy đang nặng trĩu nỗi lo nhà cửa bị trôi sông cứ mỗi mùa mưa lũ tới, nếu không sớm triển khai bờ kè bảo vệ làng.
Sau đợt lũ vào tháng 11.2017, nhiều vị trí sạt lở bờ sông ăn sâu vào thôn Giao Thủy tới 20 - 30m. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Từ sau đợt lũ cuối tháng 11 vừa qua tới nay, người dân thôn Giao Thủy ai nấy cũng nơm nớp lo sợ khi chứng kiến tình trạng sạt lở quá nghiêm trọng và hiện trạng đất đai ven sông bị biến động quá nhanh. Đưa chúng tôi đi ven bờ sông, chỉ những vị trí trước lũ là bụi tre xanh rì thì nay bị cuốn trôi hết, chỉ còn chơ vơ những vạt đất nham nhở, lồi lõm, ông Nguyễn Văn Đào bần thần: “Vườn nhà tôi sát sông rồi. Trước đây có mấy bụi tre thì dù chi cũng đỡ lo, nhưng chừ tre cũng trôi sông hết rồi. Nước lũ đổ về nhanh và chảy xiết quá. Sạt lở nhanh kiểu ni thì có trồng trở lại tre chưa kịp đẻ nhánh sinh sôi đã bị bật gốc. Tôi lo chỉ vài trận lụt lớn nữa thì cái nhà cũng trôi mất”. Ông Nguyễn Văn Nông, một hộ dân lân cận cũng không giấu được nỗi lo: “Tình trạng sạt lở bờ sông mỗi năm thêm nghiêm trọng. Nếu cứ tiếp diễn thì e rằng nhiều nhà dân phải di dời khẩn cấp”. Chỉ về đoạn bờ sông đã trở thành vách cao, những lão nông làng Giao Thủy cho biết, chỗ đó từng là bãi bồi phù sa màu mỡ, là vùng chuyên canh trồng đậu, mè, trồng dâu nuôi tằm, làm nên sự trù phú một thời của vùng đất Giao Thủy. Nhưng nay, tất cả chỉ còn trong ký ức. Cũng như nhiều hộ dân Giao Thủy, bà Lê Thị Duy Bất tâm sự, người trẻ trong thôn phần lớn đã rời làng đi xa lập nghiệp, chỉ còn người già ở lại quê nhà sinh sống từ mảnh vườn, vạt hoa màu, chăn nuôi nhỏ lẻ. Để tránh lũ, hầu hết nhà cửa trong thôn được bà con xây dựng kiên cố từ bao mồ hôi, công sức, nên ai nấy đều xót xa, bất an khi nạn sạt lở đe dọa. “Nếu sông cứ tiếp tục ăn sâu vào tới nền nhà thì coi như trắng tay và cũng chẳng còn biết đi đâu. Chúng tôi mong các cấp chính quyền hỗ trợ xây dựng bờ kè bảo vệ để người dân yên tâm sinh sống” - bà Bất nói.
Sở Tài nguyên và môi trường nhận định, những biến động lũ lụt ngày càng trở nên khó lường. Tình trạng lũ kép và lũ dâng xuất hiện đột ngột. Vì chặn dòng chảy của sông, can thiệp thô bạo của con người phía thượng nguồn cùng với diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu nên sức tàn phá của lũ nghiêm trọng hơn. Thời gian gần đây, do lượng mưa quá lớn làm xói mòn đất. Những dòng sông mùa lũ cắt chia làng mạc, xóm thôn, nhấn chìm bao nhiêu công trình dân sinh, phá hủy hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng trong khu vực. Việc xả lũ trên hệ thống hồ chứa của các công trình thủy điện vào mùa mưa cũng tiếp tay với thiên nhiên phá hoại mùa màng, đẩy cuộc sống của bộ phận người dân vào tình trạng khốn đốn. (T.H) |
Không phải đến bây giờ tình trạng sạt lở bờ sông mới trở thành câu chuyện “nóng” ở làng Giao Thủy. Người dân trong làng vẫn chưa thôi ám ảnh về những trận lũ lịch sử năm 1999, năm 2009 với sức tàn phá nặng nề đã cuốn phăng hơn cả trăm héc ta đất sản xuất màu mỡ ven sông, cả chục ngôi nhà trong thôn buộc phải di dời khẩn cấp. Từ đó đến nay, qua mỗi mùa lũ, sông tiếp tục “ngoạm” sâu vào phần đất sản xuất, đất vườn còn “sót” lại của người dân trong vùng. Đã có biết bao bao hàng tre là thành lũy bảo vệ làng trước tác động của lũ lụt đã bị cuốn trôi sông. Mất đất sản xuất hoa màu, một số người dân Giao Thủy phải tất tả ngược xuôi tìm đủ kế sinh nhai như làm thuê, thợ hồ, buôn bán… Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Trưởng thôn Giao Thủy, đoạn sông Thu Bồn này trước đây dòng chảy cách khu dân cư hơn 80m, nhưng nay sông đã đổi dòng và xoáy mạnh về hướng khu dân cư. Sạt lở đe dọa và trực tiếp ảnh hưởng tới đời sống của 40 hộ có nhà cửa sát sông.
Chỉ tính riêng đợt lũ hồi tháng 11.2017, làng Giao Thủy tiếp tục mất thêm hơn 100m đất, điểm sạt lở sâu nhất tính từ mép sông trở vào làng tới 30m. “Nhìn cảnh sạt lở ai nấy xót xa quá nhưng chẳng còn cách nào chống đỡ. Mong Nhà nước hỗ trợ xây kè để cứu làng” - ông Hùng nói. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thuận - Chủ tịch UBND xã Đại Hòa cho biết, hàng vạn khối đất của làng, nhiều bờ tre đã bị sông cuốn trôi, nhiều vị trí xung yếu cũng đang chực đổ sập xuống lòng sông. “Tình trạng sạt lở ven sông Thu Bồn ở đây rất báo động. UBND xã đã nhiều lần tổ chức vận động nhân dân trồng tre để giữ đất, giữ làng nhưng cây tre chưa kịp bám rễ đã bị cuốn xuống dòng sông qua mỗi đợt lũ. Người dân đang mong ngóng phương án hỗ trợ cấp thiết từng ngày” - bà Thuận nói.
Lo sợ mất đất, mất nhà cửa, người dân Giao Thủy đã đồng loạt làm đơn cầu cứu gửi các cấp chính quyền và ngành chức năng từ trung ương, tỉnh, huyện. Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ, nỗi lo làng bị trôi sông không thôi ám ảnh người dân…
H.LIÊN - N.DUY (Báo Quảng Nam)