CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:20/09/2024

Nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình Việt Nam- xưa và nay

Bài viết:       Nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình Việt Nam- xưa và nay

                                                                                                       Vân Trình

     Gia đình truyền thống Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của “gia đạo”, “gia phong” và “gia lễ”. “Gia đạo” là đạo đức của gia đình như đạo hiếu, đạo ông bà, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em. “Gia lễ” là những nghi lễ, tập tục, cung cách ăn nói, đi đứng, ứng xử đó trở thành truyền thống, được cha ông chọn lựa qua nhiều thế hệ, nay con cháu cần noi theo một nguyên tắc có tôn ti trật tự theo lễ tiết. Còn“Gia phong”được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong gia tộc, nền nếp riêng của một gia đình. Cốt lõi của gia phong luôn hướng tới tinh thần chuộng gốc nguồn, khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thờ kính tổ tiên, coi trọng gia đình, thủy chung tình nghĩa, anh em hiếu thuận…

     Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, “gia đạo”, “gia phong” và “gia lễ” là cái gốc của gia đình, giữ cho con người Việt Nam, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt và sự trong sáng với cội nguồn. Nhiều gia đình Việt Nam xưa nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hoá đã tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng noi theo.

     Đã có nhiều câu ca dao, tục ngữ đã đúc rút những kinh nghiệm, cách ứng xử quý báu trong quan hệ gia đình. Chẳng hạn, câu ca dao thể hiện sâu sắc lòng tri ân của con cái đối với bậc sinh thành: “Công cha như núi Thái Sơn/  Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Bên cạnh đó, mối quan hệ ứng xử giữa anh chị em trong nhà cũng luôn được đề cao: “Anh em như chân, như tay/ Như chim liền cánh, như cây liền cành” hay:“Em thuận, anh hòa là nhà có phúc”... Người xưa quan niệm quan hệ vợ chồng là do “ông tơ bà nguyệt” se duyên. Nhưng khi hai người đã về ở một nhà thì ngoài tình vợ chồng, “nghĩa tào khang” là trách nhiệm chung xây dựng gia đình, duy trì giống nòi, nuôi dạy con cái, tôn tình nghĩa vợ chồng thành đạo vợ chồng: “Đốn cây ai nỡ dứt chồi/ Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương”. Lại có câu ca dao đề cao sức mạnh hòa thuận, đoàn kết: “Thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”…

     Trongthời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, dù văn hóa ứng xử đã có nhiều thay đổi so với ngày xưa nhưng những khuôn phép của mỗi gia đình Việt Nam vẫn là sự duy trì giá trị ứng xử gia đình truyền thống và áp dụng linh hoạt cái mới, cái tiến bộ. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khẳng định: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là gia đình, làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình”.

     Ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 4843 ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.Theo đó, tiêu chí ứng xử chung trong gia đình đó là: Tôn trọng, Bình đẳng, Yêu thương, Chia sẻ. Đối với vợ chồng, tiêu chí ứng xử là: Chung thủy; Nghĩa tình. Nghĩa là: Vợ chồng phải có tình cảm trước sau như một, chăm sóc nhau; cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình; biết lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, hòa nhã với nhau. Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu là: Gương mẫu; Yêu thương. Theo đó, cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; luôn quan tâm, chăm sóc con cháu khi con cháu còn nhỏ; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu giữ gìn nền nếp, gia phong; có tình cảm gắn bó tha thiết. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là Hiếu thảo; Lễ phép với nội dung ứng xử cụ thể là con, cháu có lời nói, cử chỉ, hành động thể hiện sự kính trọng, biết ơn, giúp đỡ cha mẹ, ông bà; thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu. Đối vớianh, chị, em: Tiêu chí ứng xử là Hòa thuận; Chia sẻ. Nghĩa là anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải. Anh chị bao dung đối với em, em kính trọng anh chị.

     Có thể nói, với việc thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đìnhViệt Nam từ ngàn xưa. Đồng thời,từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội./.

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất