CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:20/09/2024

Nông dân Đại Lộc trúng vụ thơm trái mùa

Vụ thơm (dứa) trái mùa dù đối diện với tình hình thời tiết thất thường, bất lợi song nhờ thơm được mùa, được giá khiến nông dân vùng Đại Lộc phấn khởi.

Thơm được mùa, lại được giá khiến nông dân phấn khởi. Ảnh: TRIÊU NHAN
Thơm tại Đại Lộc hiện được mùa, được giá. Ảnh: TRIÊU NHAN

Cả tháng nay, từ sớm tinh mơ, các bãi tập kết thơm sát quốc lộ 14B tấp nập kẻ bán người mua; nhộn nhịp cảnh trâu kéo cộ, cảnh bốc thơm lên xe vận tải nằm chờ sẵn ven đường.

Mỗi ngày, gia đình chị Huỳnh Thị Phương (trú Đại Hồng) cần mẫn bẻ thơm, thu gom chất đống tại rẫy, đóng thành cộ để trâu kéo từ rừng sâu ra điểm tập kết Khe Hoa giao cho thương lái. Vụ này, chị Phương trồng 40.000 mẹt thơm, khai thác cuốn chiếu và có giá bán khá cao, khoảng 90-100.000 đồng/chục trái cỡ lớn, 50-80.000 đồng/chục trái cỡ vừa.

Mỗi cộ trâu kéo có chừng 200-250 trái thơm lớn. Ảnh: TRIÊU NHAN
Mỗi cộ trâu kéo có chừng 200-250 trái thơm lớn. Ảnh: TRIÊU NHAN

Nghề trồng thơm giúp người dân Đại Sơn, Đại Hồng từng bước đổi đời, song không kém nhọc nhằn. Để vận chuyển những cộ thơm khoảng 250 trái từ rừng sâu ra đến được bìa rừng, cả người và trâu phải kéo trong vòng 2 tiếng đồng hồ trên những đoạn đường rừng gập ghềnh, hiểm trở và phải đi từ sớm tinh mơ để tranh thủ lúc trời còn mát mẻ, dưỡng sức cho trâu.

Ở vùng này, trâu gần như đã thành thục với việc kéo cộ thơm từ rừng; người dân các vùng Đại Sơn, Đại Hồng nuôi trâu đa phần vào mục đích kéo thơm thay cho sức người. Trung bình mỗi cộ thơm được bán với giá 1,6-1,8 triệu đồng tại các điểm tập kết như Khe Hoa, D1, D7, C1, nơi tiếp giáp với quốc lộ 14B thuộc xã Đại Sơn. 

Thơm tập kết tại bãi được thương lái thu gom, đóng bao đưa đi các nơi tiêu thụ. Ảnh: TRIÊU NHAN
Thơm tập kết tại bãi được thương lái thu gom, đóng bao đưa đi các nơi tiêu thụ. Ảnh: TRIÊU NHAN

Theo người dân, mỗi năm, thơm chín mùa tập trung vào tháng 4, 5 âm lịch, song thơm rẫy chín mùa đồng loạt thường có giá thành khá thấp. Để thời điểm nào cũng có thơm bán, dù trái vụ, người dân tìm cách xử lý, điều chỉnh quá trình ra trái của cây như thời điểm tết, thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ lạt, cúng bái, kéo dài từ tháng 8 tới tháng 3 âm lịch năm sau.

Chuyện thu lãi 15-20 triệu đồng/héc ta trồng thơm sau khi trừ tất cả những khoản chi phí vốn không hiếm ở vùng này. Với diện tích trồng chừng 40.000 mẹt thơm, mỗi gia đình thu về 150-200 triệu đồng mỗi năm. 

Trái to, đẹp được tuyển chọn. Ảnh: TRIÊU NHAN
Trái to, đẹp được tuyển chọn. Ảnh: TRIÊU NHAN

Anh Hồ Hữu Vinh (xã Đại Sơn) trồng 3 héc ta thơm xử lý trái vụ, trong số này có 1 héc ta hiện đang cho thu hoạch. Anh Vinh ước tính, mỗi héc ta thơm cho 40.000 trái, năng suất khá đạt và giá cả khá hơn cả vụ thơm tết vừa rồi. Đáng nói, dù có giá thành cao song tất cả số thơm thu hoạch đã được thương lái đặt mua sẵn nên việc tiêu thụ rất thuận lợi.

Vận chuyển thơm từ đầu nguồn bằng ghe phà về bến tập kết Tân Đợi, xã Đại Sơn. Ảnh: TRIÊU NHAN
Vận chuyển thơm từ đầu nguồn bằng ghe phà về bến tập kết Tân Đợi, xã Đại Sơn. Ảnh: TRIÊU NHAN

Nhờ trồng thơm, nhiều người dân tại Đại Sơn, Đại Hồng đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế. Trên những diện tích trồng thơm kém hiệu quả do đất bạc màu sau nhiều năm canh tác, nhiều nông dân chuyển sang trồng keo để cải tạo đất và cây keo cũng cho giá trị thu nhập tương đối khá. 

Rẫy thơm đã cho trái khoảng 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Ảnh: MINH PHƯỜNG
Rẫy thơm đã cho trái, khoảng 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Ảnh: MINH PHƯỜNG

TRIÊU NHAN - MINH PHƯỜNG (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất