-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-21
Hôm nay:22/11/2024
Trong ngày 12.9, toàn tỉnh đã có nhiều nơi xảy ra mưa lớn trên diện rộng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Đến 18 giờ cùng ngày, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4, dự báo sẽ đổ bộ vào Quảng Nam trong sáng mai, ngày 13.9.
Vào 19 giờ tối nay 12.9, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì cuộc họp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh để bàn phương án ứng phó với bão số 4. Sau khi nghe báo cáo cập nhật tình hình từ các sở, ban ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu tiếp tục cập nhật thông tin liên tục cho người dân về cơn bão số 4, tình hình trên địa bàn tỉnh để chủ động nắm bắt, triển khai các hoạt động ứng phó thích hợp. "Tình hình lụt bão mỗi năm mỗi khác, mỗi lần mỗi khác, do đó cần chủ động đánh giá, thông tin, không chủ quan với bão. Từ bây giờ đến sáng mai, cần rà soát lại phương án phòng chống, các ban ngành xuống cơ sở để nắm tình hình và chỉ đạo ứng phó, không chờ họp nữa. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, không để xảy ra tâm lý chủ quan trong nhân dân, nhất là bà con ngư dân và sẵn sàng phương án sơ tán dân nếu cần thiết. Ngoài ra, các ban ngành cần chủ động bảo vệ các công trình, trong đó Sở Giao thông vận tải cần kết hợp theo dõi chặt chẽ để đánh giá tác động, ảnh hưởng của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong mưa bão. Sở GD-ĐT cho học sinh nghỉ học vào ngày mai 13.9" - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh.
Người dân Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) khẩn trương thu hoạch sắn trước bão. Ảnh: CÔNG ĐOAN |
Trước đó, chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng các sở, ban ngành của tỉnh cũng đã có buổi họp trực tuyến với Chính phủ để bàn kế hoạch ứng phó với bão số 4. Báo cáo tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, ngoài việc chỉ đạo các phương tiện tàu thuyền khẩn trương tránh trú bão, toàn tỉnh hiện còn 4.500ha lúa vụ hè thu chưa kịp thu hoạch, tập trung chủ yếu ở vùng B Đại Lộc, vùng đông thị xã Điện Bàn và rải rác các huyện miền núi. Hiện tại, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đi thực tế để kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó tại các địa phương Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Hội An…, chỉ đạo khẩn trương tổ chức các biện pháp thu hoạch lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, triển khai chằng chống nhà cửa, rà soát các địa phương ven biển và các xã có đường cao tốc đi ngang để chuẩn bị phương án sơ tán dân, chủ động ứng phó với diễn biến của bão. Ngoài ra, tại các địa điểm bị ngập sâu, nước chảy xiết, các địa phương đã cắt cử người chốt chặn, cấm người dân và phương tiện đi qua. Từ chiều 11.9, tỉnh đã chỉ đạo UBND các xã ven biển đến từng gia đình để nắm bắt số tàu xa bờ và sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố. Cùng ngày, Quảng Nam cũng đã cấm du khách và tàu thuyền ra vào Cù Lao Chàm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về ứng phó bão số 4. Ảnh: CÔNG ĐOAN |
Theo ghi nhận, Tam Kỳ có lượng mưa đo được cao nhất khu vực miền Trung, ước tính đạt 164mm. Ngoài ra, các địa phương khác cũng có mưa kéo dài như Tiên Phước (93mm), Hội An (89mm), Hiệp Đức (84mm). Tuy nhiên, mực nước sông vẫn còn nằm dưới mức báo động I. Cụ thể, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đạt 2,71m (dưới báo động I 3,79m), sông Thu Bồn tại Câu Lâu đạt -0,06m (dưới báo động I 2,06m). Tình hình các hồ thủy lợi, thủy điện đều ở mức xấp xỉ mực nước chết.
Theo thống kê từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến chiều 12.9, có 102 tàu xa bờ với 2.375 lao động và 40 tàu gần bờ với 222 lao động đang hoạt động trên biển. Hiện tại cơ quan này đã thông báo yêu cầu các tàu khẩn trương vào bờ, nơi tránh trú, đến 19 giờ tối nay sẽ vào bờ và các nơi tránh trú an toàn. Hiện tại đã có 3.837 tàu neo đậu tại bến. Đối với số tàu thuyền đang hoạt động trên biển, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn 114 tàu, thuyền vào bờ hoặc khu neo đậu để trú ẩn, đồng thời cấm tất cả tàu thuyền ra khơi. Thông tin về diễn biến thời tiết, hướng di chuyển và vị trí của bão số 4 đã được thông báo đến các tàu thuyền đang hoạt động để có thể chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Các phương tiện được yêu cầu khẩn trương vào nơi tránh trú bão. Ảnh: CÔNG ĐOAN |
Nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của bão, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự chủ động chuẩn bị ứng phó với bão của các địa phương dự báo là nơi bão đổ bộ, trong đó có Quảng Nam. Bộ trưởng yêu cầu trước hết phải đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, nhất là đối với lao động trên các phương tiện đang hoạt động trên biển. Theo ghi nhận, khu vực nguy hiểm do bão kéo dài từ Khánh Hòa đến Quảng Bình. Dù các tỉnh đã rất chủ động, nhanh chóng thông báo cho ngư dân nhưng vẫn còn 452 tàu với 3.457 lao động vẫn đang trên biển. Các địa phương cần quán triệt liên tục, có giải pháp để số phương tiện này kịp thời di khỏi vùng nguy hiểm. Đối với 65.000 phương tiện với 154.000 lao động đã neo đậu, thuyền nhỏ ven bờ ở khu vực bị ảnh hưởng của bão thì cấm biển tuyệt đối, không cho phương tiện ra khơi, kiểm tra nơi tránh trú.
Rút kinh nghiệm từ các cơn bão đã xảy ra từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương cần tập trung đôn đốc thu hoạch vụ mùa, chú ý cảnh báo nguy hiểm sạt lở đất, lũ quét ở miền núi có thể gây thiệt hại về người. Trong và sau bão sẽ xuất hiện mưa to, dự báo có lũ, các ban ngành liên quan cần rà soát phương án phòng chống mưa lũ, triển khai bảo vệ nhà ở và các công trình trọng điểm để tránh hư hại. (THÀNH CÔNG - NGUYÊN ĐOAN)
* Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ và áp thấp nhiệt đới (hiện đã mạnh thành bão), sáng và chiều nay 12.9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đại Lộc đã ban hành liên tiếp hai công điện khẩn.
Tuyến ĐT609, đoạn qua nội thị Ái Nghĩa bị ngập cục bộ do mưa to kéo dài. Ảnh: C.TÚ |
Vào buổi sáng, nắm bắt diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và cảnh báo của cơ quan chức năng về mưa lũ lớn có khả năng xảy ra, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đại Lộc đã ban hành Công điện số 08/CĐ-BCH. Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện - ông Đào Duy Bình cho biết, đồng chí Trưởng ban đã yêu cầu các ngành, các địa phương tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có biện pháp ứng phó kịp thời. Chiều nay, sau khi nhận được công điện của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc lập tức ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND điện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện; Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện.
Nước mưa gây ngập sân Trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu (xã Đại An). Ảnh: C.TÚ |
Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Trần Văn Mai đã yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường theo dõi diễn biến của thiên tai, ứng phó với mọi tình huống xảy ra; cảnh báo cho dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét biết để chủ động phòng tránh. Các địa phương phải kiểm tra công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu, nhất là ở địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lụt; chỉ đạo nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, cắt tỉa cành cây để tránh gãy đổ; kiên quyết không để người ở lại trên lồng bè khi bão đổ bộ. Trên những tuyến đường ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, các xã, thị trấn cử người canh gác, chốt chặn kiên quyết không cho người qua lại. Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tùy theo chức năng, nhiệm vụ phải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng ứng trực để đảm bảo ứng phó kịp thời.
Nông dân xã Đại Cường gặt lúa "chạy lụt". Ảnh: C.TÚ |
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai và thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, Phòng NN&PTNT Đại Lộc đã yêu cầu các hợp tác xã trên địa bàn đôn đốc nông dân thu hoạch lúa vụ hè thu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng NN&PT huyện - ông Trần Quốc Khánh cho biết, đến chiều nay, các xã, thị trấn vùng A, vùng C đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn cánh đồng Hòa Thạch (xã Đại Quang) chưa gặt xong. Tiến độ thực hiện ở vùng B là chậm nhất, khi còn khoảng hơn 30% diện tích chưa thu hoạch. Nguyên nhân là do đập Khe Tân mở nước trễ, cho nên đến đầu tháng 6 mới xong khâu xuống giống. Qua điện thoại, Chủ tịch UBND xã Đại Cường - ông Trần Quốc Đạt thông tin, địa phương hiện còn đến 50% diện tích nằm trên các cánh đồng. Đây là điều bất đắc dĩ, do ruộng canh tác lúa của xã nằm cuối kênh lấy nước tưới từ đập Khe Tân, vì thế việc hoàn tất khâu xuống trễ nhất so với các địa phương thuộc vùng B.
San lấp mương thoát nước thuộc đường dẫn cầu Giao Thủy. Ảnh: C.TÚ |
Trước tình hình đó, lãnh đạo xã Đại Cường đã chỉ đạo các thôn thông báo cho nhân dân nắm bắt diễn biến của thiên tai và khẩn trương thu gặt diện tích còn lại. Cũng theo ông Trần Quốc Đạt, nhiều hoạt động nằm trong dự kiến sẽ tổ chức trong nay mai sẽ tạm dừng để tập trung cho công tác phòng tránh mưa bão. Địa phương cũng linh hoạt dịch chuyển thời gian trao quà trung thu cho các cháu ở thôn 8, thôn 9, thôn 10 ngay trong ngày 12.9, thay vì đến ngày rằm. Bởi lẽ, nước lụt lên báo động 2 là cả 3 thôn vừa nêu đã bị cô lập.
Ghi nhận của chúng tôi, nhiều tuyến đường tại Đại Lộc bị ngập nước cục bộ do mưa to kéo dài. Lúc chiều tối, một vài nông dân xã Đại Cường tiếp tục hối hả gặt lúa “chạy lũ”. Tại vùng rau Bàu Tròn (xã Đại An), nhiều hộ canh tác ở khu vực con đất thấp đã ra đồng hái thêm đu đủ, dưa gang, bí đao…do sợ bão làm ngã đổ, rồi nước lụt ập vào gây ngập úng.
Người dân thôn Bàu Tròn tranh thủ hái thêm bí đao. Ảnh: C.TÚ |
Ở xã Đại Hòa, có gia đình tranh thủ đem bao cát chằng mái hiên. Thuộc đường dẫn dự án cầu Giao Thủy, nhà thầu thi công khẩn trương san lấp cát vào mép mương thoát nước vừa đổ xong bê tông xi măng, tránh để khoảng trống gây nguy hiểm cho cư dân ven tuyến khi có lũ lụt. Trong tối nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đại Lộc cũng như các địa phương, các ngành túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng chỉ đạo ứng phó với bão lụt. (CÔNG TÚ)
* Thời điểm này, nhiều cánh đồng lúa hè thu trên địa bàn huyện Đại Lộc đã chín rộ, nông dân khẩn trương thu hoạch, song do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa to nên toàn huyện vẫn còn 1.200/3.100ha chưa gặt xong.
Do bị ảnh hưởng bởi việc tu sửa đập Khe Tân nên nhiều diện tích lúa ở vùng B phải thu hoạch muộn hơn các vùng khác. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, vụ lúa hè thu năm 2016, nông dân trên địa bàn huyện gieo sạ trên 4.300ha lúa với các giống như: Thiên ưu 8, OM, HT1, TH3-5, Q5, BC15, Nhị ưu 838… Ước tính, năng suất bình quân toàn huyện đạt 63 tạ/ha, tăng 3 - 4 tạ/ha so với vụ hè thu 2015. Theo chỉ đạo của tỉnh, địa phương phải tổ chức gặt xong trước 10.9, song tới thời điểm này (12.9), 1.200ha lúa vùng B vẫn chưa được thu hoạch. Nguyên do là toàn bộ vùng sản xuất này bị ảnh hưởng bởi việc kênh thủy lợi Khe Tân nâng cấp, sửa chữa, gây ảnh hưởng và làm chậm trễ mùa vụ. Hơn nữa, thời gian qua, thời tiết buổi chiều trên địa bàn huyện thường xuyên xuất hiện mưa dông gây khó khăn cho công tác thu hoạch, nhiều chân ruộng bị ngập úng.
Ông Mẫn cho biết thêm, hiện trước thông tin có bão xuất hiện trên Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Nam, UBND huyện chỉ đạo các địa phương, nhất là các xã vùng B khẩn trương trong ngày nay, ngày mai, phải cố gắng đẩy nhanh thu hoạch trước khi bão vào theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” để đảm bảo thắng lợi của vụ hè thu này; tránh tình trạng thất thoát, thiệt hại do bão lũ gây ra.
Đến thời điểm này, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ái Nghĩa là đơn vị làm tốt khâu chỉ đạo, điều hành trong sản xuất. Hầu hết các diện tích trên địa bàn thị trấn Ái Nghĩa đã được chỉ đạo thu hoạch xong. Theo ông Trương Cảm - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa, năng suất đạt 6,5 tấn/ha, HTX chỉ đạo thu mua đảm bảo như hợp đồng ký kết với bà con, năm nay chất lượng lúa thu hoạch rất tốt, không xảy ra tình trạng ẩm mốc như các năm. (HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU)
* Tại huyện Duy Xuyên, sáng 12.9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã thông báo cho bà con ngư dân biết về việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và yêu cầu ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương thuộc vùng đông kiểm đếm tàu thuyền vào bờ, huy động lực lượng hỗ trợ ngư dân neo đậu an toàn.
Theo thống kê mới nhất, tính đến thời điểm này toàn bộ 364 chiếc tàu (trong đó có 4 tàu vỏ thép) của ngư dân 3 xã gồm Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Vinh đã vào nơi tránh trú an toàn, tập trung ở sát chân cầu Trường Giang, rừng dừa nước lân cận. Riêng tại khu vực âu thuyền Hồng Triều, dù ngành chức năng đã yêu cầu bà con ngư dân di dời phương tiện đánh bắt vào sát chân cầu Trường Giang neo đậu nhưng hiện tại vẫn còn gần 100 tàu thuyền, chủ yếu của ngư dân các xã Bình Hải, Bình Sa, Bình Dương thuộc huyện Thăng Bình và một số tàu của ngư dân thị xã Điện Bàn, TP.Hội An neo đậu.
Trong ngày hôm nay 12.9, các địa phương ở Duy Xuyên đã tiến hành cắt tỉa cành cây nhằm tránh ngã đổ. Ảnh: HOÀI NHI |
Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của xã đã chỉ đạo từng thành viên đứng điểm ở từng thôn nhằm nắm bắt tình hình, thông báo trực tiếp qua loa phát thanh và loa cầm tay để nhân dân biết về tình hình diễn biến của bão để chủ động các biện pháp đối phó. Đối với khu tái định cư 39ha nằm trên địa bàn thôn Tây Sơn Đông, các thành viên của ban đã tập trung vận động và hỗ trợ nhân dân đang xây dựng nhà mới chằng chống nhà cửa. Riêng mương tiêu thoát nước ở khu vực này, địa phương phối hợp với đơn vị thi công lên phương án nạo vét để đảm bảo chống ngập úng khi có mưa lớn. Được biết, thời gian qua chính quyền xã Duy Hải cũng đã ưu tiên bố trí đất tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng sạt lở nghiêm trọng ở thôn Trung Phường để đầu tư xây dựng nhà cửa nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Theo tìm hiểu, trước những diễn biến khó lường của thời tiết, hôm nay 12.9, ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên đã có công điện yêu cầu các ngành liên quan và chính quyền các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình để kịp thời triển khai hiệu quả những phương án đối phó. Theo đó, UBND các xã, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp khẩn trương chỉ đạo nông dân thu hoạch nhanh lúa hè thu năm 2016 bằng cơ giới kết hợp với thủ công theo hướng “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại khi bão, lũ xuất hiện. Bên cạnh đó, các địa phương thông báo cho nhân dân và các đơn vị trên địa bàn khẩn trương chằng chống nhà cửa, trụ sở, cơ quan, trường học để tránh tốc mái khi có gió bão. Tổ chức cắt tỉa cành cây và chằng chống cây xanh ven đường, tránh ngã đổ. Các xã ven biển, ven sông, vùng trũng thấp phải chuẩn bị sơ tán nhân dân đến nơi an toàn.
Ngoài ra, các xã Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Trung có đường cao tốc đi qua phải thông báo và nghiêm cấm ghe thuyền, nhân dân đi lại ở thượng lưu, hạ lưu tại các cầu chui, cống chui, cống thoát nước của đường cao tốc khi có mưa lớn, nước dâng cao. Đồng thời, phân công lực lượng dân phòng, công an canh gác tại những khu vực này. Chi nhánh thủy lợi Duy Xuyên và các địa phương quản lý những hồ đập chứa nước triển khai ngay phương án bảo vệ an toàn công trình và phân công cán bộ, công nhân trực 24/24 giờ để theo dõi, xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; duy trì lực lượng cứu nạn, cứu hộ và sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Đặc biệt, Đài Truyền thanh - truyền hình Duy Xuyên và các trạm truyền thanh xã, thị trấn bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, liên tục cập nhật thông tin về hướng di chuyển của bão để thông báo rộng rãi trên hệ thống loa nhằm giúp người dân chủ động phòng chống… (HOÀI NHI)
Theo Báo Quảng Nam