CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:19/09/2024

“NÊN VÀNH HOA ĐỎ, NÊN THIÊN SỬ VÀNG”

          Cách đây 65 năm, ngày 7.5.1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Quân đội ta đã phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng Đờ cát- tơ-ri, khẳng định sự toàn thắng của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 56 ngày đêm, kết thúc thắng lợi Cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ và anh dũng của dân tộc ta. Nói về ý nghĩa, tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng ta từng đánh giá: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu KH tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

            Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lẽ ra dân tộc ta phải được hưởng nền Độc lập, Tự do vừa giành được. Song ý nguyện đó không được thực hiện. Lịch sử đã đặt dân tộc trước sự lựa chọn có tính sống còn, đó là hoặc cam chịu nô lệ, hoặc đứng lên đánh đuổi sự xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Thực hiện lời hứa thiêng liêng trong Ngày lễ Độc lập- ngày 2.9.1945: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”, với ý chí "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề anh dũng đứng lên “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với niềm tin tất thắng.

          Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, quân dân ta càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh, kết thúc giai đoạn phòng ngự, cầm cự, chuyển mạnh sang tổng phản công. Để cứu vãn tình thế thất bại, bước vào Thu – Đông năm 1953, với sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp đã cho ra đời Kế hoạch Nava, tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh ở Việt Nam nhằm giành thắng lợi có tính quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng, với mưu toan sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ nước ta và bình định cả Nam Đông Dương. Tại Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã tăng cường lực lượng, xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Chúng tập trung một lực lượng quân sự lớn với 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 03 tiểu đoàn pháo binh, 01 tiểu đoàn công binh, 01 đại đội xe tăng, 01 phi đội không quân, 01 đại đội vận tải cơ giới. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương. Hệ thống hoả lực mặt đất khá mạnh với 02 tiểu đoàn pháo 105mm, 01 đại đội pháo 155mm, 01 đại đội súng cối 120mm được bố trí ở Mường Thanh và Hồng Cúm; hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần chiếc lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch, đảm bảo nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến. Như vậy, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, tướng Nava coi Điện Biên Phủ như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của Việt Minh.

          Về phía ta, nắm chắc mọi âm mưu, hành động của địch, phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là một chiến dịch lịch sử có ý nghĩa quân sự, chính trị, ngoại giao rất quan trọng và dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra mặt trận: Phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta đã sử dụng hơn 20.000 xe đạp thồ, vận chuyển hàng trăm km. 

          Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức, động viên một lực lượng to lớn sức người, sức của của nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc, đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Liên khu Bốn đóng góp cho mặt trận. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng vạn người vượt qua muôn vàn gian khó, ngày đêm bạt rừng xẻ núi, mở hàng ngàn kilômét đường giao thông cho bộ đội, dân công chuyển quân, kéo pháo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, lập nên biết bao kỳ tích. Tướng Navanhận định chắc chắn rằng quân đội Việt Nam sẽ không thể vận chuyển các vũ khí hạng nặng vào chiến trường, nhưng không ngờ bộ đội Việt Nam đã dùng sức người để kéo pháo 150 mm và pháo cao xạ 37 mm qua nhiều đèo cao suối sâu để tiến vào trận địa. Bộ đội Việt Nam cũng dùng sức người để đào chiến hào, tạo thành "chiếc thòng lọng siết cổ" quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ.Điều đặc biệt nữa cần được nhắc lại là trên chiến trường Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ Mặt trận, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi thực hiện sự chỉ đạo chiến lược và phương châm đánh địch đúng đắn của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng quân ủy, đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc” vào ngay trước giờ chiến dịch mở màn, thể hiện tài thao lược, tinh thần trách nhiệm cao và lòng quả cảm, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn dân, toàn quân. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”,  với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm của địch vào ngày 7.5.1954. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Chiều ngày 7/5/1954,  lá cờ quyết chiến quyết thắng của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ cát- tơ-ri.              

          Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương. Sinh thời, nhà thơ Tố Hữu từng ca ngợi: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

          Chiến thắng Điện Biên Phủ còn mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại; giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành luỹ của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. Thật vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam đã tác động trực tiếp và mãnh liệt đến ý thức dân tộc, tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân các nước thuộc địa trước vận mệnh của đất nước mình. An-giê-ri, một thuộc địa của Pháp đã tìm cho mình con đường đi đúng đắn để giành độc lập cho dân tộc từ chính thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ: "Thật hãnh diện biết bao cho nhân dân An-giê-ri  được làm những người bạn chiến đấu của các bạn... Chiến thắng Điện Biên Phủ là màn mở đầu cho chiến thắng của chúng tôi và ngay từ đó đã báo hiệu một giai đoạn lịch sử mới...". Như một phản ứng dây chuyền lan đi khắp thế giới, tiếp theo An-giê-ri, một loạt các nước thuộc địa khác của Pháp ở châu Phi như Ma-rốc, Tuy-ni-di, Ghi-nê, Ma-li, Ma-đa-ga-xca, Ca-mơ-run... đã nổi dậy một cách mạnh mẽ, ào ạt và nhanh chóng, buộc thực dân Pháp không còn con đường nào khác là phải trao trả nền độc lập cho các nước này. Chỉ tính riêng trong năm 1960, 17 nước đã giành được độc lập, thế giới còn gọi đó là “năm Châu Phi”. Đối với các nước ở Mỹ La-tinh, Điện Biên Phủ như "ánh đèn pha chiếu rọi", là "kim chỉ nam hành động". Nhà thơ yêu nước của quốc đảo Ha-i-ti Rơ-nê Đê-pê-xtơ-rơ đánh giá: "... Chiến thắng Điện Biên Phủ có một tầm quan trọng lịch sử quốc tế và đã mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh anh hùng của các dân tộc thuộc địa nhằm tự giải phóng khỏi ách chủ nghĩa đế quốc Anh, Pháp, Bỉ và Mỹ. Tinh thần Điện Biên Phủ ngày nay là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên toàn thế giới và sự trung thành với tinh thần quang vinh đó là điều bảo đảm duy nhất cho thắng lợi trong hành động cách mạng chống sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ chúng tôi. Ngày nay, sự thức tỉnh rực rỡ của các dân tộc ở châu Mỹ La-tinh, với Cu-ba là đội tiên phong, đang đi theo đường bay sáng ngời của Điện Biên Phủ".

          65 năm đã đi qua, song Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Vân Thu

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất