CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:23/11/2024

Phan Thanh và những sự kiện độc đáo trong nghị trường

          Phan Thanh sinh ngày 1 tháng 6 năm 1908 tại làng Bảo An, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Đây là một làng nhỏ bên bờ sông Thu Bồn, cách Đà Nẵng gần 40 km về phía nam, là một trong 24 làng cũ thuộc vùng Gò Nổi. Phan Thanh là thành viên trong gia tộc họ Phan, phái nhì, đời thứ 13, cùng đời với nhà yêu nước Phan Thành Tài. Ông nội ông là Cử nhân Phan Khắc Nhu, cha là nhà nho Phan Định, bác ruột là Phó bảng Phan Trân (cha của nhà văn Phan Khôi). Mẹ ông là Lê Thị Tiếu, con gái của Cử nhân Lê Đăng Cung. Năm 1928, Phan Thanh kết hôn với bà Lê Thị Xuyến- người con ưu tú của quê hương Đại Lộc. Nhà trí thức cách mạng Phan Thanh là thân sinh của đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

         Ảnh: Nhà tri thức cách mạng Phan Thanh

          Trong tâm khảm người dân đất Quảng, Phan Thanh luôn là hiện thân của lòng yêu nước thương nòi và tinh thần bất khuất đấu tranh chống lại cương quyền. Cho đến nay, ở Quảng Nam còn lưu truyền Vè Phan Thanh, ca ngợi ông: “Anh Thanh nào phải ai đâu/ Hàng trăm thứ thuế yêu cầu bớt đi/.../ Anh là ông nghị có công/ Lợi quyền dân chúng hết lòng đấu  tranh”.

          Năm 1937, Phan Thanh được Đảng đưa ra ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ để mở ra mặt trận đấu tranh mới trong nghị trường. Được nhân dân hai huyện Đại Lộc - Hòa Vang (nơi ông ra ứng cử) nhiệt liệt ủng hộ, Phan Thanh đã trúng cử với phiếu áp đảo. Là dân biểu của Viện Dân biểu Trung Kỳ nhưng ông vẫn sống ở  Hà Nội, dạy học ở Trường Tư thục Thăng Long.

          Tháng 9.1938, Phan Thanh từ Hà Nội vào Huế để tham gia các cuộc diễn thuyết, các cuộc đấu tranh công khai nhằm bảo vệ quyền lợi của dân chúng. Lúc này, Khâm sứ Trung Kỳ đưa ra bản “Dự án tăng thuế lũy tiến”, mục đích là để bóp hầu bóp cổ nhân dân ta, buộc Viện Dân biểu Trung Kỳ thông qua. Trước tình hình  này, Đảng đã tổ chức quần chúng đấu tranh, kết hợp chặt chẽ cuộc đấu tranh giữa bên ngoài và bên trong nghị trường.

          Muốn bác dự án này, các “ông nghị” phải có số liệu để chứng minh. Pháp cho phép các nghị viên qua Tòa Khâm sứ tại Huế đọc tư liệu nhưng cấm không cho ghi lại. Nhờ có trí nhớ tuyệt vời, Phan Thanh chỉ cần đọc qua một lượt đã nhớ tất cả số liệu cần thiết để phát biểu tranh luận chống dự án thuế.

          Trong  phiên họp để thông qua dự án thuế nói trên tại Viện Dân biểu, ông Phan Thanh đã hùng hồn đưa ra những chứng cứ để bác bỏ dự án thuế của thực dân Pháp. Cử tọa im phăng phắc lắng nghe và tỏ vẻ đồng tình. Mấy viên quan của Tòa Khâm sứ Trung Kỳ sốt ruột nhìn cụ Hà Đằng - Viện trưởng, chủ tọa cuộc họp, có ý muốn bảo cụ cắt không cho Phan Thanh nói nữa, nhưng cụ ngó lơ đi nơi khác, để cho Phan Thanh nói 15 phút, nửa giờ. Rồi, 1 tiếng sau, cụ Hà Đằng mới rung chuông đề nghị Phan Thanh nhường thời gian cho các ông nghị khác. Phan Thanh vừa dứt lời thì cả hội trường vỗ tay hoan hô, kể cả các nhà báo. Tên Patô điên tiết quát: “Nguyên tắc là không được vỗ tay, sao các ông lại vỗ?”. Có tiếng trả  lời: “Xin lỗi, chỉ vỗ tay về những cái hay vậy!”. Tối 19.9.1938, Viện Dân biểu Trung Kỳ đã biểu quyết bác bỏ dự án mới về thuế của Khâm sứ Trung Kỳ. “Phơrăng - Annam” - tờ báo chống Cộng khét tiếng cũng phải thừa nhận thắng lợi của phiên họp ở Viện Dân biểu Trung Kỳ: “Nghị án thuế - đa số nghị viên không tán thành”.

          Sự kiện thứ hai càng chứng tỏ tài trí tuyệt vời của Phan Thanh. Tháng 11.1938, Hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương khóa II họp thường niên tại Sài Gòn. Phan Thanh được Đảng cử đi dự để tiếp tục đấu tranh với Pháp. Trong hội nghị đó, Toàn quyền Đông Dương là Brêviê đã đề nghị thông qua dự án xây thêm nhiều nhà tù trên khắp Việt Nam. Phan Thanh dũng cảm đứng lên trước cử tọa và dõng dạc: “Thưa ngài Toàn quyền, xây dựng nhà tù để làm gì?”. “Để giam những người ăn cắp!” - viên Toàn quyền trả lời.  “Ai là kẻ cắp và kẻ cắp đã làm gì thưa ngài?”. Brêviê đỏ mặt lúng túng: “Kẻ cắp là kẻ cắp chứ còn ai! Sao ông lại hỏi những câu ngớ ngẩn đến thế!”. Lập tức, Phan Thanh phản đòn: “Nói như ngài thế là sai, kẻ cắp phải là những tên tư bản, bọn quan lại hút  máu nhân dân… Vì lẽ đó, tôi đề nghị bỏ các nhà ngục, vì nó trái với tinh thần nhân đạo của nước Pháp. Theo tôi, Chính phủ phải trừng trị phạm nhân thế nào để họ có thể hoàn lương được, chứ không phải làm cho đời họ thành thứ vứt đi. Bỏ tù tội nhân, bắt giam, buộc họ làm khổ sai thì điều đó có thể làm được nhưng bắt họ chết mòn trong cái địa ngục ghê gớm kia thì tôi hết sức công kích!”. Một viên quan Pháp khác cắt ngang: “Nhưng ở An Nam hiện có quá nhiều bọn đầu trộm đuôi cướp, nhất là những kẻ giết người!”. Phan Thanh lập tức đả  phá: “Ngài nói vậy là không đúng! Trong các ngài gọi là “kẻ cắp” đó cần việc làm, cơm ăn áo mặc và học hành thì các ngài lại đem đến cho họ thuốc phiện và rượu cồn. Đành rằng những kẻ giết người là tội rất nặng, nhưng ta nên nhớ rằng, tội ấy một phần là thuộc về trách nhiệm của xã hội. Biết bao tội nhân trước kia là người lương thiện, chỉ vì không có cơm ăn, không có việc làm mà phải giết người cướp của. Tôi quả quyết rằng những nguyên nhân sâu xa đó là do cái xã hội không hoàn hảo của chúng ta gây ra. Các ngài nên nhớ rằng, có nhiều tay trộm cướp, tai hại bằng mấy họ mà chẳng bao giờ bị tù tội gì cả. Những tay trộm cướp ấy khi tôi nói đây vẫn không bị pháp luật trừng trị, hơn nữa còn được pháp luật che chở nữa”. Cả  hội trường vỗ tay rào rào, mặc cho viên Toàn quyền rung chuông đề nghị yên lặng. Một lần nữa, Phan Thanh đã chiến đấu ngoan cường ngay trong “sào huyệt” của thực dân Pháp ở Đông Dương. Sinh thời, Sinh thời, Đại tướng VÕ  NGUYÊN GIÁP khẳng định: “Hồi đó, hoạt động nghị trường là một lĩnh vực vừa sôi động, vừa quyết liệt ở trên diễn đàn nghị viện, tiếng nói của anh lúc nào cũng vang, gây sôi nổi cho dư luận, gây phấn khởi cho đồng bào, đồng chí, gây sự lúng túng e sợ cho các đối thủ... Anh là một tài năng”.

           Thật không may cho phong trào cách mạng, do làm việc quá sức và lâm bệnh nặng, ngày 1.5.1939 Phan Thanh qua đời tại Hà Nội, để lại muôn vàn thương tiếc cho những đảng viên cộng sản và nhân dân trong cả nước. Đám tang của ông là một đám tang lớn nhất Hà Nội lúc bấy giờ. Tờ Dân chúng số ra ngày 6.5.1939 đã đưa lên trang nhất bài “Bạn Phan Thanh chết”, tường thuật chi tiết đám tang ông như sau: “Cái tin sét đánh ấy báo vào đây làm cho ai nấy đau đớn ôm lòng ngẩn ngơ thương tiếc. Hơn 30 tuổi thanh xuân đang bồng bột chảy trong lòng người với biết bao hy vọng chứa chan của một đời tốt đẹp đầy hứa hẹn, thì than ôi anh Phan Thanh đã vội từ giã cõi trần… Được cử đi dự Đại hội đồng Kinh tài Đông Dương là một dịp cho anh trổ tài hùng biện, hết sức bênh vực cho lao động, cho giai cấp cấp cần lao. Trong khắp xứ người ta bắt đầu biết tên tuổi của anh và Chính  phủ cũng bắt đầu kiêng nể. Một người như Phan Thanh ai mà không yêu quý, ai mà không kính trọng. Đến Chính phủ cũng phải kiêng dè, mặc dầu họ vẫn cố tâm kiếm kế hãm hại anh như vu khống cho anh tổ chức biểu tình ở Nam-phố-hạ”. Báo Notre Voix  (Tiếng nói của chúng ta) - một tờ báo tiếng Pháp công khai - hợp pháp của Đảng viết : “Phan Thanh là một chiến sĩ vĩ đại vì sự nghiệp của quần chúng. Anh có một vốn kiến thức cơ bản uyên bác, vững vàng, một tinh thần kiên quyết khác thường”. Trong bản báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản “Về tình hình chính trị ở Đông Dương từ năm 1936 đến 1938”, ký tên Lin, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết về đám tang Phan Thanh như sau: “Dân chúng đã tổ chức tang lễ rất trọng thể. Đám tang có 153 vòng hoa, có đại biểu 14 tỉnh thành về dự và dài 2 cây số. Gia đình của anh nhận được 110 điện viếng. Chưa bao giờ có một đám tang lớn như thế ở Hà Nội. Vì sao nhân dân Hà Nội tổ chức đám tang Phan Thanh lớn như vậy? Vì nó là cái tang chung của mọi người ham chuộng tự do và  hòa bình. Nó là vết thương rất lớn trong phong trào dân chúng đang bồng bột ở xứ này. Toàn thể quốc dân thương tiếc anh. Bình sinh, anh là một chiến sĩ đã hy sinh thân thế, địa vị của mình vì quyền lợi của dân chúng”.

          Tại Quảng Nam, quê hương Phan Thanh, Tỉnh ủy Quảng Nam bí mật tổ chức lễ truy điệu ông ngay tại  làng Bảo An. Theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thành Hãn - Bí thư Tỉnh ủy, khoảng 12 giờ ngày 29.5.1939, trên 300 đại biểu đại diện cho đủ các giới đồng bào từ Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Đà Nẵng… đến nhà Phan Thanh tổ chức lễ truy điệu, tuy đơn giản nhưng rất trang nghiêm. Một tấm màn đỏ giăng kín nhà, trên treo bức chân dung của Phan Thanh. Trong lễ viếng Phan Thanh, nhà thơ Khương Hữu Dụng có đôi câu đối: “Là nghị viên đắc lực, là chiến sĩ tận tâm, trang sử tương lai tên bạn viết to hàng chữ trước/ Vì hạnh phúc, vì hòa bình, vì lợi quyền dân chúng con đường tranh đấu hồn anh nâng mạnh bước người sau”./.

Minh Đạt

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất