-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:23/11/2024
44 năm kể từ ngày giải phóng quê hương, huyện Đại Lộc đã khoác lên mình một diện mạo mới với những gam màu thanh bình, tươi sáng.
Để có được những thành quả như ngày hôm nay, chúng ta làm sao quên được những khó khăn chồng chất khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh. Trong tổng số 128 thôn thì có đến 116 thôn bị tàn phá nặng nề, nhiều thôn xóm không còn màu xanh của sự sống, làng mạc, ruộng vườn bị hoang phá. Hơn 15.000 người bị địch giết hại, 2,6 ngàn người bị thương tật. Bom mìn còn sót lại trên mảnh đất này nhiều vô kể. Khi mới giải phóng, toàn huyện có 2,8 ngàn người, chủ yếu là những người bám trụ ở các thôn xóm, chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân từ các khu dồn, ly tán nhiều nơi trở về đưa dân số tăng lên hơn 100 ngàn người, đặt ra các vấn đề cần phải giải quyết về kinh tế - xã hội... Trong khi đó, Đảng bộ huyện chỉ còn 375 đảng viên, tuy dày dạn kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng, nhưng chưa có kinh nghiệm về quản lý kinh tế, quản lý xã hội.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, từ trong khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Đại Lộc đã không ngừng nỗ lực, vượt khó xây dựng quê hương với khí thế “tiến công” của những ngày đầu giải phóng. Từ chiến dịch “Tháo gỡ bom mìn”, “Tiến công đồng cỏ” đến “Toàn dân làm thủy lợi”, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ... 10 năm sau giải phóng, huyện đã ghi dấu ấn bằng năng suất lúa trên cánh đồng cao sản Đại Phước với 21,6 tấn/ha/3vụ; công trình hồ chứa nước Khe Tân không chỉ là công trình đại thủy nông lớn thứ hai của tỉnh mà còn là công trình “đền ơn đáp nghĩa” cho căn cứ địa cách mạng và giải quyết cơ bản vấn đề khô hạn ở vùng B; nhà máy thủy điện Hố Bà Thai (xã Đại Quang), An Định (xã Đại Đồng) đã đưa điện về các thôn xóm; mô hình Hợp tác xã nông, lâm, công nghiệp kết hợp ra đời ở Đại Đồng 2 được phong danh hiệu Anh hùng lao động năm 1985. Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực như: xây dựng Đảng ở Đại Hiệp, xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở Đại Thắng; khuyến học khuyến tài ở Đại Lãnh, hoạt động mua bán của HTX Đại Minh… Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Công Thanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết:
Nhìn lại 44 năm xây dựng và phát triển, huyện Đại Lộc đã có nhiều khởi sắc. Có thể nói rằng, sau ngày giải phóng, đứng trước những khó khăn và thách thức rất lớn bởi hậu quả của chiến tranh. Với sự nỗ lực cố gắng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay Đại Lộc là một trong những huyện có thành tựu kinh tế nổi bật của tỉnh. Từ một huyện thuần nông, đến nay công nghiệp đã có sự phát triển mạnh, giá trị ngành công nghiệp, TTCN và xây dựng chiếm trên 88%. Cơ sở hạ tầng từ không có gì đã phát triển mạnh, đường sá, cầu cống được kiên cố hóa, 100% hộ dân được sử dụng điện. Bên cạnh đó, hệ thống trường lớp, trạm y tế được chuẩn hóa; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đảng bộ, chính quyền, mặt trận đoàn thể phát triển vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Đến nay, toàn huyện có 11 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu năm 2019 và năm 2020 có thêm 2 xã về đích NTM, điều đó góp phần làm cho bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc mạnh mẽ hơn.
Nền kinh tế của huyện tăng trưởng cao và chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư về nguồn lực, có các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển bền vững. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được nhiều cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng chuyên canh sản xuất lúa giống với diện tích 1.200ha. Không chỉ là vùng đất có tiềm năng về sản xuất các loại lúa giống, huyện Đại Lộc còn có nhiều ưu thế để phát triển các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây rau đậu. Trong đó, vùng chuyên canh rau xã Đại An được quy hoạch 120ha, trong đó có 47ha quy hoạch sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap; vùng chuyên canh cây màu ở Đại Nghĩa, Đại Quang, vùng chuyên canh cây chuối với diện tích hàng nghìn héc ta ở Đại Hiệp, Đại Hòa…
Sản xuất Nông nghiệp ở Đại Lộc
Trên lĩnh vực phát triển CN-TTCN, chú trọng đẩy mạnh công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư, xây dựng đội ngũ cán bộ làm việc hết trách nhiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đăng ký hoạt động tại các cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương. Đến cuối năm 2018, toàn huyện đã hình thành 15 Cụm công nghiệp, trong đó có 13 Cụm công nghiệp với 27/47 dự án đã đi vào hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 3.998 tỷ đồng. Đặc trưng của công nghiệp Đại Lộc còn thể hiện ở ưu thế về những dòng sản phẩm công nghiệp chủ lực có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường như: sản phẩm kim phục vụ ngành dệt của Công ty TNHH Groz-beckert, sản phẩm gạch men của Công ty Cổ phần Prime Đại Lộc…
Hình ảnh Công nghiệp của Đại Lộc
Từ một huyện thuần nông, Đại Lộc đã gia nhập nhóm các địa phương của Quảng Nam có giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm trên 6.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản - dịch vụ. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 10.543 tỷ đồng đạt 113,19 % kế hoạch, trong đó giá trị sản xuất CN-TTCN tăng hơn 13,5% so với năm 2017. Đồng chí Nguyễn Công Thanh, Bí thư Huyện ủy cho biết thêm:
Trong thời gian đến, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch, coi đây là động lực của tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Công nghiệp sẽ được chú trọng phát triển theo hai hướng: công nghiệp tập trung tại các cụm, khu công nghiệp và công nghiệp phân tán ở các địa phương có điều kiện. Ngoài ra, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề gắn với vùng nguyên liệu và các tour tuyến du lịch. Cùng với đó, tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Huyện cũng đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huyện tập trung xây dựng hệ thống đô thị thành vùng động lực phát triển, tương xứng với tiềm năng và vị thế của một không gian giao lưu kinh tế với các vùng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, điểm nhấn là đô thị Ái Nghĩa.
44 mùa xuân trôi qua, quê hương Đại Lộc đã vươn mình trỗi dậy, thay da đổi thịt. Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cùng với những thành tựu to lớn đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đại Lộc đang nổ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng quê hương trở thành huyện nông thôn mới./.
Phố chợ Ái Nghĩa
Nhật Duy - Bích Liễu