CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:20/09/2024

BẢN LĨNH VÀ NHỮNG NGHĨA CỬ VĂN HOÁ CAO ĐẸP CỦA BÁC HỒ

    Ngày 28/01/1946, trên báo Cứu Quốc số 153 có bài "Tự phê bình" của tác giả Hồ Chí Minh. Mở đầu bài viết, Người khẳng định: "Vì yêu mến và tin cậy tôi, mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân". Sau khi nêu lên những khuyết điểm của Chính phủ, trong đó có việc chưa chỉ đạo quét sạch" tệ tham ô, nhũng lạm" trong cán bộ, công chức, Bác thành thật tự phê bình: "Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi", "chỉ vì tôi tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào". Người nhấn mạnh thái độ nghiêm túc sửa chữa khuyết điểm: "Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không có sự khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi". Tin tưởng vô hạn vào trí tuệ và nhiệt huyết của nhân dân, Bác tha thiết kêu gọi : "Từ này, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ". Rõ ràng, ngay từ những năm đầu chính quyền cách mạng thực thi nhiệm vụ quản lý đất nước, quản lý xã hội, với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương sáng về BẢN LĨNH VĂN HOÁ của người đứng đầu Đảng, chính quyền: dũng cảm nhận sai, có quyết tâm sủa sai, luôn cầu thị, tôn trọng nhân dân, học hỏi nhân dân và có trách nhiệm với nhân dân - một phong cách mà thiết nghĩ mỗi cán bộ , công chức ngày nay cần nỗ lực học tập và làm theo.

         Mười tháng sau đó, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại ban hành một Thông báo rất "lạ", đó là "Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi". Chúng ta biết rằng, Bác không có gia đình riêng nên việc nhận con nuôi là điều dễ hiểu. Thế nhưng, nghĩa cử "nhận con các liệt sĩ làm con nuôi" có lẽ là chuyện chưa từng có tiền lệ đối với các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Giải thích cho hành động của mình, Người chỉ rõ: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, vàtôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi". Người yêu cầu: "Các ban hành chính các địa phương toàn quốc phải lập tức làm tờ báo cáo. Các làng làm xong gửi lên huyện. Các huyện xét lại đúng sự thật thì đóng dấu chứng nhận rồi gửi ngay về Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội". Có thể nói, chính hành động mang đậm tính văn hoá và nhân văn cao cả này của Bác đã mở ra phong trào nhận đỡ đầu con liệt sĩ mồ côi trên phạm vi cả nước (đây hiện là một trong năm chương trình chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ đang được toàn xã hội thực hiện có hiệu quả).

       

   Cũng trong tháng 11/1946, đúng một tháng trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trên báo Cứu Quốc số 411 đăng bài "Tìm người tài đức" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định đây là " Chiếu cầu hiền thời Cách mạng". Mở đầu bài viết, Người khẳng định: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức". Trước quốc dân đồng bào, vị nguyên thủ quốc gia rất chân thành, khiêm tốn tự nhận khuyết điểm chưa thu phục, tập hợp hết nhân tài để phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước: "E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không biết xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận". Người chỉ thị một nhiệm vụ cần kíp mà có lẽ các Nhà nước trên thế giới chưa bao giờ thực hiện, đó là: "Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ". Đây là sự tiếp nối một cách lô- gíc tinh thần bài viết "Nhân tài và kiến quốc" của Bác (cũng đăng trên báo Cứu quốc số 91, ngày 14/11/1945): "Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó (tức kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục), lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay".

     Sau hơn bảy thập kỷ, đọc lại các bài viết của Bác Hồ kính yêu, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược và đức độ cao cả của Danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh. Đặc biệt, về tư tưởng "trọng dụng hiền tài", "chiêu hiền đãi sĩ" của Bác càng tỏa sáng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước với tinh thần năng động và sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm đổi mới toàn diện và mạnh mẽ theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhằm thực hiện bằng được mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.

Vân Trình 

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất