CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:08/09/2024

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NAM LẦN THỨ XXI, NHIỆM KỲ 2015 - 2020 - Dáng đứng và niềm tin

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI là sự kiện trọng đại của Quảng Nam trong năm 2015. Đây là dịp để nhìn lại hành trình 5 năm qua và hoạch định chiến lược cho chặng đường phát triển mới.

Một dáng đứng đã được xác lập sau 5 năm, khi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt những kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân gần 11,5%. Đáng chú ý, thu ngân sách trên địa bàn tăng từ 4.500 tỷ đồng (năm 2010) lên hơn 12 nghìn tỷ đồng (ước thực hiện năm 2015); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11,2 triệu đồng (năm 2010) lên khoảng 24,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 9%...

Một diện mạo nhiều đổi thay mới mẻ với ba mũi đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư. Dấu ấn là các trục giao thông chiến lược như quốc lộ 1, đường cao tốc, Đông Trường Sơn, Nam Quảng Nam, đường ven biển... đã và đang mở rộng, xây dựng, kết nối với hàng nghìn cây số đường tỉnh, huyện, giao thông nông thôn, tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội. Chuỗi đô thị được hình thành, nâng cấp, với hai thành phố, một thị xã cùng các thị trấn, thị tứ. Song hành đào tạo nhân lực cho bộ máy quản lý, 200 nghìn lao động được giải quyết việc làm mới. Môi trường đầu tư được cải thiện tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Quảng Nam, trong đó tăng hơn 1.100 doanh nghiệp với số vốn kinh doanh hơn 64 nghìn tỷ đồng (gần gấp đôi so với năm 2010). Quảng Nam cũng trở thành mảnh đất lành đón hàng triệu bước chân du khách gần xa. Khách du lịch lưu trú tăng nhanh, từ 1,1 triệu lượt năm 2010 lên hơn 2,1 triệu lượt năm 2015.

Điểm xuyết như vậy đủ thấy rằng, Quảng Nam đã xác lập được thế đứng mới, niềm tin về sự phát triển đi lên được củng cố trong thực tiễn đời sống.

Đã trở thành tỉnh khá trong khu vực (xét trên một số chỉ tiêu chủ yếu), nhưng thẳng thắn nhìn nhận, so với nhiều tỉnh, thành phố và cả nước, số hộ nghèo của Quảng Nam vẫn còn chiếm tỷ lệ cao (đứng thứ 17/63 tỉnh thành), thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm trung bình thấp của cả nước (đứng thứ 40/63 tỉnh thành). Trong phát triển kinh tế, Quảng Nam vẫn chưa khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng và lợi thế. Chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp  khá  cao nhưng giá trị gia tăng thấp. Chưa tạo đột phá mạnh về phát triển dịch vụ, du lịch. Năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp; nông dân còn loay hoay với đầu ra nông sản. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập... Những hạn chế này sẽ đặt ra nan đề cho việc hoạch định chiến lược phát triển thời gian tới. Chưa nói, thách thức rất lớn với sức ép cạnh trạnh gia tăng khi đất nước quê hương ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, mà trước mắt là việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhìn nhận điểm yếu và dự báo những khó khăn thách thức, không phải để làm nhụt ý chí mà nhằm tìm giải pháp phát triển phù hợp. Dáng đứng, thế đứng có vững chắc, phát triển có bền vững hay không, phụ thuộc vào nội lực tư duy, nhiệt tình quyết tâm và đôi chân hành động đúng.  

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này đặt ra mục tiêu 5 năm tới, Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh giàu của miền Trung và tỉnh khá của cả nước, với các chỉ tiêu: đến năm 2020 phải đạt GRDP bình quân đầu người hơn 75 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người hơn 45 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 16%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân trên 15%/năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm trên 30% GRDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm khoảng 2 - 2,5%/năm. Trong 5 năm tới, phải giải quyết việc làm mới cho 75.000 lao động...
Để đạt được các mục tiêu lớn đó, cần cả một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trong đó, đáng lưu ý là bên cạnh việc tiếp tục ba mũi đột phá, cần tập trung tạo cơ hội cho người dân tự giảm nghèo bằng các chương trình kinh tế thiết thực gắn với xây dựng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bất luận điều gì cũng không để nguy cơ tái nghèo làm suy yếu sức dân, đó mới là gốc rễ sâu bền của con đường phát triển. Chiến lược tạo bước đột phá để chuyển nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác và chế biến thô đến chế biến sâu, gia tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, tăng trưởng xanh, tăng sức cạnh tranh giá trị của hàng hóa sẽ tiếp tục đặt ra với hành trình phát triển.

Một hành trình không ngừng nghỉ để tô bồi dáng đứng và vị thế vững chãi của đất và người xứ Quảng luôn đòi hỏi sự chung sức, chung lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, của những nhà đầu tư, doanh nghiệp...  

Phấn đấu không ngừng để phát triển quê hương đất nước, trong đó có mỗi gia đình, mỗi con người, là mệnh lệnh cuộc sống. Nhưng trước hết mệnh lệnh ấy phải được thực thi bằng sự sáng tạo và mẫn cán, đầy trách nhiệm “công bộc” của đảng bộ, chính quyền, của từng cán bộ, đảng viên.

Bản lĩnh của đất và người xứ Quảng cần được củng cố, phát huy.

Niềm tin về một tương lai tươi sáng cần được đắp xây bền bỉ.

Theo Báo Quảng Nam

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất