CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:19/09/2024

Chia sẻ thông tin trên mạng xã hội: Nên hay không?

Chia sẻ thông tin trên mạng xã hội: Nên hay không?

Nam Dương

          Không thể phủ nhận rằng, những hữu ích mà mạng xã hội mang lại cho mỗi chúng ta. Đó là sự cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, tiện lợi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ văn hóa xã hội cho đến chính trị, quốc phòng- an ninh. Có rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước được đăng tải và được người dân tiếp nhận kịp thời. Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể liên lạc với những người thân, bạn bè ở xa hoặc ở gần một cách nhanh nhất. Cũng nhờ mạng xã hội mà nhiều người thân, bạn bè tìm thấy nhau sau hàng chục năm xa cách… Chúng ta phải khẳng định, sự phát triển của mạng xã hội có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của quê hương, đất nước.

          Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại hiện nay đó là những hệ lụy mà mạng xã hội đem lại không phải là ít. Thực tế đã cho thấy, nhiều người sử dụng mạng xã hội để câu like, câu view, chia sẻ những thông tin sai sự thật. Nguy hiểm hơn, có nhiều kẻ còn lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Các thế lực thù địch, thành phần phản động cũng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, phát tán nhiều loại thông tin xuyên tạc với mức độ, tần suất ngày càng nhiều, nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, một số tài khoản facebook phản động thường xuyên chống phá như Việt Tân, Dân làm báo, Quan làm báo… đã đăng tải rất nhiều thông tin trái chiều, kích động gây nên nhiều “điểm nóng”, tạo dư luận xấu trong nhân dân.

          Không những vậy, mạng xã hội hiện nay còn đang “đầu độc” thế hệ trẻ bằng những hành động, những việc làm của một số đối tượng thiếu suy nghĩ, bốc đồng. Đáng tiếc là những việc làm đó lại được lan truyền với tốc độ chóng mặt và cực kỳ khó kiểm soát. Từ bạo lực học đường cho đến đua đòi những thói hư tật xấu như yêu đương trong trường học, quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, thờ ơ vô cảm trước những vấn đề của cộng đồng như bệnh tật, tai nạn…trên mạng xã hội đang ngày càng mai một đi nét đẹp thanh cao của những học sinh, sinh viên- những chủ nhân tương lai của đất nước. Dù không phải là đa số những thực tế chứng minh có không ít thanh thiếu niên học đòi khi sử dụng mạng xã hội để rồi tự đánh mất chính bản thân mình, đánh mất tương lai phía trước.

          Mặt khác, có những thông tin trên mạng xã hội rất dễ gây hiểu lầm, hoang mang trong dư luận xã hội như những vấn đề về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh ở người, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, giải quyết chế độ, chính sách, bạo lực gia đình, giải quyết thủ tục hành chính... Những thông tin này có khi được trực tiếp đăng tải, có khi được chia sẻ từ một trang mạng nào đó mà mức độ xác thực của thông tin hoàn toàn không có hoặc thiếu căn cứ. Có những người chia sẻ, đăng tải với mục đích xấu nhưng cũng có nhiều người khi chia sẻ, đăng tải lại hoàn toàn không biết mình đang tiếp tay cho những kẻ xấu, để họ lợi dụng lan truyền thông tin, gây mất an ninh- trật tự, an toàn xã hội. Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng chia sẻ nhiều thông tin mà họ không hề hay biết đó là thông tin giả mạo, lừa đảo. Trên địa bàn huyện ta, thời gian qua, đã có một số người sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng.

          Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, tại Điều 8 đã quy định các hành vi bị nghiêm cấmvề an ninh mạng, đó là: Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi: Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

          Để có thể khắc phục và giải quyết những mặt trái mà mạng xã hội đem lại, trước hết cần có sự quản lý, vào cuộc của các cơ quan quản lý bằng các quy định, các biện pháp nghiệp vụ, khoa học- kỹ thuật để ngăn chặn những thông tin xấu, độc lây lan trên mạng xã hội. Hiện nay, ở nước ta đã có quy định xử phạt đối với các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội theo Nghị định 174/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.  Theo đó, tùy từng trường hợp, căn cứ vào mức độ vi phạm, mục đích của hành vi và hậu quả từ hành vi đó, người thực hiện việc đăng tải, chia sẻ thông tin sai có thể bị xử lý vi phạm hành chính: có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (khoản 3, Điều 64) hoặc bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (khoản 3, Điều 66).

          Thế nhưng, một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất đó là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng khi tham gia mạng xã hội. Mỗi người phải tự nghiên cứu, tìm hiểu, trang bị cho mình những thông tin cần thiết để không bị những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội “dẫn dắt”, vô tình tiếp tay hoặc để kẻ xấu lợi dụng gây mất đoàn kết, kích động, tạo “điểm nóng” trong xã hội. Có như vậy, những lợi ích mà mạng xã hội mang lại mới thực sự phát huy giá trị.

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất