-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:23/11/2024
Tối ngày 14/12, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Đại Lộc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập huyện Đại Lộc (1899 - 2019). Đến dự dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ngành của Trung ương, Quân khu 5. Về phía tỉnh có đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Võ Xuân Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Nẵng, đoàn đại biểu các huyệnkết nghĩa với huyện Đại Lộc: Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Hải Lăng (Quảng Trị), Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh), Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng),Nam Giang và các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam; đại biểu Hội đồng hương Đại Lộc tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo các doanh nghiệp lớn.
Quảng cảnh Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập huyện Đại Lộc (1899-2019).
Về phía huyện Đại Lộc có đồng chí Nguyễn Công Thanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Hảo, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Trần Văn Mai, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Lương Tấn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UB MTTQVN huyện, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện; đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng; các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp Quân đội và Công an là người con của quê hương Đại Lộc; các đồng chí lãnh đạo của huyện qua các thời kỳ; lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, lãnh đạo các xã, thị trấn; đại biểu các tôn giáo, tộc họ, đồng bào Cơ Tu cùng đông đảo cán bộ, đảng viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn huyện.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TƯ; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh QN, đại biểu Bà mẹ VNAH tham dự Lễ kỷ niệm.
Đọc Diễn văn khai mạc, đồng chí Nguyễn Công Thanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện nhấn mạnh: Đại Lộc là vùng có 2 dòng sông lớn gồm Thu Bồn và Vu Gia chảy qua. Ngược dòng lịch sử, Đại Lộc trước kia thuộc đất Châu Ô của Chămpa và là “vật sính lễ” của vua Chế Mân dùng để hỏi cưới công chúa Huyền Trân nước Đại Việt vào năm 1306. Từ đó, vùng đất này đã trở thành đất Châu Hóa của quốc gia Đại Việt thời nhà Trần. Đến thế kỷ 15, dưới triều Lê sơ, vùng đất Đại Lộc trực thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, đạo thừa tuyên Thuận Hóa. Năm 1604, huyện Điện Bàn được tách khỏi phủ Triệu Phong để hình thành một phủ và hợp cùng với phủ Thăng Hoa làm nên tỉnh Quảng Nam. Năm Thành Thái thứ 11 (1899), triều đình nhà Nguyễn cắt 2 tổng Đại An và Hoài Mỹ của huyện Diên Phước và 3 tổng Đức Hòa, An Phước, Phú Khê của huyện Hòa Vang để thành lập huyện Đại Lộc. Sau đó tách thêm xã Phú Thứ Thượng ở tổng An Mỹ, huyện Quế Sơn sáp nhập vào tổng Đại An. Lúc bấy giờ, huyện Đại Lộc có 5 tổng, 109 xã, phường, châu; bao gồm vùng Bến Giằng và Bến Hiên, tức là 3 huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang, huyện lỵ đặt tại làng Đông Lâm, nay thuộc xã Đại Quang. Đến nay, trải qua các giai đoạn lịch sử và nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, Đại Lộc gồm 18 xã, thị trấn, diện tích gần 580km2, dân số gần 160 nghìn người. 120 năm qua, với những thăng trầm của lịch sử, nhân dân Đại Lộc đã kiên cường bất khuất trong đấu tranh giai cấp và chống giặc ngoại xâm. Năm 1908, không cam chịu ách bóc lột của thực dân, phong kiến, nhân dân Đại Lộc, đa số là nông dân đã nổi dậy đấu tranh, mở đầu cho phong trào chống sưu thuế diễn ra trời long đất lở khắp các tỉnh miền Trung.
Đồng chí Nguyễn Công Thanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc trình bày Diễn văn Lễ kỷ niệm.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại Lộc gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân huyện được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Cả huyện có 1.557 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 21 tập thể và 43 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bước vào thời kỳ đổi mới, từ một huyện thuần nông, Đại Lộc đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 14%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản và dịch vụ đạt hơn 90%. Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, Đại Lộc có 12/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Công tác chăm sóc đối tượng chính sách, người có công được thực hiện tốt. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác xây dựng Đảng được tăng cường…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Đến dự và phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam ghi nhận những nỗ lực to lớn mà Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc đạt được trong những năm qua để xây dựng một Đại Lộc giàu về kinh tế, vững mạnh về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, văn minh về đời sống, tinh thần. Trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, huyện vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Do vậy, đồng chí đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc cần nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cần tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng huyện theo hướng đồng bộ, kiên cố hóa, xây dựng huyện Đại Lộc trở thành đô thị với kết cấu hạ tầng phát triển hiện đại, văn minh, xem đây là nền tảng cơ bản để mở ra cơ hội phát triển trong giai đoạn mới. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, Đại Lộc là vùng tiếp giáp với TP.Đà Nẵng, nằm trên tuyến hành lang kinh tế đông - tây: Việt Nam - Lào - Thái Lan nên cần phải biết phát huy lợi thế này để tập trung thu hút và đón đầu các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng quà lưu niệm và 10 căn nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn của huyện Đại Lộc.
Sau buổi Lễ đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Nơi hai dòng sông chảy qua” gồm nhiều tiết mục xuất sắc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; ca ngợi mảnh đất và con người Đại Lộc với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước như: nghệ sĩ ưu tú Đỗ Linh, nghệ sĩ ưu tú Xuân Đề, ca sĩ Anh Thơ, Thu Thảo, Hồng Gấm… cùng các ca sĩ là người con của quê hương Đại Lộc.
Nhật Duy – Xuân Trinh