-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Phước Tích là làng cổ thứ 2 của Việt Nam được cấp Bằng xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2009 sau làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Các nghệ nhân biểu diễn làm gốm phục vụ khách tham quan. Ảnh: V.T.L |
Từ trung tâm thành phố Huế ngược quốc lộ 1 về hướng Quảng Trị khoảng 40km, rẽ phải theo bờ nam sông Ô Lâu hiền hòa đi thêm 1km nữa là đến ngôi làng nhỏ yên bình được bao bọc bởi 3 mặt sông. Dạo một vòng quanh làng mới hiểu vì sao làng quê nằm bên sông Ô Lâu, xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế này là “á quân” của hệ thống làng cổ Việt Nam.
“Thủ phủ” của nhà rường cổ
Cổ kính, yên bình, trầm mặc… đó là cảm nhận đầu tiên của du khách khi đến làng cổ Phước Tích. Cổ kính, bởi nơi này vẫn còn lưu giữ những di sản vật thể cổ xưa vô giá đến kinh ngạc. Theo ông Lương Vĩnh Viễn, hướng dẫn viên du lịch, Phó Trưởng ban thường trực Ban quản lý làng cổ Phước Tích, ngoài 10 nhà thờ họ cổ kính, nghiêm trang, cất giấu những trầm tích của lịch sử, làng có 117 nóc nhà thì có đến 27 nhà có tuổi đời tính bằng trăm năm, trong đó có 24 nhà rường cổ 3 gian hai chái và một nửa số này được xếp vào loại có giá trị đặc biệt.
Điều lý thú là các ngôi nhà rường cổ nằm dọc theo bờ sông Ô Lâu này gần như cách đều nhau một khu vườn rộng với những hàng chè tàu xanh mướt được xén tỉa tỉ mẩn, gợi lên cảm giác trong lòng du khách sự bình yên, trầm mặc của những làng quê truyền thống miền Trung.
Cách đình làng Phước Tích chưa đầy 1km là làng điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, nơi không chỉ tạo tác các tượng tròn, phù điêu gỗ có tính kỹ thuật, mỹ thuật cao mà còn sản xuất các nhà rường theo kiểu cổ. Người có công đầu trong lĩnh vực này là ông Lê Văn Trực, chủ doanh nghiệp tư nhân Thường Trực được khách hàng gần xa đặt tên là “Trực nhà rường”. Với slogan “Nhà đẹp vì gỗ, gỗ đẹp vì ta”, ông nhờ vào tay nghề giỏi nhất làng mà gầy dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Cùng với hai con trai giỏi nghề, ông đã góp phần phục dựng các nhà xưa, di tích cổ không chỉ ngay quê hương mình mà khắp cả trong Nam, ngoài Bắc.
Sự kết nối giữa “thủ phủ” nhà rường cổ và làng nghề mộc đã làm nên một tuyến liên hoàn cho du khách gần xa khi đến tham quan làng quê “sát nách” với đất Quảng Trị này.
Chuyện về 12 bến nước
Lâu nay cứ tưởng 12 bến nước chỉ tồn tại trong thành ngữ, điển tích; giờ về thăm làng cổ Phước Tích mới hay đó là chuyện có thật ngoài đời.
Từ đầu đến cuối làng Phước Tích, ông Viễn bấm đốt tay kể, có đúng 12 bến nước: Bến Hạ Hòa, bến Chùa, bến Cầu, bến Miếu Vua, bến Cây Thị, bến Vạn, bến Cạn, bến Đình, bến Cây Bàng, bến Cừa (xưa có cây cừa, nay là nơi đỗ ghe thuyền nên còn gọi là bến Thuyền), bến Lò, bến Hội.
Tên gọi mỗi bến xuất phát từ cảnh vật, sự tích từng bến. Ví như bến Hội được xem là “đất học” của làng. Theo sử sách còn lưu lại, vào năm Thành Thái thứ hai (1890), trong làng có 11 thí sinh, khóa sinh làm đơn xin trưng đất ở, lập nên xóm Hội (tên chữ là Xuân Viên) nhằm cùng nhau tu chí học hành, dạy dỗ con em theo đường học vấn nên còn gọi là xóm Học. Đến nay làng có trên 30 tiến sĩ ở các lĩnh vực, còn cử nhân, thạc sĩ thì con số tính trăm.
Bến Miếu Vua, tương truyền khi vua Hàm Nghi trên đường xuất bôn ra Tân Sở, Quảng Trị, xuống chiếu kêu gọi sĩ phu tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp, ngài có ghé lại đây một ngày đêm. Sau khi vị hoàng đế thứ 8 của triều Nguyễn này bị Pháp bắt đem an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie) và qua đời tại đây năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày, dân làng lập ngôi miếu thờ vị vua yêu nước này, gọi là Miếu Vua. Miếu giờ không còn nữa, nhưng vẫn còn lưu lại tên bến sông và câu chuyện đau buồn về một ông vua từng chống Pháp mà bôn ba qua nơi này.
Nằm sát bến Hội là bến Lò, nơi tập kết các loại đất sét mua các nơi về để cung cấp cho lò gốm và đưa sản phẩm gốm Phước Tích đi các nơi. Làng nghề có tuổi lên đến gần nửa nghìn năm này từng chế tác những chiếc om nấu cơm cho vua, như câu ca xưa còn nhắc: Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân. Sản phẩm gốm Phước Tích một thời có mặt khắp vùng miền. Nay, khi đồ dùng gia đình bằng nhôm, nhựa lên ngôi, đồ gốm dân dụng không còn đất sống, các hộ bàn nhau chuyển qua làm gốm mỹ thuật phục vụ du lịch.
Ông Lương Thanh Hiền, phụ trách cơ sở Gốm Phước Tích, thợ cả trực tiếp làm gốm cho hay, cái “bước ngoặt” này đã mang lại hiệu quả khả quan, lò gốm lại đỏ lửa và khách đến Phước Tích có thể trải nghiệm nghề gốm bằng cách tự tay làm ra sản phẩm hoặc chọn mua cho mình một sản phẩm xinh xắn nào đó có “dấu ấn” của làng nghề để lưu giữ kỷ niệm về một chuyến đi kỳ thú.
Có lẽ không đâu có đủ 12 bến nước như Phước Tích. Thế mà, theo ông Hồ Văn Thái, một giáo viên nghỉ hưu ở làng, trước đây khi làm kè chống sạt lở ven sông, nhà thầu vô ý lấp bến Miếu Vua cùng với bến Chùa và bến Lò. Dân làng phản đối, buộc bên thi công phải mở lại 3 bến nước gắn với văn hóa làng quê bên sông Ô Lâu này.
Với điểm nhấn nhà rường và bến nước, Lễ hội “Hương xưa nhà cổ” ở Phước Tích đã góp một nét cọ văn hóa dân gian kỳ thú vào bức tranh chung của Festival Huế 2016 vừa qua.
VĂN THÀNH LÊ (Báo Quảng Nam)