-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Một khung cảnh hoang sơ, bốn bề sông nước, nơi những con đường làng rợp bóng dừa xanh cùng nhịp sống bình lặng của người dân quê luôn gợi lên những ấn tượng với khách mỗi khi về Tam Hải.
Chèo thúng ra khơi đánh cá buổi chiều.Ảnh: GIA KHANG |
Gọi là xã đảo nhưng Tam Hải (Núi Thành) cách đất liền không xa, đi ghe hay phà ít phút đã đến. Đứng tại bến phà Tam Hải - Tam Quang (hay cầu chữ T Tam Quang) nhìn sang đảo vẫn thấy rõ mồn một những con thuyền của ngư dân neo đậu dưới hàng dừa nghiêng ngả chạy dài tít tắp. Khám phá đảo luôn mang đến cho khách cảm nhận về khung cảnh bình yên của một làng quê ven biển, đặc thù. Những ngày mùa hè về đảo, điều hấp dẫn khách nhất chính là theo chân các ngư dân ra biển thả lưới đánh bắt cá chuồn ban đêm. Từ 5 giờ chiều, bãi Nồm đã trở nên chộn rộn, người khiêng lưới, kẻ chèo thúng; tiếng cười nói, í ới gọi nhau lao xao cả một vùng. Và khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc những con thuyền dập dềnh rời bến ra khơi. Mặt biển lúc này đã ngả màu tím thẫm, huyền ảo với những ánh đèn đỏ xanh làm dấu lưới thả như những ánh sao sa lấp lánh loang dài mặt biển.
Tôi có may mắn được tham gia chuyến đi này. Cảm giác đầy ấn tượng và thích thú. Thích thú ngay từ lúc đặt chân lên thúng rái để các ngư dân chèo đưa ra thuyền đậu ngoài xa. Ngồi trên sàn thuyền xem thả lưới, ngắm nhìn trời biển về đêm giữa bốn bề lộng gió nghe những câu chuyện về luồng cá, về nghề biển, chợt thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Sau chừng một giờ thả bủa, những tấm lưới được thu về. Cảm giác vô cùng phấn khích khi mỗi tay lưới kéo lên là những chú cá giãy giụa phơi mình lấp lánh dưới ánh đèn rọi trên thuyền. Từ cá nhói mỏ nhọn thân dài đến cá nhồng, cá trích, cá sơn, ghẹ… vùng vẫy, nhưng nhiều nhất vẫn là cá chuồn và cá giỏi (thường xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 6). Tuy nhiên, điều khiến nhiều khách thích thú nhất chính là được thưởng thức các món ăn chế biến từ cá giữa biển khơi khi vừa bắt lên như cháo cá chuồn tươi rói hoặc tự tay nướng những chú cá giỏi vẫn còn cựa quậy trên bếp lửa than hồng. Có lẽ vì thế mà tour bắt cá cùng ngư dân luôn có sức hấp dẫn với du khách khi “phượt” đến mảnh đất này.
Đi chơi Tam Hải ngoài theo thuyền ra biển bắt cá cùng ngư dân, khách cũng có thể thuê ghe chở vòng quanh đảo xem nuôi ngao, ngắm nhìn cảnh vật hai bên bờ và những chòi canh đơn độc cùng những con thuyền xuôi ngược trên sông. Còn muốn trải nghiệm những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân khách có thể đi xe máy, xe đạp hoặc đi bộ tham quan nghề đan lưới, làm nước mắm, thăm mộ cá Ông…
Khắp làng đâu cũng phủ kín bóng dừa và tán cây xanh rợp mát. Dường như hàng bao đời nay, phong cảnh nơi đây chưa hề thay đổi và luôn được các thế hệ người dân gìn giữ nguyên vẹn. Du lịch Tam Hải không thể không nhắc đến Bàn Than, một thắng cảnh nổi tiếng được tạo lập với những mỏm đá đen lấp lánh. Trải qua thời gian và sự xâm thực của sóng biển đã kiến tạo nên những hang hốc kỳ lạ tựa tác phẩm điêu khắc giữa đất trời. Ngoài ra, có thể kể tới 2 hòn đảo nhỏ có phong cảnh rất hữu tình là hòn Mang và hòn Dứa. Hầu hết đều khá hoang vu và được bao bọc bởi những ghềnh đá dựng đứng, sóng đánh ầm ào cùng dải cát dài mịn màng thích hợp cho các hoạt động sinh hoạt nhóm nhỏ và gia đình. Tại đây, khách có thể câu cá, lặn ngắm san hô, nấu ăn, cắm trại, trải nghiệm cảm giác sinh tồn trên hoang đảo và chứng kiến thời khắc giao thoa của đất trời mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Lúc này đứng trên những ghềnh đá thả tầm mắt về phía đường chân trời là một vùng nước bao la như được dát vàng bởi ánh mặt trời hắt xuống mặt biển càng tô điểm thêm lên nét lãng mạn cho vùng đất này.
Với vị trí đặc thù bởi một mặt giáp biển, ba mặt giáp sông nên Tam Hải được ví như nàng tiên cá ngủ say; là hòn ngọc quý ẩn mình chưa được mài giũa. Dù có so sánh thế nào thì cũng không hề quá với hòn đảo này. Tam Hải luôn lãng mạn, hoang sơ, lôi cuốn và người dân thì mộc mạc, hiền hòa. Có lẽ vì vậy mà dù hạ tầng dịch vụ trên đảo còn khá thiếu thốn nhưng điều đó vẫn không cản bước du khách tìm về, nhất là các “phượt thủ”.
GIA KHANG (Báo Quảng Nam)