CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:18/10/2024

Đại Lộc phòng chống khô hạn

Thời điểm này, mực nước trên lưu vực sông Vu Gia giảm mạnh, nhiều hồ đập trên địa bàn huyện Đại Lộc bị bồi lấp, khô cạn. Để chủ động nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong huyện đang ra sức nạo vét, khơi thông lòng hồ đập, kênh mương, các trạm bơm…

Chỉ đạo sát sao

Vụ đông xuân năm nay, Đại Lộc tổ chức sản xuất hơn 4.800ha lúa nước. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cùng với sự tích nước, xả với lưu lượng rất thấp của các thủy điện, mực nước về sông Vu Gia xuống thấp, tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Bên cạnh đó, các hồ chứa trên địa bàn Đại Lộc phần lớn là hồ chứa nhỏ, có dung tích dưới 1 triệu mét khối, mỗi công trình chỉ đảm bảo tưới cho 80ha trở lại, do vậy trong năm chỉ phục vụ nước tưới đảm bảo cho vụ đông xuân, còn vụ hè thu nhiều diện tích sẽ thiếu nước nếu không có mưa tiểu mãn. Hai công trình thủy lợi hồ Khe Tân và trạm bơm Ái Nghĩa vốn cung cấp nước tưới cho hàng nghìn héc ta lúa trên địa bàn huyện, song hiện mực nước tại lòng hồ thủy lợi Khe Tân xuống rất thấp, còn trạm bơm Ái Nghĩa bị dòng chảy sông Vu Gia làm bồi lấp khoảng 45.000m3 cát ngay trước khu vực cửa lấy nước, ảnh hưởng tới việc cung ứng nước tưới cho sản xuất, khiến địa phương phải vất vả khơi thông. Trước tình trạng khô hạn diễn ra như hiện nay, dự kiến sẽ có khoảng 300ha lúa hè thu sẽ bị thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Thi công công trình kênh mương nội đồng tại Ái Nghĩa. Ảnh: NHẬT DUY
Thi công công trình kênh mương nội đồng tại Ái Nghĩa. Ảnh: NHẬT DUY

Để ứng phó với khô hạn trên diện rộng, Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc đã lập kế hoạch phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra thực tế tình hình, diễn biến của khô hạn; dự báo nguồn nước tưới và nước sinh hoạt; kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc gia về quy trình quản lý, vận hành công trình thủy lợi, dự trù biện pháp phòng khô hạn. Theo ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, mùa khô năm nay dự kiến khô hạn sẽ diễn ra gay gắt và trầm trọng hơn mọi năm. Phòng NN&PTNT huyện đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch nạo vét kênh mương, hồ đập, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi do địa phương quản lý, phát động và tổ chức cho nhân dân làm thủy lợi nội đồng trước khi bước vào sản xuất, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình hạn hán và biện pháp chung tay ứng phó.

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, đến thời điểm này, huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án chống hạn phù hợp. Hệ thống trạm bơm dợi, trạm bơm dã chiến được huy động hỗ trợ đưa nước từ sông vào các hồ chứa, kênh mương nội đồng. Nhiều địa phương tổ chức đóng đập bổi chắn nước lại, dùng bơm dợi nước vào hệ thống kênh mương, trạm bơm, hồ đập phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, công tác chống hạn gặp khó khăn do một số công trình hồ đập ở Đại Lộc đã bị xuống cấp, bồi lấp, lắng đọng, cần phải khơi thông, nạo vét và gia cố với nguồn kinh phí lớn. Có thể kể đến hồ Cây Xoay ở Đại Hồng, năm trước huyện đã hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để nạo vét, nay lại tiếp tục bị bồi lắng, cần phải nạo vét tiếp. Hay như đập Cửu Kiến, vốn có dung tích chứa lớn, có thể tưới cho 2 - 3 vụ, nhưng nay hệ thống đập tràn của đập Cửu Kiến đã xuống cấp, mực nước chứa còn lại trong hồ không đảm bảo tưới tiêu…

Cật lực chống hạn

Tại xã Đại Đồng, các trạm bơm Lam Phụng, Cầu Phao, Hà Thanh đang trong tình trạng bồi lấp tuyến kênh dẫn nước từ sông Vu Gia vào bể hút, gây ảnh hưởng đến hàng trăm héc ta lúa đang thời kỳ trổ. Ông Đặng Ngọc Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết, để đưa nước vào đồng ruộng cung cấp cho 352ha lúa, địa phương phải nạo vét cát đưa nước sông vào trạm bơm, có khi phải vét sâu gần 2m mới có thể đưa nước vào. Với nỗ lực trên, chỉ có thể duy trì cho vụ đông xuân, còn vụ hè thu sắp tới, khả năng thiếu nước tưới rất cao. Cũng theo ông Phú, để ứng phó với khô hạn, ngay từ vụ đông xuân, địa phương đã triển khai các mô hình sản xuất tiết kiệm nước đến nhân dân nhằm giảm thiểu lượng nước tưới, kết hợp với đào thêm giếng để bổ sung nước cho các diện tích này. Ngành nông nghiệp xã cũng vận động nhân dân ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, đắp bờ vùng bờ thửa, tận dụng tối đa lượng nước tiêu từ các công trình thủy lợi cũng như nguồn nước ao hồ, sông suối để chống hạn. “Địa phương cũng lên kế hoạch nạo vét kênh dẫn và bể hút tại các trạm bơm Hà Thanh để chống hạn cho 50ha lúa hè thu. Các chân ruộng cao, xa, cuối kênh thường xuyên bị thiếu nước vụ hè thu như cánh đồng Tây, đồng Môn, Rộc Giếng đội 1, đội 3, thôn Lâm Tây cũng sẽ được chuyển đổi sang gieo trồng cây trồng cạn” - ông Phú nói.

Ông Trương Cảm - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Ái Nghĩa cho biết, vụ đông xuân, toàn thị trấn tổ chức sản xuất 332ha lúa nước, HTX huy động mọi phương án, huy động máy bơm, tăng cường ống hút, tiến hành nạo vét sâu hồ đập, kênh dẫn nước nhằm đảm bảo nước tưới cho cây lúa ở thời kỳ đòng trổ và chủ yếu là chống hạn cho vụ hè thu sắp tới. HTX đã huy động nguồn lực, phương tiện nạo vét khối lượng cát bồi lấp ở trạm bơm Ái Nghĩa nhằm đảm bảo cho trạm bơm này hoạt động ổn định, chủ động cung ứng nguồn nước tưới cho diện tích lúa của thị trấn Ái Nghĩa và vùng lân cận. Tại trạm bơm điện Hòa Đông và khu 5 của thị trấn, HTX cũng tiến hành nạo vét kênh mương, bể hút với khối lượng trên 500m3. Cùng với đó, HTX chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm tưới chống hạn, mua mới 14 giả khảo chắn nước kênh tiêu ở các khu 1, 2, 3 chốt giữ nước trên các trục kênh tiêu, kênh nội đồng. Mở rộng diện tích hồ chứa Tây An bằng cách đào vét thêm 880m3 đất cát. “Chỉ lo ngại vụ hè thu, nhất là 40ha lúa của khu Hòa An do các hồ đập khu vực Hòa An bị cạn. HTX đã làm tờ trình gửi UBND thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc và tỉnh để xin kinh phí xây dựng đập chống hạn và trạm bơm chống hạn, giải quyết vấn đề nước tưới cho những cánh đồng khu vực này” - ông Cảm nói.

TRIÊU NHAN - NHẬT DUY (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất