CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:08/09/2024

Đại Lộc - triển vọng từ chương trình “mỗi xã một sản phẩm”

          OCOP là chương trình kinh tế có giá trị xã hội và nhân văn sâu sắc nhằm phát triển sinh kế, đời sống và việc làm cho nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững và phát huy, bảo tồn các bản sắc văn hóa địa phương. Chính vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai rộng rãi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Mục tiêu đặt ra là tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên những sản phẩm bản địa, có lợi thế cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài huyện. Mỗi địa phương đều có cách làm thiết thực, hiệu quả để nâng tầm sản phẩm hàng hóa, tạo dấu ấn trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Sản phẩm bánh tráng Đại Lộc

          Làm bánh tráng là nghề thủ công truyền thống của Đại Lộc từ bao đời nay. Bánh tráng có có mùi vị thơm ngon, dẻo và được rất nhiều người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, lâu nay nghề làm bánh tráng ở Đại Lộc chủ yếu là sản xuất tự phát, chưa xây dựng được thương hiệu riêng để cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều loại bánh tráng kém chất lượng trà trộn với bánh tráng Đại Lộc bán tràn lan trên thị trường, làm mất uy tín sản phẩm của địa phương, giảm lòng tin của người tiêu dùng,.. Chính vì vậy, huyện Đại Lộc đã chọn sản phẩm bánh tráng của Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa để xây dựng thương hiệu và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Năm 2018, toàn tỉnh có 26 sản phẩm được UBND tỉnh quyết định công nhận sản phẩm OCOP, trong đó bánh tráng Đại Lộc được đánh giá, xếp hạng 4 sao cấp tỉnh. Đây không chỉ là niềm vui lớn đối với chủ thể là Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa mà nó còn có ý nghĩa nâng tầm cho sản phẩm lợi thế của địa phương trên thị trường. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hồ Ngọc Mẫn, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hội đồng đánh giá chương trình OCOP của tỉnh đã công nhận Bánh tráng Đại Lộc đạt 4 sao. Sau khi công nhận, chất lượng Bánh tráng được nâng lên, bà con nhân dân sẽ chú tâm vào xây dựng thương hiệu để  mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu nhập của người dân chắc chắn được cải thiện đáng kể.

          Huyện Đại Lộc hiện có nhiều sản phẩm thế mạnh, thuộc 3 nhóm: Thực phẩm, dược liệu và nhóm chế biến. Căn cứ vào thế mạnh của mỗi địa phương, huyện đã có kế hoạch cụ thể để khuyến khích người dân tích cực tham gia sản xuất và quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, để phát triển các sản phẩm OCOP, huyện Đại Lộc tập trung vào hai nhiệm vụ chính: Thứ nhất là ưu tiên hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đã có, thứ hai là nghiên cứu xây dựng các sản phẩm mới.

          Năm 2019, huyện Đại Lộc tiếp tục hỗ trợ các HTX phát triển mạnh các sản phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường đó là: Nấm Sò của HTX Tân Phú Quý (xã Đại Hiệp); Gạo an toàn Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa) và Hương trầm Kỳ Nam (xã Đại Đồng). Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Ngọc Mẫn cho biết thêm: Năm nay, Đại Lộc gửi 9 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, được UBND tỉnh chấm chọn 3 sản phẩm để lập dự án, xây dựng thương hiệu. Ngoài 3 sản phẩm này, UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp-PTNT phối hợp với các xã, thị trấn rà xoát, tổng hợp tất cả các ý tưởng đề xuất của chủ cơ sở để đăng ký các sản phẩm chương trình OCOP. Nếu chương trình được triển khai tốt sẽ rất thiết thực, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thêm vào đó, chương trình sẽ thổi một luồng gió mới giúp các xã của huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM từ việc nâng cao tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

          Rõ ràng, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở huyện Đại Lộc không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp các xã trên địa bàn huyện giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng, lan tỏa thương hiệu địa phương, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

                                                                                                           X.Trinh

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất