CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Hợp tác xã Ái Nghĩa (Đại Lộc): Năng động với thị trường

Bốn năm chuyển sang cơ chế thị trường theo Luật Hợp tác xã (HTX) mới, đối mặt gian nan thử thách tưởng chừng khó vực dậy được, song nhờ sự năng nổ, dám nghĩ dám làm và tạo được niềm tin với nông dân, HTX Ái Nghĩa đã có những thành quả đáng ghi nhận.

Tạo niềm tin cho xã viên

Được thành lập từ năm 1978, HTX Ái Nghĩa từng bao bận thăng trầm. Đặc biệt là năm 2012, Luật HTX mới ra đời, cùng với việc chuyển đổi hẳn cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường đối với loại hình kinh tế hợp tác, HTX Ái Nghĩa đứng trên bờ vực giải thể. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều ngưng trệ vì không có vốn. Xã viên đã quen với tư tưởng trông chờ, ỷ lại của thời kỳ bao cấp, không tham gia cổ phần, thậm chí có tư tưởng chiếm dụng vốn của HTX. “Thời điểm năm 2012, nông dân thiếu nợ HTX tới 500 tấn lúa, các khoản nợ đọng khác rất nhiều. Sự tín nhiệm của xã viên dành cho HTX hầu như không có… Song, nhờ vận dụng linh hoạt cơ chế thông thoáng của Luật HTX mới là cho phép kinh doanh trên tất cả lĩnh vực theo pháp luật và khuyến khích loại hình kinh tế hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa HTX và xã viên mà HTX đã từng bước vượt khó và để có như ngày hôm nay” - ông Trương Cảm, Chủ tịch HĐQT HTX Ái Nghĩa chia sẻ.

HTX Ái Nghĩa chú trọng đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: H.LIÊN
HTX Ái Nghĩa chú trọng đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: H.LIÊN

Động lực để HTX Ái Nghĩa vực dậy chính là việc liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất lúa giống, bên cạnh đa dạng hóa loại hình dịch vụ khác từ làm đất, thu hoạch, cung ứng phân bón, thủy lợi, sấy nông sản… Ban đầu, để vận động nông dân tin và làm theo không dễ, HTX phải “áp đặt” xã viên làm lúa giống với diện tích 20 - 30ha. Khi thấy có hiệu quả, quyền lợi được đảm bảo, xã viên mới tin tưởng, hưởng ứng. Phát huy thế mạnh của một vùng sản xuất lúa cao sản Đại Phước từng được cả nước biết đến, nông dân Ái Nghĩa đã có được những vụ mùa bội thu trên cánh đồng sản xuất giống chuyên canh.

HTX hiện đảm trách tới 13 dịch vụ, các chỉ tiêu mua vào, bán ra phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước, lợi nhuận hàng năm rất cao. Trong khi sản xuất lúa lai là lĩnh vực đầy rủi ro, không nhiều HTX dám đương đầu thì HTX Ái Nghĩa từng bước mở rộng, quy hoạch vùng sản xuất lên tới 150 - 200ha, liên kết với 5 công ty sản xuất lúa giống. HTX còn liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần với xã viên và doanh nghiệp trên tổng diện tích 100ha/vụ. Nông dân, xã viên khi hợp tác với HTX lâu nay không phải bỏ tiền ra đầu tư giống, phân bón, dịch vụ làm đất, thủy lợi, thu hoạch, sấy, mà chỉ tốn công thâm canh cây lúa trên đồng ruộng. Đầu vào không lo, đầu ra đã có doanh nghiệp bao tiêu nên nhà nông cũng khá yên tâm canh tác. HTX còn bao tiêu lúa thương phẩm cho nông dân, tránh bị tư thương chèn ép giá vào mỗi vụ thu hoạch với mức thu mua hàng trăm tấn mỗi năm tại đồng ruộng, đưa về sấy bảo quản. Nhờ đó, HTX dần lấy lại niềm tin với xã viên, nhiều xã viên đã dần trả nợ cũ để HTX có vốn tiếp tục đầu tư, mở rộng dịch vụ sản xuất, kinh doanh.

Áp dụng tiến bộ khoa học

Theo ông Trương Cảm - Chủ tịch HĐQT HTX Ái Nghĩa, trong sản xuất, kinh doanh, “chữ tín” là hết sức quan trọng. Khi nông dân, xã viên tín nhiệm thì mới có thể đồng hành, hợp tác tốt được. Chính vì lẽ đó, những khi đối diện rủi ro thiên tai, thời tiết, những diện tích giống lúa thuần không đảm bảo, dù doanh nghiệp không thu mua thì HTX vẫn bỏ tiền ra để bù lỗ cho dân và thu mua lúa đó tạo gạo ăn thương phẩm. Đó là một hình thức giữ uy tín với xã viên của HTX.

HTX Ái Nghĩa là đơn vị rất chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng giá trị sản phẩm. Trải qua nhiều năm điều hành, liên kết, tổ chức sản xuất hạt giống F1, trình độ của đội ngũ kỹ thuật của HTX tăng lên rõ rệt. Nông dân, xã viên được chuyển giao các tiến bộ, giống mới từ các doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn. Nếu trước, độ an toàn về sản xuất hạt giống F1 chỉ đạt 70%, thì nay độ an toàn đã nâng lên 80%, còn 20% là độ rủi ro, mất an toàn chủ yếu do yếu tố thời tiết. Song, để hạn chế thấp nhất khả năng mất mùa do thiên tai, thời tiết, đội ngũ kỹ thuật của HTX và doanh nghiệp liên kết liên tục bám đồng, hỗ trợ sát sao xã viên và nông dân.

HTX Ái Nghĩa đang đẩy mạnh hợp tác với Tổ chức Hà Lan (Agriterra) để xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm gạo an toàn. Tổ chức này cam kết hỗ trợ HTX 2.000 euro để tập huấn Luật HTX đến xã viên, đồng thời cam kết hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chiến lược marketing sản phẩm, tạo dựng thương hiệu gạo an toàn. “Ngoài việc thuê tổ chức tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chúng tôi còn hướng tới quy hoạch vùng sản xuất gạo an toàn. Có thể năng suất trên cùng một đơn vị diện tích sẽ giảm, song nếu giá trị tăng lên thì nông dân sẽ vẫn có lợi. Vấn đề là tìm đầu ra cho sản phẩm. HTX đang đi những bước chập chững, có thể sẽ phải bù lỗ ban đầu, nhưng khi người dân tin tưởng thì họ sẽ ủng hộ sản phẩm. Chúng tôi đang tuyên truyền nông dân, xã viên hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ sâu gây hại, chuyển từ sử dụng phân bón vô cơ sang hữu cơ, sử dụng thuốc diệt cỏ sinh học, tạo sản phẩm an toàn...” - ông Cảm nói.

Để có bước tiến xa hơn nữa, theo ông Trương Cảm, HTX khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật,  đưa cơ giới hóa vào nâng giá trị sản xuất. Việc tuyên truyền Luật HTX đến xã viên cũng sẽ giúp cho xã viên hiểu và chủ động hơn trong quan hệ hợp tác sản xuất theo hướng là những đối tác, bình đẳng, hai bên cùng có lợi…

HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất