-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-21
Hôm nay:22/11/2024
Sáng nay 25.8, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Đại Lộc về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng dự có Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5 (ĐBQH khóa XIV, đơn vị Quảng Nam) và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng.
Đồng chí Phan Thái Bình chủ trì cuộc giám sát tại huyện Đại Lộc sáng nay 25.8. Ảnh: VĂN SỰ |
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, nhờ nỗ lực triển khai thực hiện nên đến năm 2013 toàn bộ 17 xã trên địa bàn đã hoàn thành công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Thời gian qua, tất cả các xã đã tiến hành công bố quy hoạch cho cán bộ, nhân dân biết và tổ chức cắm mốc, quản lý quy hoạch khá bài bản. Theo ông Mẫn, giai đoạn 2010 - 2015, bằng nhiều nguồn vốn huy động Đại Lộc đã đầu tư hơn 435,4 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia này. Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp 233,6 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 137,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp và huy động từ các nguồn hợp pháp khác gần 65 tỷ đồng.
Nhiều mô hình trồng chuối lùn chuyên canh ở xã Đại Hiệp cho giá trị 170 - 200 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: VĂN SỰ |
Ông Mẫn nói: “Với số tiền vừa nêu, 5 năm qua bên cạnh việc tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình nông - lâm - thủy sản kết hợp thì chúng tôi dành phần lớn kinh phí để đầu tư thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, giao thông nội đồng, nước sinh hoạt… Nhờ vậy, diện mạo nông thôn ở nhiều nơi đã thực sự khởi sắc”.
Theo tìm hiểu, tính đến thời điểm này số tiêu chí đạt chuẩn bình quân trên một xã của Đại Lộc là 13,65 tiêu chí, trong 2 năm 2014 - 2015 toàn huyện đã có 6 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM gồm Đại Hiệp, Đại An, Đại Cường, Đại Phong, Đại Hồng, Đại Minh. Hiện nay, 11 xã còn lại đạt từ 5 - 16 tiêu chí…
Nhờ chú trọng công tác đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn ở Đại Lộc có việc làm thường xuyên. Ảnh: VĂN SỰ |
Cùng với việc dốc sức xây dựng NTM, thời gian qua huyện Đại Lộc cũng dành nhiều nguồn lực cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg (ngày 10.6.2013) của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2277/QĐ-UBND (ngày 20.8.2013) của UBND tỉnh.
Ông Hồ Ngọc Mẫn cho hay, nhờ tập trung triển khai hàng loạt giải pháp, nhất là chú trọng xây dựng hạ tầng thủy lợi, đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học - công nghệ và tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi nên trong 3 năm gần đây lĩnh vực nông nghiệp của Đại Lộc đã bứt phá mạnh mẽ. Theo đó, từ năm 2013 - 2015, giá trị sản xuất toàn ngành tăng trưởng bình quân 4,58%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất trong nội bộ ngành hiện nay là trồng trọt 60% - chăn nuôi 35% - lâm nghiệp 5%. Theo ông Mẫn, nhờ kinh tế chuyển biến rõ nét nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 19,41% năm 2010 xuống còn 5,82% vào cuối năm 2015…
Toàn huyện đã hình thành được hàng loạt cánh đồng chuyên sản xuất giống lúa hàng hóa, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: VĂN SỰ |
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo huyện Đại Lộc thừa nhận rằng, tuy đã đạt được nhiều thành quả hết sức quan trọng nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương trong những năm qua vẫn còn bộc lộ không ít khó khăn, trở lực. Cụ thể là, vai trò chủ thể của người dân chưa được phát huy tối đa, chính quyền một số nơi còn tư tưởng trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên và chưa tập trung chỉ đạo sâu sát. Trên một vài lĩnh vực, công tác tuyên truyền, vận động chưa được triển khai một cách thường xuyên nên không mang lại hiệu quả cao. Điều đáng nói là, trong quá trình thực hiện các nội dung xây dựng NTM, phần lớn chủ yếu ưu tiên cho việc thi công cơ sở hạ tầng thiết yếu nhưng không quan tâm đúng mức đến vấn đề hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập cho cư dân nông thôn và phát triển văn hóa, cải thiện môi trường… nên chưa tạo được những chuyển biến tích cực.
VĂN SỰ (Báo Quảng Nam)