CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Xây dựng nông thôn mới ở Đại Lộc: Nỗ lực chặng đường mới

Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đại Lộc qua 5 năm đã tạo nên bức tranh nông thôn khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Đến nay, huyện Đại Lộc có 6 xã đạt 19/19 tiêu chí gồm Đại Hiệp, Đại An, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong và Đại Hồng. Một số xã khác như Đại Hòa, Đại Nghĩa, Đại Quang và Đại Thắng cũng đã hoàn thành 14 - 16 tiêu chí. Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, kết quả đó phản ánh sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Bởi lẽ, chỉ trong vòng 5 năm, bên cạnh tập trung xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa, hệ thống cơ sở giáo dục… thì bài toán phát triển kinh tế - xã hội cũng là áp lực hết sức nặng nề như nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Chính công tác tuyên truyền, vận động là mấu chốt của sự thành công, tạo sự đồng thuận để cùng chung tay xây dựng NTM. Việc phát huy vai trò của chủ thể NTM theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã giúp cho người dân hiểu rõ chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, tự nguyện hiến đất, hiến ngày công, hiến kế xây dựng NTM. Thêm vào đó, vai trò của người lãnh đạo không ngừng được phát huy, trưởng thành qua công cuộc xây dựng NTM. Thực tế chứng minh, nơi nào cán bộ có năng lực, am hiểu việc, nhiệt huyết thì phong trào phát triển mạnh mẽ, lan tỏa trong cộng đồng.

Trường Tiểu học Lê Thị Xuyến, ngôi trường đạt chuẩn nhiều năm liền của xã Đại Hòa.Ảnh: HOÀNG LIÊN
Trường Tiểu học Lê Thị Xuyến, ngôi trường đạt chuẩn nhiều năm liền của xã Đại Hòa.Ảnh: HOÀNG LIÊN

Đại Hồng - xã miền núi của huyện, về đích năm 2015 là một trong những “điểm sáng” xây dựng NTM. Bà Nguyễn Thị Lạc - Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho hay: “Nhờ chú trọng huy động nguồn lực tại chỗ, Đại Hồng đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong xây dựng NTM. Việc huy động nguồn lực xây dựng NTM được thực hiện đa dạng theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng khu dân cư là quyết định, sự hỗ trợ từ Nhà nước là cần thiết. Cũng nhờ luôn sâu sát, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, suy nghĩ lệch lạc trong nhân dân nên mới hoàn thành được khối lượng công việc đề ra”. Thôn Quảng Đại 2 (xã Đại Cường) được đánh giá là thôn điển hình trong phong trào xây dựng NTM của xã Đại Cường. Trưởng thôn Quảng Đại 2, ông Lê Phước Ba chia sẻ: “Năm năm qua, người dân Quảng Đại 2 đã tham gia tích cực, từ việc thảo luận, bàn bạc, đi đến thống nhất trước khi thực hiện, kiểm tra, giám sát xây dựng NTM. Quảng Đại 2 là thôn đầu tiên của xã về đích trước 1 năm so với các thôn còn lại. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm còn 2,3% là thực tế phấn khởi”.

Đại Hòa nỗ lực về đích

Qua 5 năm xây dựng NTM, nhiều địa phương ở Đại Lộc được cấp trên khen thưởng. Cụ thể, xã Đại Hiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen kèm theo tiền thưởng công trình phúc lợi trị giá 1 tỷ đồng; 5 xã Đại Hiệp, Đại Cường, Đại Hồng, Đại An và Đại Minh được UBND tỉnh tặng cờ thi đua và thưởng công trình phúc lợi 300 - 500 triệu đồng. Nhiều lượt tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen…

Theo mục tiêu đặt ra, xã Đại Hòa sẽ cán đích NTM trong năm 2016. Hiện địa phương này đã hoàn thành 16/19 tiêu chí, 3 tiêu chí còn lại là giao thông, thủy lợi và  cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa. Theo bà Nguyễn Thị Thuận - Chủ tịch UBND xã Đại Hòa, về tiêu chí giao thông, xã còn 500m giao thông nông thôn và 8km giao thông nội đồng cần được đầu tư; về tiêu chí thủy lợi, còn gần 8km. Với tiêu chí thiết chế văn hóa, khối lượng công việc còn lại rất lớn, bao gồm xây dựng nhà văn hóa xã, khu thể thao xã, 9 nhà văn hóa thôn. “Kế hoạch, lộ trình cụ thể đã có, chỉ chờ vốn của tỉnh và huyện cấp xuống là sẽ bắt tay vào việc ngay. Tuy nhiên, địa phương không thụ động, cái nào có thể triển khai trong khả năng của mình,  chúng tôi vẫn xúc tiến. Ban chỉ đạo đã họp tại 53/53 tổ đoàn kết, phổ biến chủ trương, chính sách để bà con nắm bắt. Người dân cơ bản đồng thuận. Để có thể kịp tiến độ, xã linh hoạt, chủ động huy động nguồn vốn đối ứng trong dân và nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ xây dựng nhà văn hóa thôn, khu thể thao thôn. Nguồn vốn đối ứng trong dân có thể thu trên đầu sào, thu trên đầu hộ, có thể thu một đợt hoặc nhiều đợt, tùy vào điều kiện của người dân. Hiện hai thôn đã thu được nguồn vốn đối ứng trong dân, các thôn còn lại đang triển khai để có nguồn bắt tay vào việc” - bà Thuận nói.

Cũng theo bà Thuận, để thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, địa phương tích cực vận động các doanh nghiệp, tổ chức để có nguồn kinh phí triển khai bước đầu. Bên cạnh tập trung xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, Đại Hòa còn quyết liệt thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân. Địa phương khuyến khích phát triển các mô hình trồng chuối liên vườn, cải tạo vườn tạp trồng rau xanh, phát triển nghề sản xuất bánh tráng, gia công lưới xuất khẩu, chế biến tôm cá xuất khẩu, hình thành các đội thợ mộc, thợ nề làm dịch vụ, mô hình nuôi cá nước ngọt… góp phần tăng thu nhập cho người dân. Khâu liên kết sản xuất lúa giống được đẩy mạnh với quy mô hơn 100ha mỗi năm, góp phần tăng giá trị, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở Đại Hòa đạt 23,65 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,11% (theo chuẩn nghèo mới). Địa phương xác định mũi nhọn kinh tế là phát triển thương mại - dịch vụ - nông nghiệp. Khi dự án cầu Giao Thủy hoàn thành sẽ tạo cơ hội cho việc thông thương, phát triển các hoạt động thương mại - dịch vụ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho Đại Hòa trong công cuộc xây dựng NTM.

HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất