-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:22/11/2024
Tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng tập trung, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh là mục tiêu huyện Đại Lộc hướng tới.
Đại Lộc hiện có 112 gia trại và 16 trang trại gia súc, gia cầm. Trong số 112 gia trại, có 15 gia trại chăn nuôi bò lai lấy thịt quy mô 15 - 30 con/trại; 11 gia trại chuyên sản xuất heo giống và heo thịt quy mô 200 - 300 con xuất chuồng/năm; 86 gia trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Toàn huyện có 13 trong 16 trang trại chăn nuôi gia cầm, 3 trang trại chăn nuôi heo thịt có giá trị xuất khẩu hàng hóa hơn 1,6 tỷ đồng/năm. Hiện, khu chăn nuôi tập trung được huyện quy hoạch rộng 790,3 ha.
Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh là mục tiêu Đại Lộc hướng tới. Ảnh: H.L |
Tại 5 xã hình thành 7 khu chăn nuôi tập trung trên diện tích 436ha, trong đó xã Đại Sơn có 3 khu, 4 khu còn lại phân bố ở Đại Nghĩa, Đại Đồng, Đại Quang và Đại Hồng. Theo ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, thời gian qua, Phòng NN&PTNT huyện cùng với Trạm chăn nuôi thú y huyện phối hợp với UBND các xã/thị trấn rà soát lại các quy hoạch khu chăn nuôi tập trung và những địa điểm không nằm trong quy hoạch nhưng phù hợp phát triển chăn nuôi nhằm giúp UBND các xã/thị trấn có hướng điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhìn nhận, cái khó trong quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung chủ yếu là vướng đất quy hoạch công nghiệp. Dù Công ty Hải Thành Công từng có hướng đầu tư nuôi bò cao sản với quy mô 1.200 con, song khi khảo sát thì lại vướng đất quy hoạch công nghiệp nên phải dừng dự án. Huyện có hướng thu hút một đơn vị đầu tư vùng trồng dâu nuôi tằm trên diện tích 20 ha thuộc các thôn Đông Phú, Tích Phú song lại vướng đất quy hoạch công nghiệp, dù cụm công nghiệp Đông Phú, Tích Phú nhiều năm nay quy hoạch “treo”. “Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện chuyển đổi mục đích đất đối với cả trăm héc ta này, quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút các dự án, trang trại chăn nuôi vào đầu tư” - ông Mẫn nói. Năm 2017, Đại Lộc chủ trương phấn đấu đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt hơn 36% trong cơ cấu ngành nông nghiệp (kể cả thủy sản), nâng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt hơn 1.255,7 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2016. Huyện phấn đấu nâng tổng đàn trâu toàn huyện đạt 5.100 con, bò 19.500 con, heo 62.000 con, gia cầm 760.000 con trong năm 2017. Tuy nhiên, công tác duy trì và phát triển số lượng lẫn chất lượng tổng đàn cũng đứng trước nhiều khó khăn. Đặc biệt là 2 năm trở lại đây, tình hình dịch cúm trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Những rủi ro, thách thức trong ngành chăn nuôi cũng rất lớn, trong khi công tác tiêm phòng vắc xin trên đàn vật nuôi tại nhiều địa phương chưa đạt vì nhiều nguyên nhân. Các lò giết mổ tập trung chưa đạt yêu cầu…
Hiện, Đại Lộc chỉ có lò giết mổ tập trung của thị trấn Ái Nghĩa là hoạt động tương đối tốt, còn lại, lò giết mổ tập trung của xã Đại Lãnh trị giá 400 - 500 triệu đồng từ khi xây dựng tới nay không hoạt động, khu giết mổ của xã Đại Thắng cơ sở vật chất ọp ẹp. “Từ năm 2017 trở đi phải chấm dứt việc giết mổ tại nhà. UBND huyện sẽ có hướng chỉ đạo cụ thể cho UBND các xã giải quyết lò giết mổ tập trung hoạt động không hiệu quả. Sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê mặt bằng để xây dựng khu giết mổ tập trung sạch bệnh, đáp ứng tốt vấn đề về môi trường. Giao cho HTX làm phương án cho chủ doanh nghiệp hay tư nhân vào đây, hoặc cho chủ lò (một nhóm hộ) có vốn đứng ra thu mua, giết mổ, bán sản phẩm thịt lại cho các thương lái nhỏ” - ông Mẫn nói
HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)