Hôm nay:05/12/2024
Có câu “Nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều”- đó là câu ca truyền miệng quen thuộc của giới buôn trống khi nói về chất lượng và vị thế nghề trống Lâm Yên hơn đã tồn tại hơn 200 năm tuổi ở thôn Ấp Nam, xã Đại Minh. Thế nhưng, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nét độc đáo của làng nghề truyền thống vẫn được những thế hệ con cháu của làng gìn giữ và lưu truyền như muốn níu giữ một chút gì có của tổ tiên. Tuy nhiên, hiện nay với xu thế hội nhập thi trường, chạy theo giá cả trống Lâm Yên gần như đứng trước nguy cơ bị mai một, không còn giữ được vị thế nổi tiếng cả nước vốn có như ngày nào.
Theo con cháu họ Phan tại thôn Ấp Nam, xã Đại Minh cho biết làng nghề làm trống Lâm Yên được cha ông họ mang vào làng từ gần 200 năm trước. Ông tổ nghề là Phan Công Thiên, gốc gác từ Hải Dương, trong cuộc “ Trịnh – Nguyễn phân tranh, trên đường “nam tiến” ông đã dừng lại trên đất Lâm Yên và mưu sinh bằng nghề này. Trải qua khoảng thời gian dài hiện nay tộc Phan tại đây đã có 7 đời làm trống, các thế hệ người tộc Phan cứ thế tiếp nối nhau giữ lửa cho nghề trong sự tự hào về ông bà tổ tiên.
Sở dĩ trống Lâm Yên được đánh giá cao là vì mỗi chiếc trống đều cho ra một âm thanh cực chuẩn. Vì để cho ra đời một chiếc trống như (trống chầu, trống lịch, trống lân, trống chiên, trống chùa...) thì đòi hỏi người thợ làm trống phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Được biết, công đoạn đầu tiên là việc chọn gỗ, đối với những loại trống to thì cây gỗ phải lấy từ rừng núi xa có khi vào tận Gia Lai, Đắc lăk còn đối với trống trung và nhỏ thì dăm trống được chọn phải là gỗ mít. Gỗ mít sau khi phơi khô thì được người thợ bỏ mực, cưa xẻ theo chiều cong của dăm tuỳ theo kích thước của người đặt trống mà độ cong của dăm trống khác nhau. Sau đó, dăm trống được bào nhẵn, tre được vót tròn nhọn làm niềng trống, dọn miệng phẳng. Tiếp đến là mua da trâu về căng ra phơi cho khô, cắt da trâu theo chiều dài kích cỡ của miệng trống rồi ngâm vào nước lạnh từ 2 đến 3 ngày, sau đó vớt ra thuộc mỏng rồi đặt lên bịt vào và đóng chốt thành mặt trống. Cách làm da có thể mỗi thời mỗi khác nhưng chiếc trống Lâm Yên đặc biệt ở chỗ, da trâu sau khi được phơi khô với độ “chín” vừa phải sẽ được bào, gọt bằng tay hết sức cẩn thận. Không những vậy, để trống cho âm chuẩn người thợ phải bào da sao cho chính giữa mặt trống là nơi dày nhất và giảm dần độ dày ra tận đai, niềng trống. Ngoài tạo âm, việc gọt da trâu trước khi căng cũng là một bí quyết để làm nên chiếc trống Lâm Yên có tuổi thọ cao hơn so với trống của các địa phương khác. Những kỹ thuật này đều dựa vào cảm tính, kinh nghiệm nên cha con, anh em - những người có điều kiện gần gũi sẽ dễ truyền nghề cho nhau hơn.
Theo nhiều thợ làm trống Lâm Yên, để tạo nên “hình dáng” rắn chắc của một chiếc trống tốt thì phụ thuộc vào công đoạn làm tang trống còn để tạo nên “linh hồn” một chiếc trống thì quyết định vào công đoạn căng da trống. Đây cũng chính là giai đoạn công phu nhất và là khâu quyết định “số phận” của mỗi chiếc trống, chỉ cần sơ suất nhỏ có khi phải bỏ luôn cả bộ da trâu đắt tiền.
Bên cạnh đó, nghề làm trống đòi hỏi ở người thợ phải có tính cần cù, nhẫn nại, chịu khó và cả khéo tay từ khâu bắt đầu đến khi hoàn thành sản phẩm. Mỗi chiếc trống làm ra đều có quy cách và kích cỡ nhất định theo từng loại. Những chiếc trống có kích cỡ trung bình thường đường kính mặt trống từ 20 – 50 cm, người thợ phải mất từ 2 – 4 ngày. Còn những trống lớn từ có đường kính đến hàng trăm cm thì phải mất khoảng gần nửa tháng đến một tháng. Mỗi sản phẩm làm ra đòi hỏi kĩ thuật rất cao như chất liệu đảm bảo độ bền, độ vang của trống, dăm trống phải bằng gỗ mít, mặt trống bằng da trâu chứ không bằng chất liệu nào khác…
Được biết, mỗi nămlàng trống Lâm Yên chỉ làm 2 vụ, bắt đầu từ Tết đến thanh minh và từ hè đến trung thu đó là những mùa lễ hội. Sản phẩm làm ra chủ yếu là trống trung dễ bán chủ yếu dùng trong các dịp tế lễ, mùa tựu trường và tết trung thu, mỗi chiếc có giá từ 2 – 5 triệu… còn trống đại được dùng cho lễ hội và bán cho một số ngôi chùa lớn. Được biết, hiện nay cơ sở làm trống của anh Phan Văn Hiệp đang tiến hành làm chiếc to nhất từ trước đến giờ, đường kính hàng trăm cm với giá gần 300 triệu theo đơn đặt hàng của chùa Quan thế âm ( Đà Nẵng), dự kiến chiếc trống này hoàn thành sẽ trở thành chiếc trống to kỉ lục của làng từ trước đến nay.
Nét đep và độc đáo trong mỗi linh hồn của trống Lâm Yên là vậy nhưng những năm gần đây làng trống đang dần đứng trước nguy cơ mai một, nhiều gia đinh không còn mặn mà với nghề khi đầu ra của trống quá bấp bênh. Nếu như trước đây, cả làng Lâm Yên có hơn 20 gia đình làm trống với số lượng lên đến hai ngàn chiếc mỗi năm thì nay chỉ còn khoảng chưa đến 10 hộ gia đình tsản xuất nhưng cũng chỉ cầm chừng. Trước nguy cơ mai một làng nghề năm 2009, các nghệ nhân làm trống của làng đã lên phương án vực dậy và truyền lửa vào làng nghề bằng cách thành lập Hợp tác xã Làng nghề Trống Lâm Yên, nhưng cũng chỉ ở mức độ trung bình. Đến năm 2012, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đại Lộc đã quyết định hỗ trợ Hợp tác xã trống Lâm Yên 50 triệu đồng để đầu tư cơ sở sản xuất nhằm bảo tồn nét đẹp làng trống nhưng đến nay mọi việc vẫn không mấy khả quan.
Được biết, thị trường tiêu thụ trống Lâm Yên chủ yếu là các địa địa phương trong huyện Đại Lộc và các Duy Xuyên, Điện Bàn, Đà Nẵng còn những thị trường xa khác hầu như đã bị mất hoàn toàn. Để duy trì làng nghề, ngoài việc sửa chữa, thay da mặt trống… một số hộ cũng đã chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Lục bình, mõ, đèn tạ giả gỗ …cũng là cách để nuôi dưỡng, níu giữ làng nghề. Giống như số phận nhiều làng nghề khác khác ở Quảng Nam, nguy cơ mai một thất truyền làng nghề trống từng vang bóng một thời với câu khẩu ngữ “Trống Lâm Yên, Chiêng Phước Kiều” là hoàn toàn hiện hữu. Hiện tại người dân làng nghề chưa thể sống được với nghề của mình.
Đất nước ngày càng phát triển, xã hội ngày một văn minh thì con người cần những nhu cầu về vật chất, tinh thần lẫn nhu cầu về văn hoá, những giá trị văn hóa xưa dần dần được con người phục dựng và trả lợi vị trí ban đầu thì không thể không nói đến các hình thức lễ hội, nghệ thuật, diễn xướng rồi các dịp lễ hội, tựu trường, tang ma, tế lễ … thì làm sao lại thiếu tiếng trống chầu, trống lịnh hay trống chùa. Vậy nên cần có những biện pháp, chính sách căng cơ hữu hiệu để duy trì và níu giữ làng nghề, để những tinh hoa nghệ thuật của những thế hệ đi trước vẫn lưu truyền và được các thế hệ sau tiếp bước và phát huy.
Bích Liễu