Hôm nay:05/12/2024
Nét độc đáo trong phong tục đón Giao thừa
Khánh Toàn
Ở dân tộc Tày, đêm giao thừa, trên bàn thờ bày đủ các thứ bánh, kẹo, mứt, hoa quả, đủ các thứ rượu…Đèn nến thắp sáng choang. Hương thắp trên bàn thờ tổ, ngoài cửa, ngoài cửa, trên bàn thờ bếp, Thổ công, thậm chí cả trước chuồng gà, lợn, trâu. Nhà nào cũng mở "toang cửa". Ông bà, cha mẹ, các con lớn tuổi mũ áo chỉnh tề "trực" đón tổ tiên về. Trước đó, hôm tiễn ông Táo về trời - giống như phong tục của người Kinh - gia đình đã đặt mâm cúng, nhờ ông Táo "xin phép" Thiên đình cho tổ tiên về ăn Tết. Lúc giao thừa, một người con lớn tuổi nhanh chân ra giếng, cắm hương, xách về một gánh nước đầu năm, đem ấm nước bỏ lá thơm vào để mọi người rửa mặt sạch sẽ đón tổ tiên. Với dân tộc Hoa, giờ giao thừa, người ta thường đi lấy hoa tươi và nước đặt lên bàn thờ tổ tiên để cầu cho “mưa thuận, gió hòa”, mùa màng bội thu. Còn người Ơ Đu thì có tục tắm nước mới đầu năm lấy phúc vào thời khắc giao thoa giữa đất - trời, cũ - mới.
Cũng như các dân tộc thiểu số anh em, người Mường cho rằng: Tết là thiêng liêng. Do vậy, mọi công việc chuẩn bị cho một cái Tết phải được tiến hành chu đáo với sự tham gia của cả nhà từ 25 tháng Chạp đến 30 Tết. Đàn bà, con gái phải lo có gạo trắng để gói bánh; lên rừng kiếm củi, kiếm củi lóng- lá nõn chuối để nấu canh, để lót, để gói thịt, gói cơm. Đàn ông, trai trẻ lo những việc: xuống chợ mua sắm từ thẻ hương, cây nến, bánh kẹo, nước mắm; lo kiếm cá thịt làm món nọc chua; lo mổ lợn, giết gà, làm các món ăn….Rồi mọi người quét dọn nhà, trang trí lại bàn thờ, sửa sang lại mồ mả cha ông và những người thân đã qua đời. Từ chập tối đêm 30 chỉ lo làm cỗ chay dọn lên bàn thờ tổ tiên nội ngoại. Đến giao thừa, con cháu thắp hương khấn vái mời tổ tiên về nơi thờ phụng, ở lại với gia đình đón Xuân, vui Tết.Nhiều nhà đánh chiêng, đánh trống…, cử người ra vó nước lấy nước về đặt trên bàn thờ tổ tiên, nước này gọi là nước Tiên hoặc nước Thặng Thiên... Có nơi còn có tục gội đầu giao thừa, thậm chí có người còn tắm trong đêm giao thừa, ý là gột rửa mình sạch sẽ để sang năm mới cho mọi điều tốt lành, đẹp đẽ và may mắn hơn.
Bây giờ lại xin đề cập đến tục đón giao thừa của dân tộc Kinh. Theo cổ lệ, Tết Nguyên Đán bắt đầu từ lúc giao thừa. Đó là thời điểm giữa giờ Hợi ngày 30 (Nếu tháng thiếu thì ngày 29) tháng Chạp năm trước và giờ Tý ngày mồng Một tháng Giêng năm sau. Lễ Trừ tịch được cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là Lễ Giao thừa. Lễ này mang ý nghĩa trọng đại: tống cựu, nghinh tân. Theo cụ Phan Kế Bính (trong Việt Nam phong tục): mỗi năm có một vị Hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì Cựu vương hành khiển bàn giao cho Tân vương thay Đức Ngọc Hoàng coi sóc nhân gian trong một năm. Lễ Trừ tịch được tổ chức tại các tư gia do người gia trưởng trù liệu. Lễ vật dùng để cúng Giao thừa trong nhà gồm: ngũ quả, vàng mã, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét), bánh giầy, bánh kẹo và mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay đầy đặn, thơm ngon, tinh khiết. Lễ cúng Giao thừa ngoài trời gồm: ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, muối gạo, trà, rượu, quần áo và mũ nón mũ thần linh, mâm lễ mặn với thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng …, nếu là phật tử có thể cúng mâm lễ chay. Tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Với quan niệm“tiền vô như nước”, một số nhà khi cúng giao thừa không quên món lễ vật một tô nước hoặc rủ nhau đến giếng làng gánh nước về đổ đầy ghè, lu mong ước trong năm mới gia đình sẽ phát đạt. Ngày xưa, ở các thôn xóm, lễ Giao thừa được tổ chức tại các văn chỉ, nếu không thì cũng tổ chức ngay tại điểm canh đầu xóm. Vị được cử ra để làm chủ lễ là vị niên trưởng hoặc vị chức sắc cao nhất của thôn xóm. Đã thành thông lệ, khi lễ Giao thừa ở nhà xong, người ta thường kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu để cầu phúc, cầu may cho bản thân và gia đình. Lúc trở về, người dân Việt thường hái một cành cây (gọi là cành lộc) mang về cắm trước bàn thờ tổ tiên. Cành lộc tượng trưng cho sự tốt lành, may mắn quanh năm. Có nơi, thay vì hái lộc cành cây, tại các đền, chùa, miếu người ta đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm tại bình hương trên bàn thờ tổ tiên: Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt! Ngày nay, ở các thành phố lớn, nhiều cư dân không đón Giao thừa trong nhà mà “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, tất cả cùng có mặt trên các đường phốđèn hoa rực rỡ, thưởng thức mãn nhãn màn bắn pháo hoa ngoạn mục, lâng lâng tình xuân lan tỏa chào đón một năm mới với mong ước hòa bình cho thế giới, ấm no cho nhân loại và hạnh phúc đối với mọi gia đình!