Hôm nay:05/12/2024
Bao đời nay, dòng Vu Gia vẫn âm thầm chảy trước bao vật đổi sao dời, sông mẹ đi vào tâm thức của bao người con Đại Lộc như dòng sông huyền thoại, dòng sông ký ức.
Theo “Địa chí Đại Lộc”, sông Vu Gia được bắt nguồn từ sự hợp lưu của hai con sông Bung và sông Vàng tại Hà Tân (Đại Lãnh). Sông Bung còn gọi là sông Cái bắt nguồn từ huyện Giằng (cũ), sông Vàng còn gọi là sông Con bắt nguồn từ huyện Hiên (cũ). Sông Vu Gia tại Hà Tân chảy qua nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đại Lộc, đến Ái Nghĩa, sông còn có tên gọi khác là sông Quảng Huế và đổ nước vào Thu Bồn tại Giao Thủy, hợp lưu với Thu Bồn rồi chia làm hai nhánh bao bọc Gò Nổi, chảy qua chợ Củi (Sài Giang), Câu Lâu, xuôi về Hội An và đổ ra Cửa Đại. Một nhánh khác rẽ thành hai chi lưu, bao gồm sông Yên và sông Châu Bái, sông Yên chảy về phía An Trạch, nhập lưu với sông Túy Loan chảy vào sông Hàn (Đà Nẵng).
Nơi ngã ba sông (thôn Hà Tân, Đại Lãnh, Đại Lộc). Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Cho tới nay, vẫn có nhiều giả thuyết khác nhau về tên gọi, xuất xứ của dòng sông này. Trong văn bản “Điền trang Vu Gia trại” có từ thời Minh Mạng, chữ “Vu” (chữ Hán, có bộ thủy) có nghĩa là “cong co uốn khúc” còn “Gia” nghĩa là “thêm vào”. Vậy “Vu Gia” được hiểu theo nghĩa là “thêm vào những cong co uốn khúc”. Lý giải này đối với dòng Vu Gia quả không ngoa, bởi trong hệ thống sông ngòi Quảng Nam, hiếm có con sông nào lắm gập ghềnh, khúc khuỷu, chảy qua nhiều loại địa hình như Vu Gia. Song, cũng có thông tin lại cho rằng, chữ “Vu” có bộ trúc nghĩa là “tiếng sáo”, hiểu nôm na là “thêm vào tiếng sáo” vì ở vùng này ngày trước cứ mỗi mùa lụt thì trên các bãi bồi ven sông mọc lên một loại cây sậy. Kinh nghiệm dân gian rằng, sau lụt ai bị kiết lỵ thì lấy mụt măng sậy này về nấu cháo ăn sẽ khỏi. Loại sậy này mọc cao tầm đầu và to cỡ ngón chân cái, trẻ chăn trâu thường cắt chúng về làm sáo để thổi. Tuy nhiên, gần đây tiến sĩ ngôn ngữ học Phú Văn Hẳn người dân tộc Chăm cho biết “Vu Gia” được đọc trệt từ tiếng Chăm là “Vu Jaya”. “Vujaya” là tên của vị vua Chăm trị vì năm 1441 có tên là “Ma-ha-Vujaya”, sau khi vùng đất này làm sính lễ để cưới công chúa Huyền Trân của nhà Trần thì người Việt mới đến đây đặt lại tên con sông là Vu Gia.
Dù giả thuyết có khác nhau về nguồn gốc tên gọi nhưng trong tâm thức người dân Đại Lộc quê tôi, sông Vu Gia như bầu sữa mẹ nâng niu những đứa con bé bỏng tự buổi khơi nguồn. Sông mẹ mang phù sa nuôi dưỡng, bồi đắp làm cho những vùng đất thêm mỡ màu, để rồi trên xứ này sản sinh ra những hạt giống tâm hồn thi ca, âm nhạc như Nguyễn Nho Túy (Đội Tảo), Tú Quỳ, Võ Quảng, Nam Trân, Nguyễn Văn Bổng, Trầm Tử Thiêng, Dương Triệu Vũ… Cũng chính dòng sông này đã tạo nên những nét văn hóa rất riêng của người dân Đại Lộc qua các mặt văn hóa ẩm thực, nghệ thuật và cả tín ngưỡng thờ cúng dân gian… Ngày trước, khi giao thông đường bộ chưa trở thành huyết mạch thì chính dòng Vu Gia là con đường khá thuận tiện để vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa hai miền xuôi – ngược. Thế mới có cảnh “trên bến dưới thuyền” và những bến thuyền đã đi vào ký ức của người dân một thời như bến Hội Khách (Đại Sơn), Bến Dầu (Đại Thạnh), Bến Phà (Hà Nha, Đại Đồng), Bến Đình (Đại Nghĩa)…
Sông nước nơi đây còn gắn kết với người dân qua các hình thức tín ngưỡng như tập tục thờ “Tam vị Thủy tướng” gắn với lễ hội đua thuyền được tổ chức vào những ngày đầu năm tại bến sông Vu Gia đoạn qua Ái Nghĩa hay vùng Bàu Ông (Đại Nghĩa) nhằm tri ân các vị thần linh vùng sông nước, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Nếu ai từng đến Đại Lộc ngược thuyền theo dòng Vu Gia lên thượng nguồn vào những đêm trăng rằm sẽ thấy hết được cái đẹp của sông nước và thiên nhiên trữ tình. Cũng trên bến sông này, những câu hát hò khoan mộc mạc nhưng đượm tình của các chị, các mẹ, của đôi lứa vào những đêm trăng sáng hái dâu, vang âm một thuở. Không chỉ là những làn điệu hò khoan, sông nước Đại Lộc còn sản sinh hát chèo ghe đò dọc gắn liền với những tay chèo “sớm nguồn chiều biển” để kết nối “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”… Rồi cũng chính trên vùng sông mẹ sản sinh ra loại hình diễn xướng dân gian hát sắc bùa truyền thống. Một thời, vùng Chấn Sơn (Đại Hưng) có hai đội hát sắc bùa vang danh xa gần. Hát sắc bùa chúc xuân gần như là hoạt động nghi lễ nông nghiệp cầu tài cầu lộc, cầu may mắn cho gia chủ trong năm. Song rất tiếc, loại hình diễn xướng đậm nét dân gian đó theo thời gian, đã mai một dần trong niềm tiếc nuối của người già.
Ngày trước, chiều chiều, ghe từ thượng nguồn Thu Bồn đổ về, hay từ Hà Tân xuôi về hạ lưu mang theo đặc sản vùng cao như gỗ, củi, mây, mật ong… Rồi sớm mai ghe từ Vĩnh Điện, Hội An lại ngược dòng lên nguồn mang theo nào nước mắm, tôm, mực, gạo, vải… Các chuyến đò ấy gặp nhau ở các điểm như Giao Thủy, Bến Dầu, Hội Khách của dòng Vu Gia - Thu Bồn. Những người cũ vùng Khe Hoa vẫn còn truyền nhau “thương hiệu” mỳ Khe Hoa, gắn với bến Hội Khách (Đại Sơn) thời bấy giờ. Mỗi lần qua khúc sông Vu Gia nơi bến Hội Khách, khách dừng lại để thưởng thức một tô mỳ hay vài cái bánh ú của các hàng quán ven sông. Trong ký ức nhiều bậc cao niên, “mỳ Khe Hoa” như là một địa danh ẩm thực nhắc nhớ ký ức vùng miền.
Ngày nay, những bãi mía, biền dâu chỉ còn trong miền nhớ. Dòng Vu Gia qua bao bận lở bồi dâu bể, lúc hiền hòa lúc ồn ào hung dữ. Song trong tâm thức của người con Đại Lộc, sông mẹ muôn đời vẫn là dòng sông huyền thoại, dòng sông ký ức.
HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU