Hôm nay:05/12/2024
Ngược dòng lịch sử, lần theo địa chí văn hóa Đại Lộc chúng ta thường xuyên bắt gặp những tên đất, tên làng như Lâm Yên, Kiệt Sâu, Gia Cốc…mà mỗi tên gọi đều kèm theo những chuyện kể, những giai thoại về một vùng quê sầm uất nằm dọc lưu vực sông Vu Gia.
Trải qua bao bể dâu thăng trầm của thời cuộc, Đại Lộc vẫn vững vàng đi lên và đồng Gia Cốc, Kiệt Sâu – Phú Mỹ (nơi vang bóng một thời với những lời tụng ca: “đồng Gia Cốc thử chơi một trận, chết hăm mốt, bị thương hơn hăm mốt, nợ quân vương trả nốt bấy nhiêu người” hay “Kiệt sâu vùi thây quân Mỹ”…) luôn là dấu chấm lặng trong dòng nhạc tâm khảm người dân bản xứ. Tọa lạc và góp phần vinh danh đất Kiệt sâu, làng Gia Cốc kiên cường ấy, Khu tưởng niệm Văn Thánh( được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh) vừa là nơi ghi dấu chiến công đồng thời là địa danh hội tụ nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử, cách mạng.
Về thăm Văn Thánh hôm nay, được đứng chân trên nền đất thiêng liêng, mỗi người chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động về một vùng văn hóa, vùng đất học, một vùng cách mạng với truyền thống dân khí cương cường, đánh thù lòng như đá, lo nước tóc thành tơ.
Đánh thù lòng như đá, lời tạc dạ ghi tâm một thời đưa ta về với quá khứ oanh liệt ngày nào của một vùng đất kiên trung. Ngày 01.09.1858, Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà nẵng, mở đầu chiến tranh xâm lược Việt Nam, triều đình nhà Nguyễn bạc nhược đã cam tâm làm nô lệ. Cuộc kháng chiến chống Pháp tuy thất bại nhưng sau biến cố ngày 23/5 Ất Dậu(1885), vua Hàm nghi xuống chiếu Cần Vương chiêu dụ nghĩa sỹ chống giặc cứu nước đã dấy lên phong trào Nghĩa hội kéo dài 3 năm. Trong phong trào hiệt kiệt và đáng tự hào này, bên cạnh những thủ lĩnh như Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, vùng lưu vực sông Vu Gia kéo dài từ Ô gia đến Gia Cốc đã sản sinh ra những người con anh hùng như Đỗ Đăng Tuyển, Trần Đỉnh, Trần Huy.. và những trận đánh ghi dấu son thắm vào bức chân dung tranh đấu vì độc lập của dân tộc như ĐỒNG GIA CỐC.
Theo những người già ở làng Phú Mỹ- Gia Cốc kể lại, đêm trước khi xảy ra trận đánh, nhân dân các làng Gia Cốc đã giết heo, bò khao nghĩa quân. Từng nhà nấu cơm xôi bó vào mo cau để nghĩa quân lót dạ trước khi xung trận. Vào nửa buổi sáng, quân nghĩa hội áo chàm, chân đất, đầu quấn khăn đỏ, gươm dáo tuốt trần xông lên giữa đồng, giặc pháp chủ động dùng súng máy và súng trường ngắm bắn từ xa, nhiều nghĩa sỹ hy sinh và sớm vỡ đội hình chỉ kịp đưa người bị thương rút về căn cứ Hà Sống. Mãi đến đêm hôm, lợi dụng tối trời, nhân dân trong làng mới khiêng xác các nghĩa sỹ về mai táng tập trung vào một chỗ mà sau này người ta gọi là NGHĨA TRŨNG. Sau trận đánh, hằng năm vào ngày kỵ người dân thường tổ chức lễ cúng cầu hồn cho các nghĩa sỹ nhưng việc cúng bái gặp rất nhiều khó khăn do chính quyền phong kiến thời bấy giờ gọi Nghĩa hội là giặc nên không cho phép.
Nhiều năm sau, tức những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XIX, những người đỗ đạt cao của vùng đất lưu vực sông Vu Gia đã góp tiền của để xây dựng ngôi miếu khang trang trên cồn đất gần Nghĩa Trũng (nhân dân gọi là cồn Văn Thánh) để thờ đức Khổng Tử và tôn vinh những người hiếu học địa phương. Ngôi miếu được đặt tên là Miếu Văn Thánh. Đây cũng là tâm nguyện của nhân dân các làng xã quanh vùng thời đó bởi, kể từ nay, vào dịp cúng tế Văn miếu hàng năm, mọi người có thể thực hiện nghi lễ cầu siêu cho các vong hồn tử sỹ của Nghĩa hội mà không bị các quan sở tại dòm ngó, cấm đoán. Địa danh Văn Thánh được lưu danh cho đến ngày nay.
Truyền thống dân khí cương cường, lo nước tóc thành tơ của nhân dân Đại Lộc nói chung, nhân dân lưu vực sông Vu Gia nói riêng trong suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ XIV tiếp tục phát huy mạnh mẽ dưới ánh sáng soi đường của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, can thiệp Mỹ nhảy vào miền Nam buộc những người Việt yêu chuộng hòa bình một lần nữa bước vào thời kỳ tranh đấu mới.
Tiếp bước cha anh, từ ngày có Đảng, bằng nhiệt huyết và tâm nguyện thà chết để Tổ quốc quyết sinh, lớp lớp người con xứ Đại đã đứng lên vững vàng tay súng sẵn sàng ngã xuống để cho dòng Vu gia êm chảy mang tin vui về biển lớn, cho ngày Bắc Nam thống nhất một nhà. Và, một lần nữa, nơi có trận đồng Gia Cốc năm xưa của nghĩa hội tiếp tục vang danh với những trận chiến kiên cường. Đặc biệt, tháng 6 năm 1969, lợi dụng Kiệt sâu – Văn Thánh có địa hình hiểm trở, lại được chi viện từ đồn Núi Lở, hơn một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ tập kết vào Kiệt sâu với mưu đồ lấy Văn Thánh làm bàn đạp càn quét vùng giải phóng, tiêu diệt hoàn toàn lực lượng vũ trang ta ở vùng B. Hiểu rõ âm mưu của quân thù, lực lượng vũ trang địa phương kiên quyết đấu tranh giữ đất giữ làng nên cuộc giao tranh diễn ra ác liệt. Qua 15 ngày đêm giằng co, hơn 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ thuộc trung đoàn 5 Mỹ, được máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ phải chịu thất trận và số tàn quân còn lại lặng lẽ rút khỏi Văn Thánh trong đêm khuya. Trận đánh giúp chúng ta giành thế chủ động trên chiến trường, tạo đà tiến công kẻ thù cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn, thống nhất giang san. Một lần nữa, Văn Thánh đi vào lịch sử với niềm tự hào vô biên của người dân về truyền thống dân khí cường.
Theo nhiều nguồn tư liệu lịch sử đáng tin cậy và qua những di chỉ để lại của người xưa còn cho thấy, lưu vực vùng đất dọc hạ lưu sông Vu Gia còn là một trong những chiếc nôi văn hóa, giáo dục của cha ông ta từ thuở mang gươm đi mở cõi, khi còn là phên dậu biên cương phía nam của người Đại Việt. Vào thời Tự Đức đã có nhóm tri thức Tổng Phú Mỹ thành lập Văn chỉ làm cơ sở hội tụ tri thức ôn tập và bình văn thơ như câu lạc bộ bây giờ. Vùng đất này còn là địa phương đi tiên phong hưởng ứng các trào lưu để tóc ngắn, mặc âu phục, học chữ quốc ngữ, lập hội thương tín…của phong trào Đông Du và Duy Tân do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh khởi xướng.
Thấm đẫm sự màu mỡ của văn hóa và địa linh sinh nhân kiệt, con người nơi đây còn nổi tiếng một thời với truyền thống hiếu học. Sách Đại Nam nhất thống chí có viết về mảnh đất này: núi sông thanh tú nên có nhiều người tư chất thông minh và thực tiễn minh chứng hùng hồn rằng: dù trường học rất ít song tinh thần ham học, ham hiểu biết đã giúp các chàng trai tuấn tú vượt qua sự cách trở của địa hình, vượt qua cái đói, cái nghèo để học tập và đỗ đạt cao. Tiêu biểu hơn cả là gia đình họ Hồ ở làng Phú Mỹ có đến 4 người thi đỗ trong các khoa thi của nhà Nguyễn và lớp kế tục như danh nhân Trần Đình Tri đỗ tú tài thời Pháp thuộc, ông tham gia kháng chiến tiền khởi nghĩa và là Ủy viên thường vụ Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Với bề dày lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa, giáo dục, cách mạng và nằm trên quê hương của các bậc hào kiệt, tài nhân như thế, Văn Thánh hoàn toàn xứng đáng là một di tích lịch sử cấp tỉnh cần được gìn giữ, phát triển cho muôn đời sau. Nơi đây, trở thành địa chỉ đỏ để nhân dân quanh vùng đến tham quan, ngưỡng vọng một vùng văn hoá, suy tôn đạo học, suy tôn công đức của các bậc hiền nhân, anh hùng liệt sỹ, những người có công với nước và trong tương lai đây cũng là nơi thích hợp để tổ chức lễ vinh quy bái tổ cho con em Đại Lộc đỗ đạt.
--Hà Uyên--