Hôm nay:05/12/2024
Suốt mấy trăm năm, vùng đất Đại Thạnh (Đại Lộc) từng vang danh bởi những rừng dầu rái bạt ngàn. Nhưng nghề khai thác dầu rái đã không còn hưng thịnh như xưa.
Khai thác dầu rái là công việc từ bao đời nay của người dân các thôn An Bằng, Mỹ Lễ (Đại Thạnh). Theo nhiều bậc cao niên xứ này, nghề “cha truyền con nối” này đã theo cha ông của họ đã mấy thế kỷ. Nếu dựa vào tuổi thọ của chợ Bến Dầu “trên bến dưới thuyền” tọa lạc ở vùng này thì có lẽ đã ngót nghét đến 300 năm. Dựa vào thế mạnh của cây dầu rái cùng những lâm thổ sản quý, những đoàn người đầu tiên đến đây cư ngụ, lập làng, lập ấp. Cây dầu rái mọc nhiều ở vùng núi Đại Lộc, nhiều nhất là ở núi Phúc Khương (thuộc xã Đại Thạnh), núi Thọ Lâm, núi Hữu Niên (thuộc xã Đại Chánh)… Sản phẩm dầu rái hưng thịnh, trở thành sản vật trao đổi, buôn bán ngược xuôi và chợ Bến Dầu trở thành nơi giao thương, trao đổi, buôn bán của cả vùng rộng lớn phía tây nam vùng B Đại Lộc với các vùng Điện Bàn, Hội An, Quế Sơn, Cửa Hàn cả về đường bộ lẫn đường thủy. Với gần 1.000ha đất rừng tự nhiên có cây dầu rái, người dân Đại Thạnh và một phần Đại Chánh có điều kiện thuận lợi để đổi đời. Trong đó, 2 thôn An Bằng và Mỹ Lễ có diện tích khai thác và số hộ hành nghề nhiều nhất vùng.
Dầu rái Đại Thạnh nức tiếng có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: N.Duy |
Ngày xưa, ở xứ Đàng Trong, việc khai thác dầu rái được chính quyền phong kiến quản lý. Cây dầu rái được dùng vào những việc như trét nón lá, làm nguyên liệu trong sản xuất sơn. Còn đối với cư dân miền biển, dầu rái dùng để trét thuyền nan, thúng chai, ghe bầu. Dầu rái được pha chế và dùng để trát lên vỏ ghe thuyền, bởi tính chất đặc biệt của chất liệu này là không thấm nước và tồn tại được trong những môi trường khắc nghiệt, chống mối mọt. Việc khai thác dầu rái được thực hiện qua nhiều công đoạn. Khi cây đã trưởng thành có thời gian trên 3 năm tuổi, cây tuổi càng cao lượng dầu khai thác càng nhiều, người lấy dầu phải tạo cho cây một “vết thương”, quá trình lấy dầu được thực hiện bằng cách đốt vào chính “vết thương” đó. Ông Trần Hữu Trà, người có trên 40 năm kinh nghiệm trong nghề ở thôn Mỹ Lễ cho biết, mùa khai thác dầu bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 8 hàng năm. “Miệng” đầu tiên được vạt trên thân cây cách mặt đất chừng 40cm. Nếu gặp phải cây dầu to, thì phải vạt tới 2 - 3 miệng. “Nghe thì đơn giản, nhưng đây là một thao tác đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, giàu kinh nghiệm để xử lý làm sao cho mặt vạt nhẵn đều để càng ngày cây càng cho nhiều dầu hơn. Những người non tay nghề, vạt miệng không đúng kỹ thuật, không những lượng dầu ít mà còn làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây” - ông Trà nói.
Theo ông Hồ Xuân Thành, Trưởng thôn An Bằng, hiện toàn thôn có hơn 150 hộ làm nghề khai thác dầu rái. Nghề này đôi khi cũng có nguy hiểm, gặp cây có nhiều dầu, lúc đốt không cẩn thận có thể gây bỏng cho mình và cháy lan ra cả rừng. Không chỉ bỏ công khai thác, người dân ở đây còn phải bảo vệ rừng của mình. Hiện, mỗi thùng dầu tương đương khoảng 20 lít được tư thương thu mua với giá 450 -500.000 đồng. Nhà có giỗ hay có việc đại sự, chỉ cần khăn gói vào rừng, khai thác vài thùng dầu là có thể sắm mâm cỗ tươm tất. Ông Đỗ Thế Hảo (thôn Mỹ Lễ), một người buôn dầu lâu năm cho biết: “Tui đi buôn dầu từ thời mới giải phóng, đi bán khắp cả Hội An, Đà Nẵng. Dầu rái Đại Thạnh được thị trường ưa chuộng. Nhờ dầu rái, hộ có thu nhập thấp khoảng 2 triệu đồng/tháng, với những hộ có rừng nhiều thì nguồn thu nhiều hơn”.
Trước một vùng rừng mênh mông, bạt ngàn có cây dầu rái, người dân nơi đây có một luật lệ bất thành văn là khoảnh rừng của ai thì người nấy khai thác, không được lấn sang khoảnh rừng người khác. Ranh giới cũng được chia rất đơn giản, ai khai thác trước, chỉ cần đánh dấu bằng một đường ranh, người tới sau cũng tiếp tục đánh dấu ranh giới của mình. Cứ thế, trải qua nhiều đời, dầu rái như một loại tài sản, di chúc “cha truyền con nối”. Hằng năm, vào những ngày đầu xuân, những người làm nghề cũng tổ chức lễ khai truông, cúng rừng đầu năm để cầu mong năm mới hành nghề được thuận buồm xuôi gió.
Làng dầu rái cũng từng phen điêu đứng khi sản phẩm rớt giá, sức mua ngày càng yếu dần do sự thay thế bởi chất liệu sơn công nghiệp. Gần đây, làng dầu rái dần hồi sinh nhưng không còn được hưng thịnh như trước. Ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh cho biết: “Khai thác dầu rái là nghề có từ rất lâu đời ở vùng. Sản lượng khai thác, số lượng cây rái còn tồn tại đến nay vẫn chưa được thống kê chính xác. Việc khai thác cũng tự phát, chưa có sự quy hoạch để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này. Song dù đứng trước thăng trầm thì cây dầu rái, từng là cây xóa đói giảm nghèo, một biểu tượng văn hóa vẫn được người dân chung tay bảo vệ, gìn giữ”.
H.LIÊN - N.DUY