Hôm nay:05/12/2024
Gần đến tết Nguyên Đán, các cơ sở sản xuất vàng mã truyền thống trên địa bàn Đại Lộc lại hối hả vào vụ với những cảnh vót tre, làm khung, dán giấy... nhằm sản xuất đồ cho người cõi âm. Đây được xem là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân cũng là nghề lưu giữ những nét riêng, độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, để đảm bảo sự tiết kiệm trong chi tiêu, hạn chế tình trạng nhiều kẻ xấu lợi dụng nhằm trục lợi với các chiêu bài “ mê tín dị đoan” thì người dân cần phải biết cách sử dụng vàng mã sao cho hợp lí tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, lãng phí, ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước.Với quan niệm “trần sao, âm vậy”. Nên những ngày này các mặt hàng vàng mã tại các cơ sở sản xuất được trên địa bàn huyện Đại Lộc rất đa dạng về chủng loại và màu sắc nào là Quần, áo, giấy tiền, giấy vàng, nhà tầng, xe máy, hình nhân, ngựa, thậm chí cả máy bay, ôtô và các đồ dùng khác như điện thoaị, sữa tắm, dầu gội…được tiêu thụ khá nhiều trong dịp này. Điều đó được lí giải khá thành công khi dân tộc ta có một truyền thống đó là “ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ” và tín ngưỡng đó được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện sự quan tâm của con cháu đối với ông bà, cha mẹ của người sống đối với người chết. Cho nên dù là một năm làm ăn thành đạt hay thất bại gia đình nào cũng có phần quà dâng lên ông bà tổ tiên minh chứng cho lòng thành, người giàu thì cúng nhà lầu, xe hơi, điện thoại đắt tiền… còn người thu nhập bình thường thì cúng những vật như áo, mũ, xe máy, hình nhân… với mong muốn làm sao cho người đã khuất cảm thấy ấm áp, được an ủi phần nào…Là nghề chế tạo đồ dùng dành cho người cõi âm, nên việc sản xuất hàng mã đòi hỏi người làm nghề vàng mã cũng phải thật sự tỉ mỉ, có đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, gu thẩm mỹ, sự tôn kính với người cõi trên. Đặc biệt là phải tìm đọc tài liệu về sự tích từng loại để biết vì sao con ngựa này màu đỏ, con kia màu trắng và đồ lễ nào gắn với loại cúng nào, nhân vật nào đi với phương tiện nào để...tránh nhầm lẫn... Chính vì tính chất "cầu kỳ" như vậy nên khi nào khách đến đặt hàng thì các cơ sở mới làm.Mỗi sản phẩm khi hoàn thiện, trừ các chi phí người làm kiếm từ 20.000 – 30.000đồng/ sản phẩm .
Trao đổi với chúng tôi cơ sở vàng mã của gia đình anh Phan Văn Thuấn trú tại khu 3 thị trấn Ái Nghĩa cũng đang tất bật với nhiều đơn đặt hàng. Anh Thuấn cho biết “ bây giờ yêu cầu của người đặt hàng rất cao nên tùy mỗi đơn đặt hàng cơ sở anh cho ra đời một sản phẩm khác nhau, quan trọng là khiếu thẩm mỹ của người làm sẽ quyết định đến chất lượng của bộ đồ vàng mã nhưng đa phần đều rất phong phú với những kiểu mẫu và màu sắc sặc sỡ.
Có thể nói, những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế người dân dần ổn định và khá giả, người dân có xu hứng quay về với cái “trọng âm” có nghĩa là quan tâm, chú trọng hơn đối với “tín ngưỡng thờ cúng”. Dạo quanh một vòng qua từng ngôi nhà, ngõ xóm, khu dân cư ở đâu chúng ta cũng thấy bàn thờ tổ tiên nhà nào cũng được đặt ở những vị trí sang trạng, trang nghiêm, chính diện và hương khói nghi ngút. Bởi người ta quan niệm rằng“ sống sao thác vậy” rồi ý nghĩ “chúng ta ăn tết thì ông bà cũng ăn tết” thế nên mới có tục lệ “rước ông bà” rồi “đưa ông bà” kèm theo là cúng cơm những ngày tết để ông bà về thăm, dự cùng con cháu, phù hộ độ trì cho gia đình làm ăn phát đạt. Điều này kéo theo hệ lụy nhiều gia đình, doanh nghiệp, … đốt vàng mã vô tội vạ. Và một khi, người dân có nhu cầu thì các đại lí phải đáp ứng yêu cầu bằng việc mở rộng quy mô sản xuất, nhiều cơ sở phải huy động nguồn lao động lớn từ nhiều gia đình để làm cho kịp giao hàng.
Có thể nói, việc đốt vàng mã là một mong ước nhằm gửi gắm những lời tri ân đến ông bà tổ tiên, cũng là lời nguyện cầu bình an cho gia đình, bạn bè và người thân một năm với nhiều may mắn và tài lộc. Đó là nét đẹp văn hóa được mỗi thế hệ con người Việt Nam lưu giữ và bảo tồn qua nhiều thế hệ, nhưng nếu chúng ta sử dụng một cách vô tội vạ, không hợp lí thì vô hình dung chúng ta cũng góp phần làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, lãng phí tiền của, đặc biệt là làm ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tạo điều kiện để kẻ xấu lợi dụng chiêu bài “ mê tín dị đoan” nhằm trục lợi. Vậy nên, thành tâm với ông bà, tổ tiên chúng ta phải thể hiện bằng hành động, thay vì đốt nhiều vàng mã thì chúng ta có thể xây dựng quỹ khuyến học nhằm ươm mầm những tài năng của đất nước, hỗ trợ các trẻ em bị chất độc hóa học, nạn nhân da cam, khuyết tật… để phần nào chia sẻ những khó khăn, đau khổ mà họ phải gánh chịu, giúp đỡ nhiều gia đình nghèo, khó khăn để họ vươn lên trong cuộc sống. Xây dựng gia đình hạnh phúc – bình đẳng- tiến bộ đó là tiền đề để vực dậy nền kinh tế đất nước. Đó mới là sự báo hiếu đối với ông bà tổ tiên. Vậy nên, làm sao để nét đẹp truyền thống“ thờ cúng ông bà tổ tiên” không bị pha lẫn với “mê tín dị đoan” làm ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, đó là điều đáng để chúng ta suy nghĩ và quan tâm.
Nam Ngãi