CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:10/11/2024

Cần bình tĩnh, tin tưởng và đoàn kết trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19!

      Dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, đã nhiều ngày liền xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố, chưa xác định được nguồn lây và có nguy cơ lây nhiễm tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn và các tỉnh lân cận thành phố Đà Nẵng.

     Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các bộ, ngành, liên quan, lãnh đạo các địa phương đề cao trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất tính mạng và sức khỏe nhân dân; đề nghị các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn

     Về phía người dân và cộng đồng, yêu cầu đặt ra lúc này là cần phải hết sức bình tĩnh và cùng hành động thiết thực để đối phó với dịch bệnh Covid-19. TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, người từng điều trị cho ca bệnh nước ngoài mắc nhiều bệnh lý nền khỏi Covid-19 cho rằng,dịch bệnh Covid-19 không đáng sợ như mọi người đang suy nghĩ. Tỷ lệ chết chung của dịch bệnh này (theo WHO) là thấp và chỉ tập trung ở những đối tượng lớn tuổi có nhiều bệnh nền và được can thiệp y tế trễ. Song tỷ lệ này có sự thay đổi ở các quốc gia khác nhau và cũng tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một quốc gia dù có trình độ y khoa cao nhưng không đủ số giường bệnh, không đủ nhân viên y tế phục vụ trong bối cảnh số bệnh nhân tăng vọt thì khó tránh khỏi tỷ lệ tử vong tăng cao. Ngược lại, một quốc gia không giàu nhưng cương quyết thực hiện những biện pháp phòng chống dịch tốt, không có số bệnh nhân tăng vọt, mỗi bệnh nhân đều được chăm sóc theo dõi kỹ lưỡng thì tỷ lệ tử vong rất thấp thậm chí là không có tử vong. Thực tế ở Việt Nam tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông còn cao hơn nhiều do bệnh dịch này. Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, mọi người không nên lo sợ và không nên đổ xô đi mua hàng. Bởi ở nơi đó nếu có một người đang trong giai đoạn ủ bệnh thì khả năng bị nhiễm bệnh sẽ cực cao. Và khi đó không biết có bao nhiêu người sẽ trở thành nguồn nhiễm mới. Mặt khác, nếu mỗi gia đình chúng ta đều đi mua đồ dự trữ với số lượng lớn và tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu nào đó thì chắc chắn sẽ tạo ra một cái “kho ảo” cực lớn trong xã hội. Bên cạnh đó, nếu chúng ta sợ dịch mà tự ý “sơ tán” ra khỏi vùng dịch, thì vô tình sẽ trở thành một nguồn nhiễm mới. Công cuộc phòng chống dịch vì thế sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. BS Lê Quốc Hùng khuyên người dân cần bình tĩnh, đặt niềm tin vào sự dẫn dắt của y tế, của Nhà nước. Trong lúc này, chính sự bình tĩnh, niềm tin, kiến thức tự phòng bệnh, ý thức vì cộng đồng và sự đoàn kết của mỗi người dân chính là mỗi viên gạch xây nên sự thành công của cuộc chiến chống Covid-19. Tuyệt đối không nhẹ dạ cả tin vào những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ và sau đó chia sẻ với nhiều người khác gây ra những hậu quả không nhỏ và vô tình làm cản trở công tác phòng chống dịch của cả nước. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, người dân nên ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; …Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng.

      Trong giai đoạn đầy cam go và thử thách này, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết phải tiếp tục thể hiện rõ ràng và sinh động hơn bao giờ hết. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên chủ động, kịp thời quán triệt, triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Ở các địa phương, cần phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, người uy tín trong cộng đồng, trong đồng bào dân tộc, tôn giáo, triển khai tuyên truyền đến từng địa bàn khu dân cư, hộ gia đình... Động viên nhân dân huy động nguồn lực để phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, giúp nhau ổn định cuộc sống; lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp trong xã hội.  Tiếp tục thực hiện tốt Lời kêu gọi ngày 30-3-2020 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

 

 

Vân Thu 

 
 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất