-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Thiên nhiên là một danh từ quen thuộc được chúng ta sử dụng nhiều trong các hoạt động học tập và lao động hằng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ: “Thiên nhiên là gì?” ,”Thiên nhiên bao gồm những gì?”, “Các dạng tài nguyên thiên nhiên?” và “Vai trò của thiên nhiên?”. Theo định nghĩa của bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì thiên nhiên hay còn được gọi là tự nhiên, bao gồm tất cả các dạng vật chất và năng lượng tồn tại từ cấp độ bé là hạt nguyên tử đến cấp độ to lớn như ngôi sao, thiên hà, ngân hà…Đấy là định nghĩa cách hiểu từ “thiên nhiên” theo ngôn ngữ khoa học, còn nếu nói theo cách hiểu đơn giản, thông dụng thì thiên nhiên bao gồm tất cả những gì bao quanh con người mà không do bàn tay con người tạo nên như không khí, khí hậu, nguồn nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn động thực vật, các yếu tố địa lý, địa hình…
Thiên nhiên có vai trò quan trọng đối với cuộc sống tự nhiên. Thiên nhiên là cái nôi sản sinh ra sự sống, cũng là nơi kết thúc của sự sống. Khi một vùng nào đó phải chịu thiên tai, bão lụt thì hàng trăm, hàng ngàn sự sống bị hủy diệt, môi trường sống bị tàn phá nặng nề, đó chính là kết thúc của sự sống. Tuy nhiên, điều đó không phải là chấm hết, khi cơn bão qua đi, từ những thân cây đổ sẽ mọc nên những mầm cây mới. Nguồn phù sa chảy về sẽ cung cấp dưỡng chất cho cỏ cây phát triển, cây cỏ phát triển sẽ thu hút các loài động vật ăn cỏ, động vật gặm nhấm di chuyển về. Số lượng động vật ăn cỏ đông thì các loại động vật ăn thịt cũng kéo nhau di chuyển về, tạo nên một sự cân bằng trong sinh thái. Đây chính là vai trò đầu tiên của thiên nhiên, đó là tạo ra sự sống và giúp cân bằng hệ sinh thái. Đối với cuộc sống của con người, thiên nhiên là nơi cung cấp các nguồn tài nguyên để phục vụ cho cuộc sống và sản xuất sinh hoạt của con người. Đơn giản là chúng ta phải hít thở không khí từ tự nhiên, uống nước từ tự nhiên, khai thác các loại khoáng sản, lâm sản, thổ sản, hải sản… để phục vụ cho nhu cầu của mình. Thiên nhiên quyết định đến các đặc điểm hình thái và hình thức quần cư, sinh sống của con người. Nơi nào càng tập trung nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên thì mật độ dân cư sinh sống càng đông đúc.
Các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất có thể được phân loại ra làm 6 loại chính, đó là: Tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nước ngọt, tài nguyên gió, tài nguyên biển và tài nguyên khoáng sản. Nếu dựa theo khả năng tái tạo, tài nguyên thiên nhiên được chia thành 3 loại chính là: Tài nguyên tái tạo được, tài nguyên không tái tạo được và tài nguyên năng lượng vĩnh cửu. Tài nguyên tái tạo được là các loại tài nguyên mà tự bản thân nó có thể duy trì, bổ sung thêm được như nước ngọt, đất đai, động thực vật… Tuy nhiên, với việc khai thác và sử dụng quá mức như ngày nay thì nhiều loại tài nguyên thiên nhiên không có khả năng hồi phục được nữa. Tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được là những nguồn tài nguyên được biến đổi qua hàng triệu năm dưới tác động của thiên nhiên. Các loại tài nhiên này một khi đã sử dụng hết thì không còn khả năng tái tạo được nữa ví dụ như khoáng sản, các loại than đá, quặng đồng, chì, sắt, nhôm, đá vôi…Tài nguyên năng lượng vĩnh cửu là nguồn tài nguyên từ tự nhiên không bị cạn kiệt như ánh sáng mặt trời, gió, thủy triều, sóng biển… Ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, họ đã dần dần sử dụng tài nguyên năng lượng vĩnh cửu thay vì tài nguyên hóa thạch.
Cũng giống với nhiều quốc gia trên thế giới, nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nước ta đang dần bị thu hẹp và cạn kiệt dần. Thủ phạm đứng sau các vấn đề này lại chính là con người. Trước hết, diện tích rừng đang bị thu hẹp từng ngày, từng giờ do các hoạt động khai thác trái phép. Diện tích rừng thu hẹp khiến cho động thực vật mất đi môi trường sống, đẩy chúng dần đến nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên. Nguồn nước đang bị ô nhiễm khiến nhu cầu nước sạch càng trở lên cấp bách. Khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất đai, sông ngòi ao hồ và tình trạng hoang mạc hóa ngày càng tăng cao cũng để lại nhiều hệ lụy không nhỏ đối với hành tinh chúng ta, không chỉ cho cuộc sống trước mắt mà còn cho các thế hệ con cháu sau này.
Để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống đòi hỏi toàn xã hội và nhất là mỗi người chúng ta phải nâng cao nhận thức để cùng hiểu biết về môi trường sống xung quanh mình. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. Đừng nghĩ rằng phải nghiên cứu ra một công trình, sản xuất ra một máy móc hiện đại nào đó mới là bảo vệ môi trường mà thực ra đơn giản chỉ cần những hành động nhỏ và cụ thể hàng ngày là mỗi người cũng có thể góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn, cần tiết kiệm điện, nước ở cơ quan cũng như ở nhà, tiết kiệm mọi lúc, mọi nơi. Nên sử dụng những bóng đèn tiết kiệm năng lượng, tắt điện vào Giờ Trái Đất; tắt điện, quạt khi rời khỏi cơ quan, tránh để nước rò rỉ…Nhiều người có thói quen để nguyên phích cắm trong ổ điện ngay cả khi không dùng đến các thiết bị điện (như Ti vi, quạt, sạc điện thoại, máy tính…). Hành động này vô tình gây lãng phí một lượng điện tương đối lớn vì ngay cả trong chế độ chờ các thiết bị này cũng làm tiêu hao năng lượng điện. Do đó, tốt hơn hết, nên nhớ rút phích cắm ra khỏi ổ hoặc tắt nguồn tất cả các thiết bị điện khi không sử dụng
Để giảm rác thải, bảo vệ sự sống của chúng ta, nhất thiết cần hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon. Mỗi nhà nên phân loại rác, đối với những rác thải như chai nhựa, giấy, túi nilon... gom lại bán phế liệu để tái sử dụng, vừa góp phần tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, vừa bảo vệ môi trường sinh thái. Ở những nơi công cộng, không nên tiện tay vứt rác bừa bãi mà phải tìm nơi có thùng rác để bỏ rác; khi đi chơi, picnic, nên thu dọn rác sạch sẽ, gọn gàng và vứt rác đúng nơi quy định, tránh vứt rác xuống dòng sông, lòng đường, hè phố. Chúng ta cần biết rằng,các túi ni lông không thể bị phân hủy sinh học nên chúng có thể tồn tại trong môi trường đến hàng trăm năm và để sản xuất ra 100 triệu túi nhựa phải tiêu tốn 12 triệu barrel dầu hỏa, vì vậy hãy sử dụng giấy, các loại lá… để gói sản phẩm thay vì sử dụng loại túi này. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc: không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt cá và thủy sản bằng xung điện vì sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trồng nhiều cây xanh cũng là hành động thiết thực để bảo vệ thiên nhiên. Bởi cây xanh là nguồn cung cấp oxi cho bầu khí không khí và nó cũng là nguồn hấp thụ khí cacbon, giảm xói mòn đất và hệ sinh thái. Mỗi người nên trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà mình để được tận hưởng không khí trong lành do cây tạo ra. Mặt khác, không nên bẻ cành, ngắt phá cây xanh; lên án, phê phán những trường hợp không biết giữ gìn và bảo vệ cây xanh nơi công cộng.Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất sử dụng trong vệ sinh hàng ngày đang là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh như Parkinson, ung thư và các bệnh liên quan đến não. Vì vậy, tại sao nhà nông lại không sử dụng các loại hóa chất có nguồn gốc từ thiên nhiên và tận dụng hiệu quả mối quan hệ đấu tranh sinh tồn giữa các loài trong tự nhiên để kiểm soát dịch hại?
Thiên nhiên ban tặng cho con người nhiều thứ, vậy mà ta không biết giữ gìn và bảo vệ nó. Để giờ đây, khi môi trường đang dần bị xuống cấp, xuất hiện nhiều loại “bệnh lạ” hơn, con người mới nhận thấy được tầm quan trọng của môi trường. Do vậy, hãy đối xử tốt với thiên nhiên, sống thân thiện với môi trường, mỗi người sẽ tận hưởng được những giây phút thư giãn, thoải mái trong bầu không khí trong lành, được tận hưởng những cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Ngược lại, nếu chỉ biết quyền lợi của cá nhân trước mắt mà làm tổn hại đến môi trường thì bản thân ta và cả con cháu ta ắt phải nhận lấy một hậu quả thật khó lường!
Vân Thu