CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:20/09/2024

Cần nâng cao trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật

      Trong lịch sử 75 năm hoạt động của mình, Liên Hợp Quốc luôn quan tâm đến người tàn tật trong phát triển xã hội. Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật là công cụ pháp luật quốc tế quan trọng, trao cho người khuyết tật và cộng đồng người khuyết tật trên khắp thế giới quyền được hưởng cuộc sống tốt hơn. Cách đây 7 năm, nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định: Chúng ta cần loại bỏ các thách thức cản trở sự hòa nhập và tham gia của những người khuyết tật trong xã hội, đặc biệt là thay đổi các hành vi phân biệt đối xử và thành kiến. Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên Hợp Quốc còn nhấn mạnh: Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để bảo đảm rằng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ thúc đẩy sự phát triển công bằng và bền vững, không loại trừ bất cứ ai. Điều này đòi hỏi phải bảo đảm sự tham gia thực sự vào các hoạt động có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những người khuyết tật bằng cách cung cấp cho họ một môi trường thuận lợi. Ở nước ta, Quốc hội khóa 13 đã phê chuẩn Công ước quốc tế về Người khuyết tật vào ngày 28/11/ 2014. Trước đó, ngày 30/7/1998 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 06 về Người tàn tật. Tại Điều 31 có quy định lấy ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc Người tàn tật. Năm 2010, Quốc hội thông qua Luật Người khuyết tật, tại Điều 11 chính thức ghi nhận ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày Người khuyết tật Việt Nam.

     

 Hằng năm, cứ đến ngày 18/4, khắp nơi trong cả nước đều có các hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày Người khuyết tật Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề người khuyết tật, quyền của người khuyết tật được hòa nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống như chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa trong cộng đồng. Kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 hằng năm còn là dịp để các tổ chức, tập thể, cá nhân có các hành động thiết thực như: giao lưu văn nghệ - thể thao, toạ đàm, hội nghị, hội thảo, tư vấn và tuyển dụng việc làm, tư vấn kỹ năng sống, hướng dẫn chăm sóc bảo vệ sức khỏe, khám, chữa bệnh miễn phí... dành cho người khuyết tật.

       Những năm qua, trên địa bàn huyện ta, người khuyết tật luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất. Thực hiện Luật Người khuyết tật cùng các chính sách, pháp luật liên quan, UBND các cấp đã thường xuyên, kịp thời kiểm tra, rà soát việc thực hiện chính sách cho người khuyết tật, gia đình có người khuyết tật nhằm động viên, khích lệ các đối tượng vươn lên hoà nhập cộng đồng. Các tổ chức đoàn thể, xã hội ở các địa phương luôn quan tâm, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của người khuyết tật, nhất là những người có công với đất nước, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người thuộc diện nghèo và cận nghèo. Triển khai tốt các hoạt động thăm, tặng quà người khuyết tật và các hoạt động văn hóa- tinh thần cho người khuyết tật. Người khuyết tật đã được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội tại cộng đồng, tặng nhà tình thương, phương tiện đi lại, công cụ lao động, được hỗ trợ trong tìm kiếm việc làm.

     Những năm trước đây, Hội Người khuyết tật huyện và từ năm 2019 là Hội Chữ thập đỏ huyện, luôn chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là Phòng  Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người dân về quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật, từ đó có những việc làm và hành động thiết thực chăm lo cho người khuyết tật. Vận động các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm thực hiện việc chăm sóc hỗ trợ, giúp đỡ về y tế, giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm đối với người khuyết tật; đào tạo, hướng dẫn người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin; phát hiện và can thiệp sớm đối với những người khuyết tật cần được phẫu thuật và sử dụng dụng cụ trợ giúp; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng; tổ chức thăm hỏi động viên người khuyết tật... Chính những hành động có tính nhân văn và thiết thực này đã giúp nhiều người khuyết tật vơi đi những mất mát, bất hạnh, vượt qua bệnh tật, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

       Đáng ghi nhận là đồng hành với Hội Chữ thập đỏ huyện, đã có nhiều tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện luôn tham gia đóng góp nhiệt tình công sức, tiền của vật chất vào các chương trình hoạt động do Hội vận động để giúp đỡ ủng hộ người khuyết tật của huyện, thể hiện tình thương, sự cảm thông, chia sẻ với người không may gặp bất hạnh. Dù ở cương vị nào và dù công việc có bận rộn đến đâu nhưng tất cả những “tấm lòng vàng” ấy vẫn luôn hướng về việc làm thiện nguyện; nếp nghĩ, cách sống của họ đã tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam luôn giàu lòng nhân ái, biết giúp đỡ, sẻ chia với những người gặp khó khăn. Hiện nay, mặc dù đã được cải thiện rõ nét nhưng cuộc sống của một số người khuyết tật trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh cả nước phải căng mình để chống chọi với đại dịch Covid-19. Phát huy những kết quả đạt được, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục hưởng ứng tích cực, chung tay ủng hộ, hỗ trợ thêm nguồn lực cho Hội Chữ thập đỏ huyện để phục vụ công tác chăm lo cho người khuyết tật, giúp họ có điều kiện hòa nhập vững chắc vào cộng đồng, vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Chúng ta nhận thức được rằng, để người khuyết tật được hòa nhập cộng đồng thì việc tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu việc làm là rất cần thiết, giúp họ có việc làm ổn định để cải thiện mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững ở từng địa phương. Các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho người khuyết tật cũng cần được quan tâm chu đáo. Những việc làm này không thể một tổ chức, một số cá nhân có lòng hảo tâm làm được, mà cần phải có sự quan tâm đầy trách nhiệm của tất cả cộng đồng. Về phía tổ chức Hội Chữ thập đỏ,cần tăng cường phối hợp cùng với Ngành Lao động - TB&XH và các ngành liên quan, các cấp chính quyền thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Đề án trợ giúp người khuyết tật; gỡ bỏ những rào cản để xây dựng một xã hội hòa nhập và tiếp cận cho tất cả mọi người.

Kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, hy vọng rằng, với việc phát huy truyền thống “ tương thân tương ái”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, với sự tham gia đầy trách nhiệm và có hiệu quả của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội, người khuyết tật trên địa bàn huyện ta sẽ giảm bớt những khó khăn, từng bước cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn./.

Vân Thu

 

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất