-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:22/11/2024
Mảnh đất Đại Quang anh hùng chằng chịt vết thương chiến tranh năm nào giờ đây đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Cái nghèo bị đẩy lùi, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.
Chăm lo con người
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc - Phan Xuân Quang, trong hành trình xây dựng và phát triển, xã Đại Quang luôn hướng đến mục tiêu chăm lo cho con người và thật sự mang lại hiệu quả. Đã có nhiều mô hình hay mà mặt trận, các hội - đoàn thể địa phương áp dụng tác động mạnh mẽ trong việc vận động, tập hợp quần chúng tham gia. Thành công bất ngờ nhất là phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Kết quả, trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xã Đại Quang được Bộ Công an tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc.
Trục ĐT609 đi qua địa bàn xã Đại Quang là lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Nhắc đến câu chuyện làm từ thiện, chúng tôi nghĩ về Hội Chữ thập đỏ xã Đại Quang, “đầu tàu” vận động xã hội chung tay vì cộng đồng. Trong 5 năm qua, riêng phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” hội đã vận động được hơn 1 tỷ đồng, qua đó trao tặng 3.807 suất quà cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, gia đình đặc biệt khó khăn. Hội cũng đã vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ, đỡ đầu cho 58 “địa chỉ nhân đạo”; phối hợp tổ chức các mô hình từ thiện như “Nồi cháo tình thương”, “Hộp cơm tình thương” gửi đến bệnh nhân nghèo; hỗ trợ kịp thời cho gia đình khó khăn, tai nạn đột xuất.
Nhà máy của Công ty CP Prime Đại Lộc giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở xã Đại Quang. Ảnh: C.T |
Phấn đấu về đích nông thôn mới Ngày 26.3.2013, đông đảo nhân dân đến từ 10 thôn trên địa bàn xã Đại Quang đã tham dự lễ phát động, ký giao ước thi đua xây dựng xã nông thôn mới (giai đoạn 2013 - 2017). Tháng 3 năm đó, địa phương chỉ đạt 5/19 tiêu chí theo quy định. Mặc dù gặp nhiều khó khăn hơn 3 năm qua, xã tiếp tục thực hiện đạt thêm 10 tiêu chí, mang lại sức sống mới, diện mạo mới. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Đại Quang giảm còn 3,7%, thu nhập bình quân đầu người 26,7 triệu đồng/năm. Với 4 tiêu chí chưa đạt (giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Quang đã lên “kịch bản” và quyết tâm thực hiện hoàn thành để được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2017. |
Chăm lo con người, song cách làm của tuổi trẻ Đại Quang lại khác. Cuối năm 2011, Đoàn xã Đại Quang bắt đầu nghĩ tới chuyện tạo dựng và giữ gìn mỹ quan, an toàn giao thông cho các tuyến đường trên địa bàn. Và rồi, “Đoạn đường thanh niên tự quản” thật sự “nở rộ” khi chính đoàn viên các chi đoàn thôn đảm nhận quản lý. Tiếp đó, tuổi trẻ Đại Quang lại hưởng ứng đi đầu phong trào “Ánh sáng đường làng”, tạo điều kiện đi lại an toàn cho nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Hướng về trẻ em nghèo, đoàn viên thanh niên trong xã đã quyên góp xây dựng một “Nhà nhân ái” tặng gia đình học sinh gặp khó khăn; vừa qua cũng đã trao một “Nhà khăn quàng đỏ”. Thể hiện trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, Đoàn xã Đại Quang vận động từ nhiều nguồn được gần 40 triệu đồng để hiện thực hóa công trình “Mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa” trong khuôn viên Trường THCS Nguyễn Du nhằm góp phần giáo dục học sinh về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 30.10.1946, tại nhà đồng chí Trương Liên (Phó Liên) ở thôn Hòa Thạch đã diễn ra cuộc họp quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân xã Đại Quang. Đó là cuộc họp thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam xã Đại Quang mang tên Quang Liệu, do đồng chí Trương Liên làm Bí thư Chi bộ. Cuối tháng 5.1951, Chi bộ Quang Liệu tổ chức đại hội và quyết định chuyển thành Đảng bộ xã Đại Quang do đồng chí Lê Văn Mính làm Bí thư. Đến tháng 3.1953, Đảng bộ tiến hành đại hội và bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 người do đồng chí Huỳnh Sanh làm Bí thư. Qua các kỳ đại hội đã cho thấy bước phát triển vượt bậc của Đảng bộ xã Đại Quang cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Sau ngày giải phóng, Đảng bộ xã tiếp tục lãnh đạo toàn dân chung tay xây dựng lại quê hương. Trải qua các cuộc kháng chiến, toàn xã Đại Quang có 66 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 340 liệt sĩ, 58 thương binh, 6 bệnh binh, 4 người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học và 42 người bị bắt tù đày. Xã Đại Quang vinh dự đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Trong công cuộc “trồng người”, nhờ tranh thủ nhiều nguồn vốn, Đại Quang có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị thiết bị giúp cho việc dạy - học tốt hơn. Đến nay Trường Mầm non Đại Quang là một trong số ít cơ sở mầm non trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Theo ông Đoàn Tám - Chủ tịch UBND xã Đại Quang, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn được địa phương chú trọng và các trường học khác trên địa bàn xã đều đã về đích thành công, trong đó 2 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2. “Năm năm gần đây, sự nghiệp giáo dục của xã Đại Quang có những chuyển biến tích cực trên các mặt, đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện. Hàng năm, trên địa bàn có 45 - 50 học sinh thi đỗ nguyện vọng 1 các trường đại học” - ông Đoàn Tám nói.
Thúc đẩy phát triển kinh tế
“Đại Quang có nhiều tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, lại có giao thông thuận lợi. Phát huy điều đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã ban hành nhiều chủ trương sát thực nhằm tận dụng lợi thế dọc các trục quốc lộ 14B, ĐT609 ngang qua để phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ” - ông Phan Xuân Quang đánh giá. Có thể nói, xã Đại Quang luôn phối hợp chặt chẽ trong thu hút đầu tư, và đã có nhiều doanh nghiệp về đặt nhà máy dọc quốc lộ 14B. Nhìn ra các xã khác của huyện, hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Đại Quang diễn ra sôi động nhất. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đại Quang - ông Nguyễn Ngọc Dũng thông tin, các doanh nghiệp trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho hơn 800 lao động địa phương, nhờ đó cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh sang ngành công nghiệp; các cơ sở tiểu thủ công nghiệp ngày càng được đầu tư mở rộng, tạo ra nhiều sản phẩm và thu nhập ổn định cho người dân. Nhờ vậy, tổng giá trị sản xuất của Đại Quang qua 5 năm đạt 181,7 tỷ đồng, tăng 6,81%/năm.
“Tập trung cho công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chúng tôi vẫn coi trọng phát triển nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm nền tảng ổn định” - ông Đoàn Tám nói. Xác định được lối đi, địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng lấy hiệu quả giá trị làm mục tiêu. Nhờ chuyển đổi cơ cấu kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại cây màu đem lại hiệu quả kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất đạt 80 - 100 triệu đồng/ha/năm. Tổng sản lượng cây có hạt 5 năm qua đạt 25 nghìn tấn, lương thực bình quân đầu người 430kg/năm… Trong chăn nuôi, đàn bò của xã phát triển mạnh với 1.467 con (trong đó có 968 bò lai). Nhiều hộ phát triển sản xuất theo mô hình nông - lâm kết hợp, điển hình là hộ ông Nguyễn Nho (thôn Song Bình). Trang trại nuôi dê, bò, gà, vịt và trồng rừng của gia đình ông Nho mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Quang - ông Nguyễn Văn Cường cho biết, trên địa bàn xã cũng đã có nhiều mô hình tổ hợp tác sản xuất hình thành, như Tổ hợp tác sản xuất chổi đót Trường An, Tổ hợp tác mộc dân dụng Trường An, Tổ hợp tác nông nghiệp Hòa Thạch, Tổ hợp tác Lâm Phong. Thấm thía bài học về kiểu làm ăn nhỏ lẻ, tự phát rồi “mất cả chì lẫn chài”, những mô hình này đã biết liên kết để sản xuất, vừa có nguồn lực đầu tư vừa dễ tìm đầu ra, giảm ô nhiễm môi trường.
CÔNG TÚ (Báo Quảng Nam)