Hôm nay:10/11/2024
Việc chăm lo, hỗ trợ về mặt vật chất lẫn tinh thần cho người khuyết tật (NKT) là hoạt động ý nghĩa được các cấp hội NKT huyện Đại Lộc chú trọng, nhằm tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để những hoàn cảnh không may mắn hòa nhập cộng đồng.
Trao xe lắc tay 3 bánh cho người khuyết tật ở Đại Lộc. Ảnh: Bích Liễu |
Hỗ trợ thiết thực
Bị mất một chân từ thời chiến, thương binh Phạm Dương Cầm (trú thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa) vừa được trao tặng thiết bị hỗ trợ vận động từ dự án Hỗ trợ NKT vận động. Những năm qua, không chỉ đối diện với nỗi mất mát do một chân bị thương nặng phải cắt bỏ mà ông Cầm còn phải đối mặt với tình trạng vết thương cũ hay sưng tấy, đau nhức do điều kiện phẫu thuật tháo khớp ở chiến trường thời ấy còn hạn chế. Những cơn đau hành hạ khiến ông trở nên bi quan, mặc cảm vì không giúp được gì cho vợ cho con. Khi nghe tin được hỗ trợ thiết bị vận động, ông Cầm rất vui. Ông chia sẻ: “Với dụng cụ được hỗ trợ, tôi có thể đi lại nhanh hơn và thoải mái hơn. Đặc biệt, có thể tự làm những công việc cá nhân, lại đủ khả năng làm việc nhẹ trong nhà để phần nào đỡ đần người thân”.
Ngồi cạnh đứa con gái bé bỏng bị chứng bại não, người mẹ trẻ Lê Thị Sương cảm thấy được an ủi khi được cộng đồng chia sẻ, hỗ trợ cho con chiếc xe để di chuyển. Chị Sương nói: “Cách đây 7 năm, đứa con gái đầu lòng của vợ chồng tôi sinh ra đã mắc bệnh bại não, mọi sinh hoạt không thể tự làm chủ. Gia đình đã trải qua những đau đớn nhưng cố gượng để lo cho con. Chồng đi làm ăn xa, một mình tôi rất vất vả trong việc chăm sóc con. Được hỗ trợ xe di chuyển, từ nay tôi có thể đưa con đi đây đi đó cho khuây khỏa chứ không để bé ở nhà mãi như trước đó. Hơn nữa, có thể tranh thủ làm thêm việc nhà khi con ngồi chơi trên xe”…
Trong đợt trao thiết bị hỗ trợ vận động tại Đại Nghĩa lần này, bà Nguyễn Thu Huyền - điều phối viên Dự án Hỗ trợ NKT vận động (Trung tâm Quốc tế/Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam) cho hay, dự án được triển khai từ tháng 7.2015 tới 30.9.2020. Do đó, sẽ có thêm rất nhiều NKT được chia sẻ, hỗ trợ vươn lên trong cuộc sống. Tới thời điểm này, dự án đã tổ chức hỗ trợ cho 245 NKT ở Quảng Nam về dụng cụ, thiết bị vận động. Trước đó tại Đại Lộc, trong năm 2015, dự án đã phối hợp với Trạm Y tế xã Đại Đồng tổ chức khám sàng lọc cho 75 NKT trên địa bàn xã, trong đó có 18 trường hợp được nhận dụng cụ hỗ trợ như xe lăn, xe lắc, nạng chống, xe đạp phục hồi chức năng, nạn khủy tay, khung tập đi. Cũng đã có 35 NKT tật vận động được chuyển ra Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng để khám và làm tay chân giả, nẹp chỉnh hình. Trong tháng 2.2016, dự án cũng đã phối hợp với Hội NKT huyện Đại Lộc cấp 35 chân tay giả và xe lăn, xe lắc tay ba bánh, cấp nạng nẹp cho gần 60 NKT với tổng trị giá 428 triệu đồng. Tiếp đến, vào tháng 9.2016, dự án phối hợp với Sở Y tế Quảng Nam, trực tiếp là Khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam trao tặng dụng cụ trợ giúp cho 68 NKT của 3 xã Đại Nghĩa, Đại Cường và Đại Thắng. “Đây là những món quà ý nghĩa, thiết thực nhằm giúp NKT có phương tiện đi lại, sinh hoạt và làm việc dễ dàng hơn, giảm gánh nặng cho gia đình xã hội. Đồng thời giúp NKT có thêm động lực, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống” - bà Huyền chia sẻ.
Chăm lo cho NKT
Cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên luôn được các cấp hội NKT huyện Đại Lộc chú trọng. Ông Trương Tấn Bửu - Chủ tịch Hội NKT huyện Đại Lộc cho biết, thời gian qua Hội NKT huyện thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền Luật NKT, Công ước quốc tế về NKT và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NKT. Hội đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận cho NKT ở tất cả dạng tật trên địa bàn. Trên cơ sở đó, kêu gọi, vận động sự hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện, nhân đạo trong và ngoài tỉnh để giúp đỡ, động viên NKT vượt qua số phận, nỗi đau trong cuộc sống đời thường, hòa nhập cộng đồng. Hội đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ NKT nghèo vào các dịp lễ, tết với hàng nghìn suất quà, tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Hội còn phối hợp với Tổ chức CRS Việt Nam thực hiện dự án “Hòa nhập xã hội cho NKT thông qua phát triển và tăng cường liên kết mạng lưới các tổ chức của NKT” tại 5 xã: Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Đồng, Đại Hưng và Đại Minh, tổng kinh phí thực hiện từ đầu năm 2016 đến nay là 78,3 triệu đồng. Đồng thời cùng với Tổ chức VVAF (Quỹ Cựu chiến Binh Mỹ tại Việt Nam) hỗ trợ cấp 35 chân tay giả, cấp xe lăn, xe lắc tay ba bánh, cấp nạng, nẹp cho hơn 60 NKT tổng trị giá 428 triệu đồng. Nguồn vận động của hội 6 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 600 triệu đồng, qua đó giúp đỡ cho 230 NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ông Trương Tấn Bửu cho biết thêm, hoạt động hỗ trợ sinh kế cho NKT có sức lao động thông qua các khóa dạy nghề được các cập hội luôn quan tâm. Trong đó, Hội NKT huyện và Tổ chức Apheda Việt Nam đã phối hợp mở lớp đào tạo nghề điêu khắc gỗ và nghề sản xuất chổi đót cho gần 50 học viên NKT. Sau khóa học, đa số học viên đều thành thạo nghề, có thu nhập ổn định 2 - 3 triệu đồng/tháng. Hội còn phối hợp với nhiều tổ chức xã hội, chính quyền địa phương tổ chức các khóa học nhạc, làm hương, mây tre đan, may công nghiệp… để giúp NKT có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Ngoài nguồn quỹ hội, hàng năm các tổ chức xã hội đã hỗ trợ hàng tỷ đồng trợ giúp cho NKT thông qua các hoạt động như: nhận nuôi dưỡng NKT, trao học bổng, góc học tập; hỗ trợ cải thiện nhà ở, trợ cấp khó khăn cho NKT… Không chỉ chăm lo về mặt vật chất, các cấp hội còn chăm lo đời sống tinh thần cho NKT bằng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như liên hoan “Tiếng hát từ trái tim”; tổ chức đoàn vận động viên NKT tham gia các giải thi đấu trong huyện, tỉnh… “Việc chăm lo cho NKT đã trở thành nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Chúng tôi rất cần sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa của xã hội để NKT có “điểm tựa”, vượt qua những mặc cảm, mất mát của bản thân để vươn lên hòa nhập cộng đồng” - ông Bửu nói.
HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU (Báo Quảng Nam)