CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:24/11/2024

Hãy chung tay phòng, chống xâm hại trẻ em

       Theo Điều 4 của Luật Trẻ em năm 2016, xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Xâm hại trẻ em là vấn đề toàn cầu, nó xảy ra ở mọi quốc gia trên thế giới và có thể xảy ra với bất kỳ đứa trẻ nào. Xâm hại trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể xác và tâm lý đối với nạn nhân. Những hậu quả đó cũng ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.Trong các hành vi xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em là những hành vi nguy hiểm cho xã hội,xâm phạm tới tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự và sự phát triển bình thường về mặt tâm sinh lý của trẻ em. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đã được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015.Mặc dù pháp luật quy định cụ thể, các ngành, các cấp cũng đã triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ngày càng phức tạp; đặc biệt là gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin trong cả nước xảy ra rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, có nhiều vụ trẻ em bị hiếp dâm khi còn rất ít tuổi (dưới 6 tuổi), trẻ bị hiếp dâm nhiều lần, có tính chất loạn luân… gây hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm, sinh lý cho nạn nhân, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Thực tế cho thấy, mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, kể cả trẻ em sống trong gia đình nghèo khó hay khá giả, sau khi bị xâm hại, nạn nhân thường không dám kể về những gì đã diễn ra với bản thân; hầu hết những người xâm hại tình dục là nam giới và là người quen biết, như: họ hàng, bạn của gia đình, hàng xóm,… với bị hại. Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng sự tin tưởng, sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng lòng tốt (cho quà, tiền hoặc lợi ích vật chất khác) nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Trẻ em có thể bị xâm hại tình dục dưới nhiều hình thức khác nhau; địa bàn và thời điểm xảy ra vụ xâm hại tình dục trẻ em thường là những nơi vắng vẻ, chỉ có đối tượng và nạn nhân nên hầu hết nếu có sự kháng cự thì đối tượng vẫn thực hiện hành vi cho đến cùng. Hành vi xâm hại tình dục sẽ làm tổn thương cho trẻ vào thời điểm khi hành vi xâm hại diễn ra và có thể tiếp tục gây tổn thương trong suốt quãng đời còn lại của nạn nhân, đặc biệt đối với những trẻ không thể kể hết về sự xâm hại này hoặc không nhận được sự bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ từ phía gia đình và xã hội.

      Để đề phòng và ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em, trước hết các bậc cha mẹ và nhà trường cần chú ý rèn luyện ý thức và kỹ năng phòng chống xấm hại cho trẻ em. Lâu nay chúng ta thường dạy trẻ nhiều kỹ năng sống như tự lập trong hoạt động hàng ngày, chia sẻ, làm việc nhóm… nhưng lại quên mất việc giáo dục cho trẻ cách bảo vệ bản thân khỏi xâm hại. Các chuyên gia về trẻ em và giới tính kiến nghị những kỹ năng cần phải giáo dục cho trẻ, đó là dạy trẻ ranh giới tiếp xúc cơ thể nguy hiểm. Hãy thường xuyên tâm sự với trẻ về những hoạt dộng hàng ngày, tạo thói quen giúp trẻ có thể thoải mái chia sẻ bất kỳ chủ đề nào với bố mẹ. Nếu nhận thấy hành vi không được chấp nhận hoặc hành vi đáng ngờ qua lời kể của trẻ, người lớn phải có trách nhiệm xử lý các hành vi đó. Bên cạnh đó, cần dạy trẻ những kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm . Trẻ em thường ngại khi từ chối người khác, đặc biệt là bạn hơn tuổi hoặc người lớn vì sợ hay e ngại bị ghét, bị cô lập và dễ hoảng sợ khi bị dọa nạt. Do vậy, nên dạy cho trẻ những kỹ năng từ chối người khác, kỹ năng thoát khỏi các tình huống nguy hiểm. Ở nhà, cha mẹ có thể dạy con bằng cách đưa ra các tình huống và hỏi con sẽ xử lý thế nào nếu gặp phải, hướng dẫn con cách xử lý tốt nhất. Ở trường học, các thầy cô cần tổ chức các buổi chia sẻ, tọa đàm về vấn đề này để trẻ có thể đặt câu hỏi và được hướng dẫn cách thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý, đó là dạy trẻ cách nói chuyện với bố mẹ, người thân khi bị xâm hại. Trẻ em biết rõ thủ phạm xâm hại mình là ai. Nhưng vì nhiều lý do, trẻ thường giữ im lặng về việc bị xâm hại. Khi đó, cần nói với trẻ rằng con sẽ không gặp phải bất kỳ rắc rối gì nói chuyện này. Khuyến cáo trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật. Ngoài việc để trẻ nói ra khi bị xâm hại, cha mẹ nên chú ý đến biểu hiện của trẻ, ví dụ như đột nhiên hoảng sợ khi ai đó chạm vào người, không thích tiếp xúc hay tránh xa những người mà trước đây bé rất quý mến,…Việc chú ý đến hành vi sẽ giúp bố mẹ và nhà trường nhanh chóng phát hiện ra tình huống mà trẻ gặp phải.

       Phòng, chống xâm hại trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hình sự, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em cho nhân dân. Đặc biệt, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng thực hiện tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cho mọi người, mọi nhà được biết; mặt khác hướng dẫn cho cha mẹ và người lớn nắm được các biện pháp phòng ngừa tội phạm, bảo vệ chính con em của mình. Thực tiễn cho thấy việc nâng cao ý thức cảnh giác của người dân có tác dụng làm cho đối tượng phạm tội không có cơ hội thực hiện hành vi, từ bỏ ý định phạm tội. Bên cạnh đó, ​ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em. Về phía ngành Công an, cần tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cho lực lượng Công an cấp xã, lực lượng bảo vệ tổ dân phố, khu dân cư, trường học... để công tác phòng ngừa được thực hiện tốt từ cấp cơ sở. Đồng thời, nghiên cứu để xác định chính xác những nguyên nhân, điều kiện của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nhằm tiến hành các biện pháp đấu tranh, loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện của tội phạm này ra khỏi xã hội.

     Theo Hiệp hội An toàn thông tin, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đã có trên 64 triệu người dùng Internet, chiếm hơn 66% dân số. Số người dùng Internet như vậy được xem là ở mức cao trên thế giới. Việt Nam cũng có tới 62 triệu người dùng mạng xã hội. Trong số đó, 96% người sử dụng tài khoản Youtube và 95% có tài khoản Facebook. Hơn một phần ba trong số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người vị thành niên và thanh niên. Đáng lo ngại là hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. 1/4 số trẻ được khảo sát chia sẻ rằng các em từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. 1/3 số trẻ sử dụng mạng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Chưa bao giờ việc tiếp cận trẻ em và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, làm thế nào để mọi trẻ em được hưởng lợi ích từ sử dụng internet mà không có nguy cơ và  trẻ vị thành niên là nạn nhân của các hình thức xâm hại trong môi trường mạng phải được phát hiện và hỗ trợ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và quốc gia. Đối với tổ chức Đoàn thanh niên, cần phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho trẻ em kiến thức về sử dụng Internet, mạng xã hội, kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường mạng hoặc lồng ghép trong các hoạt động, trại hè kỹ năng cho thiếu nhi. Đồng thời, tăng cường triển khai các hoạt động lành mạnh trên mạng xã hội cho thiếu nhi nhằm tạo ra sân chơi bổ ích, giúp các em có môi trường vui chơi, giải trí, học tập đạt hiệu quả nhất.

Vân Trình

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất