CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:17/05/2024

Khẩn trương ứng phó bão số 10

Sáng nay 14.9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến với 32 bộ ngành liên quan và 25 địa phương dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 10 để chỉ đạo công tác ứng phó. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì đầu cầu Quảng Nam.

Phí
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp tại đầu cầu Quảng Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Quảng Nam còn 391 tàu hoạt động trên biển

Hiện bão số 10 tiếp tục mạnh lên, di chuyển với tốc độ 20km/giờ theo hướng tây tây bắc, từ ngày mai 15.9 đến 16.9 bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta với sức gió mạnh dần lên cấp 9 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 12, giật cấp 14 - 15, kèm theo nước dâng, mưa lớn trên diện rộng. Tâm bão dự kiến ảnh hưởng các tỉnh từ Nghệ An đến Hà Tĩnh. Từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có gió gật cấp 6 - 7, lượng mưa 100 - 300mm. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua, đang tiến vào đất liền Việt Nam với cấp độ 4 trên 5 thang cấp độ rủi ro thiên tai. Đến 7 giờ sáng nay 14.9, vị trí tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 500km, cách Hà Tĩnh 700km.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam cho biết, tính đến 6 giờ sáng nay địa phương có 391 tàu với 3.908 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó 218 tàu/3.405 lao động hoạt động xa bờ, hành nghề câu mực, chụp mực và lưới vây; tàu hoạt động gần bờ có 173 tàu/503 lao động. Số tàu hiện nay đang neo đậu vào bờ là 3.887 tàu.

Đối với 73 hồ chứa thủy lợi, hiện đã có 2 hộ chứa Nước Rôn và Đá Vách đã tích đầy nước, các hồ còn lại đạt dung tích 40 - 70%. Riêng đối với hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Đắc Mi 4 có cao trình mực nước thấp hơn mực nước đón lũ; hồ A Vương có cao trình nước lớn hơn mực nước đón lũ và đơn vị đang thực hiện điều tiết qua tràn với lưu lượng trung bình 25 - 300m3/giây.

Hiện toàn tỉnh đã thu hoạch 36.484/43.289ha lúa nước vụ hè thu, 3.500/6.464ha bắp, 3.727/9.200ha các loại rau; riêng mè, đậu xanh, đậu phụng, dưa hấu đã thu hoạch xong.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, vùng biển Quảng Nam hôm nay 14.9 có mưa rào rải rác và dông, trong cơn dông cần đề phòng có gió giật mạnh, gió bắc đến tây bắc cấp 5, sau mạnh dần lên cấp 6 - 7, sóng biển cao 2 - 3m, biển động, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. 

Dự báo đường đi của cơn bão số 10, cập nhật đến 9h sáng nay 14-9 - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương
Dự báo đường đi của cơn bão số 10, cập nhật đến 9 giờ sáng nay 14.9. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua, sau cơn bão đổ vào Đà Nẵng năm 2006. "Nếu chúng ta không có phương án chủ động ứng phó kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường" - Phó Thủ tướng lưu ý đến các bộ ngành, địa phương. 

Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ưu tiên hàng đầu là phải tập trung đảm bảo an toàn các hoạt động trên biển; tập trung kiểm đếm, thông tin để tàu thuyền còn hoạt động trên biển tìm nơi tránh trú an toàn. "Ngoài ra, phải chủ động có các phương án để đảm bảo an toàn cho các hoạt động thăm dò dầu khí; trang bị phương tiên, cơ sở vật chất đảm bảo an toàn cho lực lượng vũ trang hoạt động trên biển" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Đối với vùng ven biển và trên bờ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền neo đậu, các địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo cấm biển những vùng biển không an toàn ngay trong ngày hôm nay 14.9; tập trung thu hoạch lúa, hoa màu, bảo vệ lồng bè nuôi thủy sản; bảo vệ các công trình, gia cố nhà cửa, không để xảy ra tình trạng mất điện; vận hành hồ chứa một cách an toàn nhất; chủ động phương châm "4 tại chỗ"; theo dõi hoàn lưu bão để tránh thiệt hại... (Q.CHÂU - ALĂNG NGƯỚC)

Hội An: 3 tàu mất liên lạc

Cũng trong sáng nay 14.9, tại Hội An, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND thành phố chủ trì cuộc họp với các ban ngành để triển khai phương án phòng chống bão số 10 tại địa phương.

Chủ tịch UBND TP.Hội An chủ trì cuộc họp lên phương án phòng chống mưa bão. Ảnh: XUÂN THỌ
Chủ tịch UBND TP.Hội An chủ trì cuộc họp lên phương án phòng chống mưa bão. Ảnh: XUÂN THỌ

Theo ông Dũng, dù hướng đi của bão số 10 từ Nghệ An - Hà Tĩnh, nhưng không vì thế mà chủ quan vì bão có thể chuyển hướng bất cứ lúc nào. Đối với các địa phương ven biển, ông Dũng yêu cầu các ban ngành, địa phương liên quan cần phải kiểm tra, rà soát lại những nhà tạm, tránh lặp lại sự việc bão số 6 năm 2016 làm sụp một số nhà tạm ở các địa phương ven biển.

Thượng tá Trần Văn Ba - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại cho biết sau khi có thông tin bão số 10, đơn vị đã triển khai bắn pháo thông báo cho các phương tiện đánh bắt trên biển vào bờ trú bão. Tính đến sáng nay 14.9, còn 11 phương tiện chưa vào bờ. Trong đó, có 8 phương tiện đồn biên phòng đã liên lạc được và đang trên đường vào bờ, dự kiến 14 giờ chiều nay sẽ vào đến bờ; 3 phương tiện còn lại không kết nối được liên lạc nên đồn biên phòng đã cử người đến nhà thông báo.

Ngoài tàu thuyền của ngư dân, Thượng tá Ba cho biết còn có khá nhiều ca nô du lịch đang neo đậu trên sông Cổ Cò, khi lực lượng của đơn vị đi tuần tra thì không thấy người, do đó Thượng tá Ba yêu cầu chính quyền địa phương phải thông báo cho chủ các phương tiện chủ động đưa phương tiện về nơi an toàn. Thượng tá Ba khuyến cáo các phương tiện không nên neo đậu giữa dòng chảy, người dân không nên đánh bắt cá lúc bão, lũ.

Vùng neo đậu ở Cẩm Thanh có số lượng lớn ca nô du lịch, do đó ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An yêu cầu đồn biên phòng và chính quyền xã Cẩm Thanh cần rốt ráo hướng dẫn các phương tiện vào neo đậu một cách nhanh và trật tự nhất.

Ngoài ra, đối với một số phường có nhà cổ, ông Dũng yêu cầu các bên liên quan cần phải nhanh chóng kiểm tra lại, lên kế hoạch đối phó nhằm giảm thiểu thấp nhất rủi ro nếu bão số 10 đổ bộ vào Hội An. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng yêu cầu tạm dừng thi công tất cả các công trình xây dựng cơ bản trên thành phố, thu xếp lại các phương tiện, vật liệu thi công; cắt tỉa cây xanh, nhất là những cây lớn, có nguy cơ đổ ngã cao…

Hội An là một trong các địa phương dễ bị tác động bởi mưa, bão. Ảnh XUÂN THỌ
Hội An là địa phương dễ bị tác động bởi mưa bão. Ảnh XUÂN THỌ

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An đưa ra một số đề xuất cần phải làm ngay. Thứ nhất: vụ lúa hè thu tương đối tốt, tuy nhiên, do quá trình sạ trễ và không đồng đều gây khó khăn cho việc gặt thu hoạch, nên đề nghị các xã phường phải có kế hoạch giúp dân gặt trước khi bão và mưa lớn vào. Thứ 2: đối với bờ biển, Văn phòng UBND thành phố đã có kiểm tra bờ biển ở đoạn vườn tượng và đề xuất phương án dùng bao cát kè để giảm thiểu nguy cơ tác động trước khi các dự án của tỉnh triển khai. Thứ 3: bên cạnh các phương án phòng chống bão, cần triển khai các phương án phòng chống lũ lụt bởi các thủy điện ở thượng nguồn đã tích nước vượt ngưỡng; nếu bão vào cùng mưa kéo dài, các thủy điện sẽ tiến hành xả lũ nên cần phải triển khai thêm phương án chống lũ lụt. (XUÂN THỌ)

Cửa Đại, Cù Lao Chàm: Tích cực hướng dẫn phương tiện trú bão

Đến 11 giờ trưa nay 14.9, Đồn Biên phòng Cửa Đại đã yêu cầu trên 130 ca nô cao tốc chuyên phục vụ du lịch tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Hội An) của 38 doanh nghiệp lữ hành vào nơi tránh trú an toàn. Đồng thời hướng dẫn gần 1.000 phương tiện tàu thuyền đánh bắt của ngư dân Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An và tàu thuyền của các tỉnh thành khác đang đánh bắt trong khu vực vào tránh trú tại âu thuyền Hồng Triều (Duy Nghĩa, Duy Xuyên), âu thuyền Cẩm Nam và rừng dừa nước Cẩm Thanh (Hội An).

Suốt đêm, chỉ huy và thông tin liên lạc Biên phòng Cửa Đại kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão bào ICOM
Đồn Biên phòng Cửa Đại kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão thông qua Icom từ đêm qua 13.9. Ảnh: MINH HẢI

Thượng tá Trần Văn Ba - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại cho biết: "Sau khi nhận được lệnh từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, từ chiều 13.9, chúng tôi đã cấm tất cả các phương tiện từ tàu thuyền đánh bắt của ngư dân đến tàu du lịch không được ra cửa biển. Bên cạnh đó tổ chức ngay phương án sẵn sàng phòng chống bão, phối hợp cùng với Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm bắn pháo hiệu và dùng Icom liên lạc, kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ, hướng dẫn tàu thuyền ngoài khơi thoát khỏi vùng nguy hiểm".

Thượng tá Trần Văn Ba thông tin thêm, sáng nay 14.9, đơn vị đã chỉ đạo toàn lực lượng cán bộ, chiến sĩ của đồn ra kêu gọi và hướng dẫn các phương tiện vào nơi trú tránh an toàn. Đồng thời thông báo đến nhân dân ven biển từ Điện Bàn đến Bình Dương (Thăng Bình) tình hình để chằng chống nhà cửa.

Biên phòng Cửa Đại yêu cầu các phương tiện du lịch rời bến Cửa Đại về nơi trú an toàn
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa Đại thông báo yêu cầu các phương tiện du lịch rời bến Cửa Đại về nơi tránh trú an toàn. Ảnh: MINH HẢI

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Thượng tá Lê Bảy - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm cho hay, đến 10 giờ sáng nay, đơn vị đã kêu gọi và hướng dẫn trên 100 phương tiện đánh bắt của bà con ngư dân trên đảo vào âu thuyền Cù Lao Chàm tránh trú. Riêng tại thôn Bãi Hương (xã Tân Hiệp, Hội An), ngoài các thuyền có công suất 22 - 45CV được huy động vào âu thuyền thì số còn được nhân dân và lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm đưa lên bờ.

"Chúng tôi cũng bắt buộc hơn 10 tàu hàng hải đang neo tránh bão ở Cù Lao Chàm phải vào cảng Đà Nẵng tránh trú an toàn. Hiện các lực lượng đang phối hợp cùng người dân và Đoàn thanh niên xã Tân Hiệp giúp dân chằng chống nhà cửa" - Thượng tá Lê Bảy nói.

Tàu thuyền ngư dân vào trú bão tại rừng dừa nước Cẩm Thanh
Tàu thuyền ngư dân vào trú bão tại rừng dừa nước Cẩm Thanh. Ảnh: MINH HẢI

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay trong sáng 14.9, để bảo vệ an toàn tài sản cho doanh nghiệp cũng như tính mạng du khách, các khách sạn ven biển tại Hội An cũng nỗ lực gia cố khách sạn trước nguy hiểm của gió lớn và sóng biển dâng cao. (MINH QUÂN)

Núi Thành: Đang khẩn trương liên lạc với tàu cá hoạt động trên biển

Sáng nay 14.9, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành Nguyễn Đình Sơn cho biết, hiện nay, các tàu cá đánh bắt xa bờ của Núi Thành vẫn đang hoạt động khai thác hải sản bình thường ở phía nam quần đảo Trường Sa do khu vực này không nằm trong vùng bị ảnh hưởng của bão số 10.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của ngư dân địa phương, huyện Núi Thành đang phối hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng, các xã ven biển để nắm thông tin, liên lạc với các tàu cá đang đánh bắt trên ngư trường Trường Sa để cung cấp thông, hướng dẫn các tàu cá tránh ảnh hưởng của bão số 10 được an toàn.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Núi Thành đang yêu cầu các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó với bão, kiểm tra các vùng trũng, ngập úng, các khu vực đê xung yếu để chủ động ứng phó khi có sự cố. Đồng thời yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi thông tin, báo cáo tình hình các hồ chứa nước, đập thủy lợi trên địa bàn huyện. (ĐOÀN ĐẠO) 

(Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất