CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:20/09/2024

Cộng đồng diễn tập phòng chống thiên tai

Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án Quản lý thiên tai (WB5), sáng 4.10, xã Đại Tân (Đại Lộc) phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tại cộng đồng, thu hút trên 170 đối tượng tham gia.

Ứng cứu người bị nạn. Ảnh: X.TRINH
Một tình huống ứng cứu người bị nạn tại buổi diễn tập. Ảnh: X.TRINH

Theo kịch bản, một tình huống giả định đặt ra là có thông tin cảnh báo trên biển Đông xuất hiện cơn bão số 11 có tên quốc tế Haima và đang hướng về phía bờ biển các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ. Trong 12 giờ tới, bão có khả năng đổ bộ vào đất liền trong phạm vi từ tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, trong đó Quảng Nam được dự báo sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 11, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, 12. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, tây bắc với vận tốc mỗi giờ đi được 15-20km. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có sức tàn phá lớn. Kèm theo bão sẽ có mưa to đến rất to, dự báo mực nước sông Thu Bồn và Vu Gia có khả năng lên trên mức báo động III 1-2m, gây ngập lụt ở nhiều địa phương, trong đó có Đại Tân. 

Để ứng phó với bão lũ, một cuộc họp khẩn của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã diễn ra; 25 thanh niên thuộc Đội xung kích của xã sẵn sàng nhận lệnh phục vụ công tác ứng phó. Phương tiện cứu hộ cứu nạn gồm 30 áo phao, 10 phao tròn, 2 thuyền máy, 1 máy cưa... Các nhu yếu phẩm, nước uống phục vụ cho nhân dân trong quá trình sơ tán và trong tình trạng ngập lụt kéo dài được chuẩn bị sẵn sàng. Tám nhân viên y tế xã, 20 cơ số thuốc… sẵn sàng ứng cứu người gặp nạn; 3.000 viên Clorphelamin B phục vụ khử trùng các giếng nước sau khi bị ngập lụt. Các bản tin cảnh báo được phát rộng rãi trong nhân dân. 

Một tình huống giả định thứ 2 là trong quá trình sơ tán đến nơi an toàn để tránh trú bão lũ, có 4 người dân bị té ngã, gãy cẳng chân, cẳng tay, một số người trong nhóm đưa nạn nhân đi sơ tán kêu cứu. Đội xung kích của xã được lệnh ứng cứu, đưa nạn nhân đến trạm y tế lưu động hỗ trợ băng bó vết thương. Tình huống thứ 3, do gió bão, 2 nhà dân ở thôn Mỹ Nam bị sập, gây thương tích một số người dân đang trú bão trong nhà. Đội xung kích tìm cách tiếp cận các ngôi nhà bị sập, đưa được người bị thương ra khỏi khu vực nguy hiểm, sơ cứu vết thương và khiêng cán nạn nhân về trạm y tế lưu động của xã. 

Tình huống giả định thứ 4 là do ảnh hưởng của bão số 11 kèm mưa to, lưu vực hồ Hố Chình có nguy cơ bị nước tràn qua đập ở một số vị trí. Mực nước có khả năng tràn đập và có nguy cơ gây mất an toàn công trình, ảnh hưởng nghiêm trọng về người và tài sản ở vùng hạ du. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Tân báo cáo đề nghị chi viện lực lượng ứng cứu, khắc phục sự cố. Sau khi nhận lệnh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã, Đội xung kích mang theo cuốc xẻng, xe bò, vật liệu tiến hành di chuyển đến đập Hố Chình trong vòng 30 phút để ứng cứu cho công trình khi có tình huống xấu xảy ra. Công điện mới nhất, bão số 11 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sẽ tan dần khi đến biên giới Việt - Lào. Công tác thống kê, báo cáo sơ bộ thiệt hại về người và tài sản cũng như việc tổ chức đoàn đến thăm hỏi những gia đình có nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bão lũ được triển khai ngay sau khi bão tan lũ rút.

Buổi diễn tập đã thành công trong không khí khẩn trương, huy động sức mạnh tổng hợp của chính quyền và nhân dân. Ông Đoàn Kim Bình - Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho biết: “Trong bối cảnh thiên tai, bão lụt ngày càng diễn biến phức tạp thì những đợt diễn tập như thế này giúp chính quyền và người dân ở cơ sở nâng cao năng lực triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Ngoài đợt diễn tập lần này, xã còn chú trọng tới việc tập huấn, nâng cao ý thức trong cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó với thiên tai tự trong mỗi gia đình, mỗi khu dân cư, mỗi cơ quan, đơn vị”. Tham gia tích cực vào buổi diễn tập, ông Trương Văn Chín (xã Đại Tân) cho hay: “Với người dân chúng tôi, được tham gia vào các buổi diễn tập như thế này sẽ giúp có thêm kinh nghiệm trong ứng phó với thiên tai, lũ lụt xảy ra hằng năm. Các cấp ngành cần quan tâm nhân rộng mô hình diễn tập này tại các khu dân cư để người dân hưởng lợi”.

Ông Trương Văn Minh - đại diện Ban quản lý Dự án WB5 chia sẻ, giai đoạn 2016-2017, Quảng Nam có 10 xã thuộc 2 huyện Đại Lộc (6 xã) và Duy Xuyên (4 xã) được hỗ trợ từ dự án. Nhiều xã trong số đó đã được hỗ trợ các đợt diễn tập ứng phó với thiên tai, bão lũ từ cộng đồng. Không chỉ diễn tập, 10 xã trên còn được hỗ trợ tổ chức hội thi văn nghệ và tìm hiểu kiến thức về chủ đề PCTT, 21 trường học của 10 xã này cũng đã tổ chức hội thi rung chuông vàng về chủ đề PCTT trong trường học. Từ nay đến cuối năm 2017, ở Đại Lộc dự kiến hoàn thành 3 tuyến đường cứu nạn, cứu hộ tại các xã Đại Phong, Đại Minh, Đại Cường; vào tháng 1.2018, sẽ hoàn thành 3 nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai tại Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Tân. Ước tính, tổng kinh phí từ các dự án PCTT trên hơn 13 tỷ đồng…

HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất