-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:23/11/2024
Câu chuyện về cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đại Lộc giúp đỡ, đưa một sản phụ Duy Xuyên đi sinh nở, bất chấp dòng nước lũ chảy xiết; cảnh những người dân quê Đại Hưng hì hục khơi thông cát bùn để học sinh đến trường đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng bao người…
Dân xã Đại Hưng sửa đường cho trẻ con đi học. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
1. Chị Vũ Thị Việt Trinh (23 tuổi, quê Duy Xuyên) cùng gia đình đang rất hạnh phúc bên đứa con gái bé bỏng vừa chào đời nặng gần 3kg tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam. Tới lúc này, chị Trinh vẫn không thể nào quên được cách đây 3 ngày, chị đột ngột trở dạ giữa mưa gió, giữa cảnh nước lũ dâng cao, cuồn cuộn chảy trên sông Thu Bồn. Phải liều lĩnh và vất vả lắm, người thân và chính quyền địa phương mới huy động được phà vượt lũ dữ đưa chị vượt sông sang đất Đại Lộc để tới bệnh viện tuyến tỉnh. Bởi không còn cách nào khác, đưa người đi cấp cứu là quan trọng. Song, một gian nan không kém là tuyến đường qua Quảng Huế (Đại An) lúc đó đã bị cô lập, chảy xiết và phương tiện đưa chị đi sinh không thể qua lại đoạn này. “Giữa lúc khó khăn, gia đình em đã cầu cứu công an xã và rất may mắn cho mẹ con em là được cán bộ, chiến sĩ Công an huyện giúp đỡ nhiệt tình, chứ không thì không biết sự thể thế nào” - chị Trinh chia sẻ.
Nói về câu chuyện giúp dân giữa mưa lũ, Trung tá Lê Nho Tâm - Trưởng Công an huyện Đại Lộc tâm sự: “Đó là việc mà chúng tôi cần làm thôi”. Trung tá Tâm kể, lúc đó, khoảng 8 giờ sáng 16.12, thời điểm nước lũ dâng cao trên địa bàn huyện thì tôi nhận được tin báo khẩn từ Công an xã Đại An về một ca sinh khó, phải có sự can thiệp của bệnh viện tỉnh thì hy vọng ca sinh mới thành công. Đề nghị Công an huyện giúp đỡ… Thế là chúng tôi nghĩ ngay đến việc cần làm là huy động cả chục người, dùng ô tô cơ động kéo ca nô ra hướng xã Đại An… “Khi xong việc đâu vào đấy rồi, ai nấy trở về, lo túc trực vì thời điểm này lũ đang lên nhanh, vượt mức báo động 3. Khi nghe hỏi cô gái ấy tên chi, bao nhiêu tuổi, ở xã nào thì ai nấy chỉ biết nhìn nhau cười vì lúc đó chỉ lo đưa người đi cấp cứu an toàn, mọi việc hết sức khẩn trương nên… quên hỏi! Phải điện hỏi lại công an xã, mới biết cô ấy tên Trinh” - Trung tá Tâm vui vẻ kể lại.
Mẹ ruột của chị Trinh những ngày này túc trực ở bệnh viện để chăm nuôi con gái và cháu ngoại. Bà vẫn nhớ như in cái cảm giác sợ hãi, lo lắng tột độ khi con gái mình đột ngột chuyển dạ giữa lúc nước lũ cuồn cuộn đổ về, tắc hết đường sá, nước sông chảy xiết. Giữa cái lạnh, cái rét mà ai nấy toát mồ hôi hột. Lúc sang được bên bờ Đại Lộc để chuẩn bị đi viện, bà mừng quá, ôm con gái thốt lên “ri là chắc rồi đây con ơi”. Cả mẹ lẫn con đều mừng khôn xiết, chỉ kịp cảm ơn các chú công an một câu rồi vội đưa đến bệnh viện sinh nở, chẳng kịp hỏi tên ai cả. Còn với những cán bộ, chiến sĩ công an đã bất chấp mưa lũ vì dân, ca sinh “đặc biệt” này lại trở thành một kỷ niệm khó quên.
2. Khi cơn lũ dữ vừa rút đi, chúng tôi đã kịp thời có mặt ở xã Đại Hưng, để tìm hiểu về những thiệt hại nặng nề về xói lở, bồi lấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống ở khu dân cư. Thôn Thạnh Đại trở thành “tâm điểm” của cơn lũ hoành hành tàn phá. Hoa màu bị cuốn sạch, vườn tược bị xói lở nặng, một số nhà dân bị lũ xói lở, ăn sâu vào nền móng nhà, một con lạch mới hình thành có nguy cơ xé đôi làng Thạnh Đại chỉ sau vài trận lũ, nếu thiếu phương án khắc phục kịp thời.
Đáng nói, thời điểm lũ rút đi, tuyến đường ĐH 13, đoạn ngang qua địa bàn thôn Thạnh Đại bị bồi lấp cả nửa cây số bùn non và cát, khiến người và phương tiện không thể lưu thông. Chứng kiến người dân, nhất là trẻ em đến trường phải nhích từng bước một giữa đống bùn ngập sâu tận đầu gối, hai anh Lương Công Vũ (45 tuổi) và Nguyễn Tấn Mến (38 tuổi) đã tự động xách xẻng, cuốc đào bùn, cát để tạo hai đường rãnh cho người và phương tiện qua lại dễ dàng hơn, trước khi địa phương có phương án khắc phục. Vừa hì hục cào bùn non, anh Vũ vừa cho biết: “Nước rút khỏi làng từ chiều hôm qua, bùn non nhiều lắm song nhà ai nhà nấy lo dọn rồi. Nước rút tới đâu dọn tới đó. Tôi dọn nhà xong, chừ phải tìm cách khơi thông đường, chứ không thể để ri được”. Nhờ vậy, chỉ trong buổi sáng, các em nhỏ đi học về, người dân và phương tiện qua lại có phần dễ dàng hơn trước.
Cũng theo anh Vũ và anh Mến, lượng bùn, cát bồi lấp sâu và nhiều đến 40 - 50 mét khối này, sức người không cách gì làm nổi, không thể vận chuyển hết được, mà cũng chẳng biết vận chuyển đem đi đổ ở đâu? “Trước mắt phải khai thông hai cái rãnh sâu để học sinh và xe cộ dễ đi lại cái đã…” - anh Mến chia sẻ. Việc làm nghĩa tình của hai anh đã nhận được sự đồng tình của bà con xóm giềng và gieo thiện cảm vào lòng trẻ nhỏ. Ít ra giữa những việc “cha chung không ai khóc” thì vẫn có những người không ngại khó ngại khổ, bỏ công sức cống hiến vì xóm làng, vì xã hội.
Những cán bộ, chiến sĩ công an không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng giúp dân trong mưa lũ, hay những người dân không nề hà khó khăn, bỏ công sức khắc phục đường sá khi cơn lũ vừa rút đi là những bông hoa đẹp giữa đời thường…
TRIÊU NHAN (Báo Quảng Nam)